Tiếng Việt | English

16/04/2018 - 16:38

Trẻ em nông thôn thiếu sân chơi

Mùa hè đang đến gần, việc thiếu sân chơi dành cho trẻ em là bài toán chưa có lời giải tại không ít vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay.

"Khát" sân chơi

Đá bóng, bắn bi, nhảy dây, chơi ô ăn quan, thả diều,... dường như là những trò chơi "độc quyền" của trẻ em vùng nông thôn từ trước đến giờ. Đối với trẻ em nông thôn, nghỉ hè đơn giản là được... nghỉ học. Số lượng các em được tham gia các hoạt động hè do trường và địa phương tổ chức chiếm tỷ lệ rất ít. Vậy mùa hè, trẻ em nông thôn đi đâu, làm gì, chơi gì,...? Đây không chỉ là trách nhiệm của các bậc cha mẹ mà còn của các ngành chức năng và toàn xã hội.

Em Trần Minh Quang (11 tuổi), ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chia sẻ: "Vào dịp hè, em cùng mấy bạn trong xóm thường rủ nhau đi đá bóng. Sân chơi của tụi em là đám ruộng trước nhà. Đá bóng chán thì tụi em đi câu cá, thả diều".

Trẻ em nông thôn thường quanh quẩn với những trò chơi: Thả diều, chơi ô ăn quan...

Trẻ em nông thôn thường quanh quẩn với những trò chơi: Thả diều, chơi ô ăn quan...

Đối với nhiều trẻ, những trò chơi đó dường như là lựa chọn không thể thay thế, vì không có trò khác để chơi và chưa có một sân chơi đúng nghĩa dành cho các em. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, ngụ ấp Tân Bình, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, khẳng định: "Nếu không có hoạt động tập thể trong hè, tụi nhỏ không biết vui chơi, giải trí cái gì. Điều này phát sinh rất nhiều hệ lụy. Không có các hoạt động bên ngoài, trẻ em chỉ còn biết "quẩn quanh" trong nhà xem tivi hoặc dán mắt vào các loại game trên máy tính, điện thoại,... Cha mẹ bận lo cuộc sống hàng ngày, không có thời gian quan tâm đến con em, điều này rất nguy hiểm".

Chị Nguyễn Ngọc Mai, ngụ ấp Cả Cỏ, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, băn khoăn: "Ở vùng sông nước, khi xảy ra trường hợp trẻ bị đuối nước, ai cũng đau lòng và vô cùng lo lắng cho con em mình, nhất là trong những tháng hè. Còn các tiệm Internet lúc nào cũng thu hút nhiều em đến chơi game. Nhiều em bị "cuốn" vào những trò chơi bạo lực nên ngày càng có nhiều hành động lệch lạc và xảy ra trường hợp phạm pháp ở lứa tuổi học trò. Nếu như thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân, lỗi này phần lớn thuộc về người lớn, cộng đồng chứ không phải ở các em, nhất là những em 11, 12 tuổi - lứa tuổi dễ "nổi loạn" nếu không được quan tâm, gần gũi kịp thời".

Trẻ em ở nông thôn với điều kiện còn nhiều khó khăn nên ít được đến nhà văn hóa, nhà thiếu nhi dành cho thanh, thiếu niên như ở đô thị. Hiện nay, hầu hết địa phương trong tỉnh đều có trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng. Nếu các trung tâm này được đầu tư trang thiết bị đầy đủ và những cán bộ Đoàn tâm huyết hơn, chắc chắn những hoạt động vui chơi dành cho trẻ em không hề khó.

Cần lắm những sân chơi!

Đối với trẻ em vùng nông thôn, không gian vui chơi rộng rãi và thoáng mát, nếu chỉ có những trò chơi: Đá bóng, nhảy dây, ô ăn quan, thả diều thì quá đơn điệu trong những ngày hè. Các em cần những trò chơi vận động mang tính cộng đồng để dạn dĩ, hòa nhập hơn.

Anh Nguyễn Minh Hoàng, ngụ ấp 3, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, cho biết: "Sau thời gian học tập căng thẳng, nghỉ hè là dịp để các em thư giãn, vui chơi thỏa thích. Tuy nhiên, những trẻ sống ở nông thôn không được như thế. Một phần do thiếu sân chơi, một phần do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên nghỉ hè, các em chỉ biết làm những công việc lặt vặt phụ giúp cha mẹ".

Em Nguyễn Thị Phương Thanh - học sinh lớp 3, Trường Tiểu học An Ninh (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa), cho biết: "Mùa hè, em và mấy bạn trong xóm không có gì chơi nên thường rủ nhau đi tắm sông, câu cá,...".

Các em còn nhỏ nên chưa ý thức hết sự nguy hiểm của những trò chơi vùng sông nước. Nhưng do không có khu vui chơi tập trung, nhà thiếu nhi lại ở xa nên các em vẫn hồn nhiên với các trò chơi tự phát của mình.

Sự "đối lập" trong các hoạt động sinh hoạt hè giữa thành thị và nông thôn được thể hiện rõ nét nhất hiện nay. Nếu như ở thành thị, với điều kiện thuận lợi hơn, các em có nhiều hình thức vui chơi, giải trí, các phong trào, tổ chức sinh hoạt hè cũng phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc thì ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, sân chơi dành cho trẻ em trong dịp hè còn nhiều trăn trở. Mong rằng, các cấp, các ngành chức năng quan tâm hơn nữa đến trẻ em không chỉ bằng vật chất mà cả đáp ứng nhu cầu tinh thần. Bên cạnh việc giáo dục tri thức, giáo dục về thể chất vô cùng quan trọng, các hoạt động vui chơi giúp các em nhanh nhẹn, thông minh và khỏe mạnh hơn. Ðây là điều kiện để các em giao lưu, trải nghiệm, có thêm kiến thức xã hội, những kỹ năng sống làm hành trang bước vào đời sau này./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích