Nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa còn thiếu sân chơi ngày hè (Trong ảnh: Trẻ em vui chơi trong căn chòi nhỏ cặp ao rộng - nguy hiểm rình rập)
Trẻ “khát” sân chơi
Đi qua những khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh, hình ảnh thường thấy là trẻ em hòa mình với nắng gió và chơi đá banh, bắn bi, nhảy dây,... Với nhiều trẻ, việc chơi những trò chơi đó dường như là lựa chọn không thể thay thế, vì không có trò nào khác để chơi và không có một sân chơi nào đúng nghĩa dành cho các em.
Có mặt bên bờ kênh Trung Ương, khu vực ấp Cả Bát, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chúng tôi thấy 2 em nhỏ đang tắm sông. Khi đó, gần 4 giờ chiều, trời còn nắng chang chang, 2 em thi nhau leo lên chiếc xuồng cặp bờ kênh, nhảy xuống nước và bơi vào bờ.
Em Lê Nguyễn Thiện Nhân (10 tuổi) cho biết, em tắm ở đây từ 3 giờ chiều. Khi được hỏi, ai dạy em bơi thì Thiện Nhân hồn nhiên trả lời: “Con biết bơi mấy năm nay rồi! Hồi đó, mấy lần đi bắt cá mùa nước nổi, cha mẹ tập cho con bơi”.
Chị Nguyễn Thị Điền - mẹ em Thiện Nhân, nói: “Đi học thì thôi chứ thời gian nghỉ hè, con tôi và mấy đứa nhỏ gần đây cứ quanh quẩn bên nhà chơi bắn bi, đá banh, chứ muốn chơi trò khác cũng không có chỗ mà chơi. Những ngày nắng nóng như thế này, tụi nhỏ thường xin ra kênh tắm, mặc dù tụi nhỏ ở đây đều biết bơi nhưng tôi cũng thấy lo lắm!”.
Dưới cái nắng chói chang của trưa hè, tôi gặp nhóm trẻ khoảng chục em, độ 7-8 tuổi, ở cặp tuyến đường Vĩnh Hưng - Khánh Hưng, qua địa bàn xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng đang ngồi chơi trong căn chòi nhỏ, một số em đang trèo đu đưa bên vách căn chòi, bên dưới là một cái ao diện tích khá lớn và sâu thẳm rất nguy hiểm.
Em Hằng tâm sự: “Nhà em phía bên trên tuyến đê, cách đây vài trăm mét. Ngày nào, em cũng qua đây chơi với các bạn, các em chơi nhà chòi, nhảy dây, mấy trò chơi này chơi hoài cũng chán, nhưng ngoài những trò này ra, tụi em không biết chơi gì khác!”.
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng đều phải dậy rất sớm để chở 2 con đến nhà bà ngoại gửi. Chị chia sẻ: “Một đứa học lớp 2, đứa còn lại học lớp 5, cũng trông nhau được rồi, nhưng để con ở nhà, tôi không yên tâm. Xung quanh thì nhiều ao, mương, nên phải mang con lên ngoại gửi để còn đi làm”.
Chính tại những địa điểm vui chơi không an toàn và không có sự quản lý của người lớn: Tắm sông, trèo cây, đá bóng dưới lòng, lề đường là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn, thương tích cho trẻ em, nhưng dường như các em chưa đủ nhận thức về những mối nguy hiểm rình rập mà chỉ hành động theo sở thích và sự rủ rê của bè bạn. Các em cũng chưa đủ kỹ năng để có thể xử lý tình huống khi gặp tai nạn dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Trẻ tắm sông tìm ẩn nguy cơ đuối nước
Cần sự quan tâm nhiều hơn
Đi dọc theo các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh,..., hầu như chưa có sân chơi hè đúng nghĩa dành cho trẻ. Một số địa phương có nhà thiếu nhi (NTN) nhưng hoạt động chưa hết công năng, chủ yếu chỉ tập hợp được những em ở khu vực thị trấn, gần trung tâm huyện, còn những em ở địa bàn các xã hầu như chỉ chơi các trò chơi tự phát khi hè về.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Chí Hùng cho biết: “Những năm qua, huyện quan tâm chăm lo, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu nhi trong toàn huyện. Tuy nhiên, do nguồn lực của huyện có hạn, nhiều địa phương chưa đầu tư được các khu vui chơi, giải trí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sinh hoạt của các em. Tạo sân chơi cho thanh, thiếu nhi, nhất là vào dịp hè, quả là bài toán khó! Để giải bài toán này, huyện đang tìm nguồn lực, trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng sân chơi cho trẻ, có phương pháp và cách làm phù hợp từng địa phương. Ngoài tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, huyện chú trọng tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, mang tính cộng đồng cao để trẻ được phát triển toàn diện, an toàn”.
“Mỗi dịp hè, Ban Thường vụ Huyện đoàn đều triển khai các hoạt động hè, tổ chức các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt cũng như các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao nhằm thu hút đội viên, đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào Đoàn, Đội nhưng nhận thức của các em về hoạt động Đoàn, Đội chưa cao, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ hè phải đi làm thêm phụ giúp gia đình nên việc tập trung được nhiều em tham gia cũng không đơn giản. Hơn nữa, kinh phí hoạt động còn ít, do vậy chưa có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích cho trẻ em nên hiệu quả còn thấp” - anh Nguyễn Cao Đẳng - Bí thư Huyện đoàn Tân Hưng, chia sẻ.
Trẻ em vùng nông thôn chơi những trò chơi tự phát
Còn ở những xã thuộc vùng hạ Cần Giuộc, Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông - Nguyễn Việt Hùng cho rằng, hàng năm, xã tổ chức khai mạc hè, phát động Tháng hành động Vì trẻ em, vận động mạnh thường quân tổ chức trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Riêng hoạt động hè rất khó thu hút, tập hợp các em tham gia, một phần do đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn nên phụ huynh rất ít khi quan tâm đến sinh hoạt hè của con mình; mặt khác, địa phương còn hạn hẹp về kinh phí đầu tư các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em, mặc dù có quy hoạch nhưng công tác kêu gọi đầu tư còn gặp khó,...
Theo Giám đốc NTN tỉnh - Nguyễn Thế Anh: Nhằm tạo sân chơi cho thiếu nhi trong dịp hè, NTN tỉnh tổ chức nhiều lớp kỹ năng, nghệ thuật, thể dục - thể thao,... cho các em vui chơi, giải trí, bồi dưỡng, phát huy năng khiếu; giáo dục đạo đức, lối sống;... giúp các em hoàn thiện kỹ năng trong học tập, lối sống. Hiện tại, NTN tỉnh mở các lớp: Võ thuật, đàn, bơi lội, múa,... thu hút hàng trăm thanh, thiếu nhi tham gia.
Tuy nhiên, hoạt động hè của NTN tỉnh chủ yếu phục vụ trẻ em ở TP.Tân An và khu vực lân cận. Còn ở các địa phương thì tùy vào sự quan tâm của lãnh đạo và điều kiện kinh phí của địa phương. Riêng tại địa bàn nông thôn, sân chơi, sinh hoạt thường xuyên, định kỳ cho thiếu nhi hầu hết chưa có, kể cả cấp huyện cũng còn hạn chế. Một số huyện chưa được đầu tư xây NTN, phải hoạt động lồng ghép với trung tâm Văn hóa - Thể thao, Huyện đoàn. Hoạt động hè chủ yếu tập trung vào các hoạt động vui chơi, giải trí, công tác Đội, Đoàn gắn vào hoạt động NTN là chính chứ chưa thể tổ chức riêng; đối với các lớp năng khiếu còn gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở vật chất, thiết bị để giảng dạy,...
Mặt khác, nhiều nơi được đầu tư xây dựng trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt của nhân dân, là nơi hội họp, điểm vui chơi cho trẻ em khi hè về. Tuy nhiên, một số nơi, nhà văn hóa được xây dựng khang trang với số vốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng nhưng chưa phát huy hết hiệu quả, thỉnh thoảng mới khai thác vào việc tổ chức họp dân hay sinh hoạt các câu lạc bộ, chứ chưa tổ chức được sân chơi cho trẻ. Thiếu sân chơi cho trẻ em đang là thực trạng chung của hầu hết địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trong tỉnh và để có một sân chơi thực sự an toàn, bổ ích, lành mạnh cho các em, quả là một vấn đề nan giải.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là khẩu hiệu mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Tuy nhiên, để khẩu hiệu đó đi vào cuộc sống, hơn lúc nào hết, các địa phương, các ngành, cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp nhằm giúp trẻ em, nhất là trẻ em vùng nông thôn có sân chơi bổ ích, bảo đảm an toàn và lành mạnh cho trẻ./.
Văn Đát