Phát huy thế mạnh địa phương
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (chương trình OCOP) đang được các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tích cực triển khai.Đây được xem là "đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra ít nhất tại mỗi xã một hoặc nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực.
Mô hình trồng rau thủy canh tại hộ ông Trương Văn Phích, ngụ phường 7, TP.Tân An
TP.Tân An có 3 sản phẩm: Bưởi, thanh long và rau an toàn được chọn thí điểm thực hiện “Mỗi xã, phường sản phẩm ứng dụng công nghệ cao”. Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện nhưng mỗi xã, phường của thành phố đều đang có những cách làm phù hợp nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có để đạt mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ông Trương Văn Phích, ngụ phường 7, TP.Tân An, qua tuyên truyền và định hướng của địa phương, gia đình quyết định đầu tư trồng rau thủy canh với diện tích 2.000m2. Gia đình áp dụng các kiến thức, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Sản phẩm tạo ra có năng suất, chất lượng cao, được nhiều đơn vị đến thu mua, lợi nhuận bước đầu cao hơn so với trước.
Xã Bình Tâm có cây thanh long được đưa vào chương trình “Mỗi xã, phường sản phẩm ứng dụng công nghệ cao” của giai đoạn 2019-2020.“Hiện diện tích trồng thanh long trên địa bàn xã là 93,5ha, tổng sản lượng hàng năm trên 1.000 tấn. Xã chú trọng đến quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, chứng nhận VietGAP cho trên 15ha. Có thể nói, tham gia vào chương trình OCOP được xem là một thuận lợi cho sản phẩm thanh long Bình Tâm” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tâm - Huỳnh Văn Sơn thông tin.
Cần chiến lược phát triển hợp lý
Thực hiện chương trình OCOP, phường Tân Khánh lựa chọn bưởi da xanh là cây trồng thế mạnh để tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Từ đó, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển trồng bưởi theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc. Khởi phát từ năm 2017 với một vài hộ trồng nhỏ, lẻ, đến nay phường thành lập được Tổ hợp tác Trồng bưởi công nghệ cao với 12 thành viên, diện tích 8ha. Đây cũng là tổ hợp tác trồng bưởi đầu tiên của tỉnh.Được biết, bưởi da xanh có giá cao, từ 40.000-50.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có thể thu lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/ha.
Trồng bưởi da xanh mang lại thu nhập cao cho người dân
Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Khánh - Lương Văn Vạn cho biết: “Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, phường khuyến khích người dân sản xuất sản phẩm bưởi sạch, an toàn theo hướng VietGAP. Người trồng bưởi phải không ngừng học hỏi để có kinh nghiệm phòng, chống bệnh cho cây. Hội Nông dân phường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật; đồng thời, tổ chức cho hội viên nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm trồng bưởi ở các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long,… từ đó phát huy thế mạnh của sản phẩm. Ngoài ra, hội cũng tham mưu cấp trên những định hướng phù hợp, chiến lược để hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất”.
TP.Tân An áp dụng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nên ngành nông nghiệp bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan. Việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa, hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn và an toàn sinh học. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn với bình quân thu nhập đầu người năm 2018 đạt 58,46 triệu đồng/năm, tạo tiền đề quan trọng để thành phố triển khai thực hiện chương trình OCOP.
Bên cạnh kết quả đã đạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố cũng còn những hạn chế nhất định: Chất lượng, mẫu mã đa phần sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu, chưa tạo được sức hút với khách hàng; sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu vẫn bó hẹp phạm vi trong tỉnh, và liên tục trong tình trạng “được mùa, rớt giá”. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ, thủ công, thiếu sự liên kết giữa các “nhà” với nông dân, thiếu đầu tư về khoa học - kỹ thuật, công nghệ, vốn, nguồn nhân lực. Mặt khác, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn mang tính đại trà, chưa mang nét đặc trưng của địa phương; thị trường tiêu thụ của phần lớn sản phẩm ở phạm vi hẹp, quy mô sản xuất còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức;…
“Để giải bài toán này, ngành nông nghiệp thành phố đang sát cánh cùng các ngành liên quan, các cấp chính quyền xây dựng lộ trình phát triển OCOP hợp lý, sát với điều kiện thực tiễn; quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho phát triển các sản phẩm địa phương theo đúng mục tiêu chương trình OCOP hướng tới: “Nhà nước chỉ định hướng và tạo cơ chế, còn người dân là chủ thể sáng tạo để có những sản phẩm mang tính đặc trưng, góp phần gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị xuất khẩu ra nước ngoài”” - đại diện Phòng Kinh tế TP.Tân An thông tin.
Như vậy, chương trình OCOP nếu được triển khai tốt sẽ rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thêm vào đó, chương trình sẽ thổi một luồng gió mới giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới từ nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo./.
Châu Sơn