Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm phát biểu tại Hội nghị triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Long An
► PV: Xin ông cho biết mục tiêu, phạm vi, đối tượng thực hiện của Đề án OCOP tỉnh?
Ông Phan Văn Liêm: Chương trình OCOP là giải pháp trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, điểm nhấn của chương trình là phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Để cụ thể hóa Chương trình OCOP của Trung ương, UBND tỉnh ban hành Đề án OCOP giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định số 5077/QĐ-UBND, ngày 28/12/2018).
Mục tiêu chung là góp phần thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm tham gia sản phẩm OCOP quốc gia; triển khai phát triển 1 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với các điểm du lịch của tỉnh. Ngoài ra, thông qua việc tham gia Đề án OCOP sẽ củng cố, kiện toàn các DN, HTX; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổ chức, quản lý cho lãnh đạo các DN, HTX, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia Đề án OCOP.
Đề án OCOP sẽ được triển khai thực hiện tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Chủ thể thực hiện Đề án OCOP là các HTX, DN nhỏ và vừa, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
Công ty TNHH Một thành viên Rượu thanh long với sản phẩm rượu vang thanh long là một trong những sản phẩm có khả năng phát triển OCOP của tỉnh. Ảnh: Mai Hương
► PV: Để thực hiện Đề án OCOP hiệu quả, thời gian tới, cần thực hiện nhiệm vụ và giải pháp nào?
Ông Phan Văn Liêm: Để thực hiện đề án hiệu quả, thời gian tới, cần thực hiện:
Thứ nhất, thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp hiểu đúng, đủ về Đề án OCOP của tỉnh; tuyên truyền để người dân biết và tham gia đề án. Các cấp cần đưa nội dung thực hiện Đề án OCOP vào nghị quyết của cấp ủy để chỉ đạo thực hiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của các cấp chính quyền.
Thứ hai, áp dụng đồng bộ, thống nhất các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng,...
Thứ ba, xây dựng hệ thống đối tác hỗ trợ thực hiện Đề án OCOP, đó là: Các DN tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; viện, trường đại học, nhà khoa học; hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; ngân hàng, quỹ đầu tư; đài phát thanh, truyền hình; báo.
Thứ tư, tăng cường huy động nguồn lực, trong đó, nguồn lực lớn nhất là từ cộng đồng (tiền vốn, đất đai, sức lao động, công nghệ,...) và từ các tổ chức tín dụng.
Sản phẩm lạp xưởng Cô Châu - 1 trong 10 sản phẩm tiêu biểu có khả năng phát triển OCOP của tỉnh
► PV: Tỉnh có cơ chế, chính sách nào để hỗ trợ các HTX, DN, hộ gia đình tham gia thực hiện Đề án OCOP?
Ông Phan Văn Liêm: Nguồn vốn thực hiện Đề án OCOP chủ yếu là nguồn xã hội hóa, tức là vốn tự huy động của các DN, HTX, hộ gia đình. Ngoài ra, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần từ vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, vốn chương trình khuyến công, khuyến nông,... Do đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đề án OCOP được thực hiện theo cơ chế hỗ trợ của các chương trình: Xây dựng nông thôn mới, khoa học và công nghệ, khuyến nông, khuyến công,... hiện hành.
► PV: Ông đánh giá về sản phẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi và khó khăn gì khi tham gia vào Đề án OCOP?
Ông Phan Văn Liêm: Qua khảo sát sơ bộ, tại thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 41 sản phẩm có thể phát triển đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, gồm: 23 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 11 sản phẩm thuộc nhóm trang trí nội thất; 7 sản phẩm thuộc nhóm du lịch nông thôn. Điểm thuận lợi nhất đối với các sản phẩm này là sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, cơ bản bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm, một số sản phẩm đã được chế biến, đóng gói, có bao bì,... Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện hỗ trợ các DN, HTX sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các sản phẩm là tổ chức sản xuất sản phẩm; phân phối, quảng bá sản phẩm; chất lượng sản phẩm; năng lực sản xuất (vốn, công nghệ,...) còn nhiều hạn chế.
► PV: Xin cảm ơn ông!
Sáng ngày 14/3/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Long An giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030.
Đề án OCOP tỉnh được xây dựng dựa trên quan điểm lấy người dân làm chủ thể của quá trình thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã làm nền tảng để tổ chức sản xuất; đồng thời, phát huy tính chủ động, tự tin, sáng tạo của cộng đồng dưới sự quản lý, định hướng và hỗ trợ của Ban Chỉ đạo Đề án OCOP tỉnh.
Giáo sư thỉnh giảng của Chương trình học bổng lãnh đạo trẻ IATSS Forum, Nhật Bản - Fumihico Adachi chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản tại Hội nghị triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Long An
Theo đề án, giai đoạn 2019-2020, sẽ tiêu chuẩn hóa 10 sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và trở thành sản phẩm có xếp hạng gắn sao của tỉnh. Trong đó, phấn đấu có ít nhất 3 sản phẩm có chất lượng tham gia sản phẩm OCOP quốc gia.
Về phát triển các tổ chức kinh tế, đề án đặt mục tiêu củng cố, kiện toàn các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Đào tạo, tập huấn kiến thức về chương trình OCOP, quản lý sản xuất, kinh doanh cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Triển khai phát triển ít nhất 1 làng văn hóa du lịch và 1 điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ đăng ký kinh doanh sản phẩm OCOP đánh giá cao tầm quan trọng của đề án; đồng thời, nhất trí cao về nội dung, kế hoạch triển khai đề án.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm, đây là đề án khá mới nên những khó khăn, vướng mắc là không thể tránh khỏi, nhất là công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Vì vậy, ông đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần tổ chức quán triệt thật kỹ và sâu, rộng; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, thay đổi nhận thức của người dân và chính quyền các cấp,... để Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” được thực hiện hiệu quả.
|
Huỳnh Phong - Bùi Tùng (thực hiện)