Làm mẹ đơn thân khổ trăm bề, vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa lo kinh tế chu toàn, dạy dỗ con chu đáo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phụ nữ đơn thân phá vỡ mô hình gia đình truyền thống, rộ lên những trăn trở, ẩn nhiều nỗi lo về tâm sinh lý của đứa trẻ khi vắng bóng người cha.
Xác định làm mẹ đơn thân ngay từ trẻ
Sinh ra trong một gia đình khá giả, khi vào TP.HCM lập nghiệp gia đình đã mua cho chị Trần Thu Hà một căn nhà riêng khá to ở Q.11. Ngoài việc đi làm hằng ngày, chị Hà còn cho thuê các căn phòng trong nhà nên thu nhập khá "xông xênh". Nhà chị Hà có ba chị em gái, một người em định cư ở Mỹ, một người em tiếp nhận gia sản ở quê.
Những ngày son trẻ, chị Hà cũng có vài ba mối tình, cũng quấn quýt tưởng không thể chia xa nhưng "hội ngộ rồi chia ly cuộc đời vẫn thế!".
Kết thúc những mối tình này, chị Hà nhận thấy tình cảm nam nữ là một điều gì đó hết sức mong manh, chưa kể những giận hờn nhiều lúc làm chị rất mệt. Chị Hà thấy chị yêu tự do của chị hơn hạnh phúc lứa đôi.
Vậy là trong những ngày chỉ có riêng ta, chị hay cùng các bạn gái đi du lịch đến vùng đất này, vùng đất kia. Lúc 34 tuổi, chị bỗng thấy những cuộc chơi trở nên nhàm chán, chị Hà muốn đẻ một đứa con.
Công việc ổn định, chị Hà tự lên kế hoạch cho mong muốn này. Chị nhờ cô em gái kết nối chị với một người đàn ông bên Mỹ với mục đích rất rõ ràng chỉ để có một đứa con, sau đó không ai làm phiền đến ai. Khi biết có đối tác, chị bay qua Mỹ một chuyến và khi biết chắc đã đậu thai chị bay về Việt Nam.
Chị từng chia sẻ với những người bạn của chị, sở dĩ chị muốn kiếm một đối tác xa để sau này không ai phiền đến chị, con là của riêng chị.
Sau đó, chị Hà sinh ra một bé gái xinh đẹp, khỏe mạnh. Cũng từ ngày đó, chị luôn phải dành thời gian bên con, đi đâu chị cũng phải dắt con đi theo.
Bé gái con chị giờ đã 12 tuổi nhưng chưa bao giờ gặp cha của mình, chưa từng cảm nhận được hơi ấm từ một cái ôm của cha. Bé chỉ biết duy nhất một người là mẹ.
Mẹ trở thành tất cả của bé và có lẽ bé cũng là tất cả của mẹ.
Cũng giống như suy nghĩ của chị Hà, nhiều bạn trẻ ngày nay nhìn những người thân, những cặp vợ chồng xung quanh, cảm thấy mệt mỏi nếu mình vào trong hoàn cảnh đó. Nhiều bạn gái trẻ không ngần ngại bày tỏ dự định những năm tháng tuổi trẻ các bạn sẽ đi làm, sau đó đi du lịch.
Khi nào chán rong chơi, gặp được ai đó cảm thấy có cảm tình, có tài năng, có hình thức, sẽ "xin" một đứa con để chuẩn bị điểm tựa tinh thần cho những năm tháng về già.
Làm mẹ đơn thân quá mệt, tủi thân
Chị Trần Thanh Nhã, 36 tuổi, ngụ ở quận Tân Bình, TP.HCM, kể chị chia tay chồng khi con gái chị mới được 2 tuổi. 8 năm nay chị đằng đẵng một mình nuôi con. Nhiều cặp vợ chồng chung sức nuôi con còn than mệt chứ những người phụ nữ một mình nuôi con như chị sẽ luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.
Chị Nhã không cho phép mình ốm, bởi mình bệnh ai sẽ thay mình chăm con? "Nói một cách dễ hiểu vợ chồng chăm con còn có người thay ca, còn mẹ đơn thân là ca nào cũng phải làm", chị Nhã nói trong ánh mắt trầm buồn.
"Lúc nào cũng lo lắng, căng thẳng, dồn hết sức lực cho con cũng tạo một gánh nặng vô hình cho con", chị Nhã nhìn nhận. Những lúc bình tĩnh nghĩ lại chị thấy mình rất hay nổi cáu khi con làm sai bất cứ điều gì. Từ ngày chia tay chồng, mọi hy vọng chị đổ dồn vào con.
Chị cho rằng chị là một người phụ nữ thất bại trong hạnh phúc lứa đôi, vì vậy chị phải quyết tâm nuôi dạy con thật tốt. Dù hai mẹ con đang ở nhà thuê nhưng chị cho con học đủ các môn học. Bé con chị chơi được cả piano, cả vilolin, biết bơi, biết vẽ, biết múa...
Thế nhưng, nếu quan sát kỹ, con gái chị có gương mặt buồn buồn, bé rất sợ mẹ, đặc biệt là sợ mẹ nổi nóng. Bé không có được nụ cười hồn nhiên, ngây thơ như những trẻ em khác. Dù nhỏ tuổi nhưng bé đã biểu hiện rõ sống nội tâm và đặc biệt đã thích trải lòng trên những trang giấy.
Những ngày bình thường không sao nhưng khi đến những ngày Tết chị Nhã và con gái không tránh được nỗi buồn. "Cảnh hai mẹ con thui thủi bên nhau quả thật cũng mang lại cảm giác tủi thân", chị Nhã chia sẻ.
Khi biết nhiều bạn trẻ thời nay xác định sẽ làm mẹ đơn thân ngay từ trẻ, chị Nhã cho rằng các bạn trẻ phải suy nghĩ thật thấu đáo về vấn đề này. Làm mẹ đơn thân mệt mỏi hơn các bạn trẻ tưởng rất nhiều. Đó là một chuỗi ngày rất dài chỉ có một mình, phải vượt hết khó khăn này đến khó khăn khác và trong lòng luôn lo sợ một điều "lỡ có chuyện gì xảy ra ai sẽ là chỗ dựa cho con mình?".
Nuôi dưỡng một đứa trẻ không đơn giản chỉ là chăm cho con bữa ăn để con lớn lên, mà phải nuôi dưỡng làm sao để trẻ trở thành một đứa trẻ tự tin, biết nhận tình thương cũng như trao tình yêu thương và quan trọng hơn là trẻ sẽ sống hạnh phúc mỗi ngày.
Dù đã nỗ lực, cố gắng hết sức, thậm chí còn làm những việc quá khả năng của mình để chăm sóc con một cách đủ đầy nhưng chị Nhã vẫn thừa nhận "chưa khi nào chị có thể thay thế được người cha trong lòng con chị".
Trong những lần vô tình dọn dẹp sách vở cho con, chị đọc được những dòng chữ con gái viết: "Con nhớ ba!", "Không biết khi nào con mới được gặp ba, ba ơi?"...
Trẻ vắng cha trưởng thành cảm xúc chậm hơn
TS Ngô Xuân Điệp, khoa tâm lý Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết các bạn trẻ có hướng chọn trong tương lai sẽ là một bà mẹ đơn thân - đây là quyết định tự do của mỗi người.
Tuy nhiên, TS Xuân Điệp cho rằng đứng ở góc độ phát triển tâm sinh lý của trẻ thì một đứa trẻ thiếu vắng tình thương của người cha, thậm chí không từng biết mặt người cha, không bao giờ được mẹ nhắc, kể về cha sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm cũng như sự phát triển của trẻ.
Một bé gái sẽ luôn cần tình cảm bao bọc, che chở của người cha. Còn một bé trai sẽ cần một hình mẫu của một người đàn ông để bé học theo, phát triển.
Với những trẻ thiếu vắng tình thương của cha từ bé sẽ khó khăn trong việc vượt qua những mốc cảm xúc trong đời sống sau này như trưởng thành cảm xúc chậm hơn so với bạn cùng tuổi.
|
Theo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/trao-luu-me-don-than-an-chua-nhieu-noi-lo-20241004225336429.htm