Theo nhà báo Hoàng Nam, yêu nghề và đam mê là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi phóng viên, nhà báo (Trong ảnh: Nhà báo Hoàng Nam trên đường đi gặp nhân vật Bình ở tỉnh Bình Phước)
“Nếu chọn lại, tôi vẫn chọn nghề báo”
Đó là điều tâm đắc nhất của nhà báo Hoàng Nam - Báo VnExpress, khi chia sẻ về nghề báo. Hơn 12 năm gắn bó với nghề, anh theo đuổi các thể loại đa dạng của báo chí với nhiều đề tài khác nhau. Song, anh cho rằng, với bất kỳ đề tài nào, đó không hẳn là những vấn đề nóng, điều tra mới theo đến cùng mà ngay cả những bài viết bình dị nhất, mỗi phóng viên, nhà báo cũng phải theo đến cùng đề tài.
Theo nhà báo Hoàng Nam, chỉ có lòng yêu nghề, niềm đam mê với nghề mới giúp phóng viên, nhà báo làm nên những tác phẩm báo chí chất lượng. Điều đó giúp anh có thể thức thâu đêm suốt sáng để phác họa, canh đường đi của những người chở thuốc lá lậu. Và phóng sự Những ông “trùm nài” thuốc lá lậu vùng biên ra đời trong hoàn cảnh như trên.
“Nghề báo là nghề đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn những nghề khác nhưng nếu bạn có niềm đam mê, bạn sẽ không bao giờ thấy mệt nhọc khi làm nghề. Tôi nghĩ, làm báo chỉ đơn giản là kể lại những câu chuyện nhưng quan trọng là kể thật. Nhà báo có đến tận nơi, ra tận hiện trường thì câu chuyện sẽ sinh động hơn khi ngồi trong phòng. Đôi khi những người làm nghề bằng đam mê sẽ bị thiệt thòi nhưng bạn hãy cứ làm bằng cái tâm, chí ít bạn nhất định sẽ thành công” - nhà báo Hoàng Nam nói.
Khi thực hiện bài viết về hạn, mặn ở miền Tây, bên cạnh những kiến thức cuộc sống vì là dân đồng bằng, anh dành khá nhiều thời gian đọc tư liệu, tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau để có thể đem đến cho độc giả về tình trạng hạn, mặn lịch sử ở đồng bằng. Để rồi sau đó, những bài như Sống bên những dòng kênh khô; Ly hương nơi hạ nguồn Mekong; Thủ phủ sầu riêng thời tem phiếu đổi nước; Trồng lúa, thanh long trên vùng mặn; Miền Tây biến dạng vì làm trái quy luật tự nhiên đã nhận được những phản hồi tích cực từ bạn đọc.
Nhà báo Hoàng Nam kể, rong ruổi suốt chiều dọc chặng đường miền Tây, giữa mùa hạn, mặn khốc liệt, những nơi anh đi qua đều có cùng một cảnh giống nhau: Ruộng đồng khô nứt nẻ, kênh mương cạn nước, đường sá sụt lún và những gương mặt khắc khổ, đượm buồn. Có một kỷ niệm đáng nhớ là khi ghi hình ở Đất Mũi, flycam của anh đã bị gió cuốn ra biển mất tích. “Vũ khí” quan trọng không còn, anh phải gọi khắp nơi, nhờ các đồng nghiệp địa phương hỗ trợ.
Khi anh trở lại Ba Tri, nơi bị thiệt hại nặng nhất trong đợt hạn, mặn lịch sử tại Bến Tre, trong một danh sách dài đến hơn chục hộ khó khăn, anh chọn ra 2 hộ đặc biệt, thuộc diện “nghèo rớt mồng tơi” vì vụ mùa thất bát. Anh để ý đến 2 người đàn ông trong danh sách bởi họ có cái tên ấn tượng: Bình - Minh. “Họ có thể sẽ là 2 nhân vật chính trong câu chuyện của mình” - anh nghĩ. Không chỉ xuôi về miền Tây, anh lại ngược lên tận miền Đông ở huyện Bù Đăng, Bình Phước, gặp nhân vật Bình để kể lại hành trình ly hương vì hạn, mặn, giúp bạn đọc có được câu chuyện sống động qua bài Ly hương nơi hạ nguồn Mekong. “Nhưng cuộc đời vốn dĩ đâu phải chỉ có nỗi buồn, ít lâu sau khi loạt bài khởi đăng, ông già Sáu - Trưởng ấp An Phú Trung, gọi cho tôi, giọng hớn hở, bảo rằng nhiều mạnh thường quân sau khi đọc bài trên VnExpress, đã tìm đến, hỗ trợ xây cho Bình - Minh 2 căn nhà mới. Hai nhân vật cuối cùng đã có một đoạn kết có hậu, đúng như cái tên của họ” - nhà báo Hoàng Nam cho hay. Tác phẩm này sau đó vinh dự đoạt giải C Giải Báo chí quốc gia ở thể loại phóng sự.
Không ngừng học hỏi
9 năm làm báo đã giúp nhà báo Kiên Định, Báo Long An, đi nhiều nơi, biết nhiều người, tiếp xúc với nhiều câu chuyện. Nhà báo Kiên Định cho biết, từ một người xa quê, chưa hiểu hết văn hóa vùng, miền, đến nay anh cũng như một người Long An. Làm báo không chỉ giúp bản thân được thỏa niềm đam mê mà còn giúp anh có nhiều người bạn. Đồng thời, làm báo cũng cho anh có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Từ ngày làm báo, anh may mắn được các anh, chị đồng nghiệp hướng dẫn và gắn bó với mảng pháp luật - bạn đọc. Đó là một lĩnh vực mới với anh và cũng khó trong số các mảng đề tài báo chí hiện nay, đòi hỏi mỗi người làm báo phải nỗ lực, học tập.
Nhà báo Kiên Định cho rằng, pháp luật - bạn đọc đôi khi đi liền với rủi ro khi chỉ cần một thông tin nhỏ chưa đúng hoặc chưa đầy đủ. Do đó, bên cạnh kỹ năng báo chí, kiến thức xã hội, mỗi người làm báo ở mảng này cần bồi dưỡng thêm kiến thức pháp luật. Có thể một đề tài, một đơn thư hay phản ánh của bạn đọc, anh sẽ phải mất nhiều ngày, đi nhiều nơi mới hoàn thành được bài viết nhưng đổi lại khi bài viết được đăng tải, có hiệu ứng là niềm vui với mình khi có thể giúp được một chút, góp thêm tiếng nói cho những người đang cần giúp đỡ.
Anh cũng vui khi nhiều năm qua, từ mảng đề tài này, nhiều bài viết của anh được chọn để trao giải trong những năm tổ chức Giải Báo chí tỉnh. Tuy nhiên, nhà báo Kiên Định cho rằng, bản thân tiếp tục học hỏi nhiều hơn nữa ở các đồng nghiệp để hoàn thiện mình.
“Kỷ niệm gần nhất với tôi có lẽ thực hiện bài viết nông sản vẫn thẩm lậu qua biên giới vào đầu năm 2020. Lúc ấy, dịch Covid-19 bùng phát, biên giới được khép chặt để phòng, chống buôn lậu. Tuy nhiên, một bộ phận còn thờ ơ, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay cho buôn lậu khi để hoạt động buôn bán nông sản vẫn xảy ra trên tuyến biên giới. Khi được nhà báo cùng cơ quan đề nghị phối hợp thực hiện, chúng tôi lên kế hoạch đi như thế nào để phản ánh được đầy đủ nhất vấn đề này. Lần đi thực tế, chúng tôi xuất phát gần 18 giờ trên suốt khoảng 15km đường biên giới ghi nhận tình hình và khi về là hơn 22 giờ. Dù đây chỉ là loạt bài nhỏ nhưng có tác động khá lớn, buộc các cơ quan chức năng phải chấn chỉnh lại hoạt động kiểm soát trên tuyến biên giới” - nhà báo Kiên Định chia sẻ.
Nhà báo tác nghiệp ở mọi hoàn cảnh (Trong ảnh: Nhà báo Kiên Định tác nghiệp ở tuyến biên giới)
Trong một lần nhà báo Kiên Định đi thực tế tháng 5/2021 trên dọc tuyến biên giới Long An từ Đức Huệ về Tân Hưng khi Bộ đội Biên phòng thành lập các chốt, trạm kiểm soát trên tuyến biên giới. Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ được huy động ra chốt, chốt thì đơn sơ mái lá, dựng cây, phủ nylon khá nóng. Đi đến tận nơi trong nhiều ngày, anh thấy mình may mắn hơn rất nhiều trước những khó khăn, vất vả của các lực lượng trong những ngày cao điểm chống dịch. Hay đó còn là một lần đi viết bài về các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các vùng giáp ranh TP.HCM. Đó là một đêm mưa, sau khi đi hơn 10 chốt kiểm soát dịch tại các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường liên xã giáp TP.HCM, lúc trở về là hơn 22 giờ. Cả tuyến Quốc lộ 1 vắng lặng như tờ, cứ vài phút lại có một chuyến xe cấp cứu nháy đèn lao đi vun vút... Đó là những kỷ niệm mà chắc chắn trong cuộc đời làm báo anh không thể nào quên!
Biển cả mênh mông, núi cao hiểm trở, đồng ruộng sình lầy, thời tiết khắc nghiệt hay dịch bệnh nguy hiểm,... Những người làm báo vẫn mạnh mẽ dấn thân. Và chỉ có niềm đam mê, yêu và tâm huyết với nghề mới giúp những nhà báo sẵn sàng có mặt mọi nơi, đến với mọi miền của Tổ quốc, đưa hơi thở cuộc sống vào từng trang viết sống động và ý nghĩa./.
Song Nhi