Tiếng Việt | English

18/08/2023 - 10:17

Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông

Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) như thế nào? Những trách nhiệm này đều được quy định cụ thể trong Luật Giao thông đường bộ (GTĐB).

Hiện trường vụ va chạm giữa xe máy và xe ô tô trên Đường tỉnh 835, đoạn qua huyện Cần Giuộc

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh), trách nhiệm người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ TNGT được quy định tại khoản 1, Điều 38 Luật GTĐB. Đó là dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất và cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 38 Luật GTĐB, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ TNGT có trách nhiệm: Bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Tại khoản 4, Điều 38 Luật GTĐB quy định cơ quan công an khi nhận được tin về vụ TNGT có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra, phối hợp cơ quan quản lý đường bộ và UBND địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Còn theo khoản 5, Điều 38 Luật GTĐB, UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan công an, y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất. Trường hợp vụ tai nạn vượt quá khả năng giải quyết, UBND cấp xã phải kịp thời báo cáo UBND cấp trên.

Pháp luật cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong điều tra, giải quyết TNGT. Theo khoản 6, Điều 38 Luật GTĐB, Bộ Công an có trách nhiệm thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về TNGT đường bộ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức.

Điều 4 Thông tư 62/2020/TT-BCA; Điều 3 Thông tư 64/2020/TT-BCA, ngày 19/6/2020 quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết TNGT của lực lượng Công an nhân dân cũng quy định rõ lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra và các lực lượng khác trong công an nhân dân phải phối hợp chặt chẽ điều tra giải quyết TNGT theo nguyên tắc tất cả các vụ TNGT xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện.

“Tại tỉnh, hiện nay, công tác điều tra, xử lý TNGT thực hiện theo phân cấp lực lượng nào tuần tra bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sẽ nhận tin thụ lý ban đầu tất cả các vụ TNGT, sau đó, căn cứ hậu quả vụ TNGT sẽ chuyển giao cho cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền. Số điện thoại nhận tin là Công an xã nơi xảy ra vụ TNGT, Công an huyện nơi địa bàn xảy ra TNGT; Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Long An, số điện thoại 02723.989.235”- Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thêm./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết