Diện mạo mới trên quê hương nông thôn mới
Thu nhập bình quân đầu người tăng
Xã Tân Lân, huyện Cần Đước đã “thay da, đổi thịt”! Những ngôi nhà tường khang trang, những con đường láng nhựa rộng lớn, điện thắp sáng, nước sạch về đến tận vùng nông thôn. Những thiết chế: Chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa - thể thao xã, cụm văn hóa - khu thể thao liên ấp được đầu tư xây mới khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của người dân. Từ địa phương chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm, năng suất thấp nay đã phát huy hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thông qua chương trình XDNTM, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã không ngừng nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 39 hộ, chiếm 1,37% tổng số hộ dân trong toàn xã. Là một trong những địa phương “cán đích” NTM sớm của huyện, đến nay, xã tiếp tục được huyện chọn XDNTM nâng cao với lộ trình về đích trong năm 2020. Chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Hiện xã có 3 hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, thực hiện mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao, tăng số trang trại nuôi gà lên 97 trang trại.
Ông Lê Văn Chôm, ngụ xã Tân Lân, là một trong những nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ông Chôm chia sẻ: “Do trồng lúa kém hiệu quả nên tôi chuyển sang nuôi gà lấy trứng. Đặc biệt, từ khi tham gia HTX, hiệu quả chăn nuôi cao hơn do được hỗ trợ mua thức ăn cho gà từ các đại lý hoặc công ty nên bảo đảm an toàn; chất lượng trứng gà luôn đạt yêu cầu. Trước đây, tôi chủ yếu nuôi nhỏ, lẻ, lợi nhuận thấp”.
Nông dân tăng thu nhập thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: Hiện toàn huyện còn 1,98% hộ nghèo. Đặc biệt, qua XDNTM, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy. Hệ thống hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn cao hơn 3,5 lần so với năm 2010. Để nâng cao thu nhập bình quân đầu người của các địa phương so với thời điểm công nhận xã NTM, xã Tân Lân cũng như những địa phương khác trên địa bàn huyện vận động người dân chuyển đổi theo hướng giảm diện tích lúa chuyển sang trồng màu, cây ăn trái, chăn nuôi,... Đồng thời, phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã, tăng cường đào tạo nghề. Khi người dân có thu nhập cao, ổn định thì việc vận động đóng góp XDNTM sẽ thuận lợi hơn.
Diện mạo mới
Tính đến nay, tỉnh có 77/166 xã đạt chuẩn NTM, huyện Châu Thành sẽ đạt huyện NTM và TP.Tân An hoàn thành nhiệm vụ XDNTM vào cuối năm 2019. Kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình XDNTM là thu nhập của người dân từng bước được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình cho biết, giờ đây, nông thôn đổi mới, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển với những mô hình hiệu quả, cách làm hay. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Hệ thống các kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nước sạch sinh hoạt được đầu tư; nhà cửa được sửa sang, xây dựng khang trang; cuộc sống người dân ngày một ấm no hơn. Một thuận lợi nữa là Châu Thành hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư hoạt động ổn định, tạo điều kiện về việc làm, mang đến nguồn thu nhập ổn định mỗi năm. Châu Thành luôn coi những kết quả đã đạt trong quá trình XDNTM chỉ là bước đệm và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm huy động mọi nguồn lực XDNTM theo hướng nâng cao các tiêu chí đã đạt, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển KT-XH.
Về xã Hòa Phú, huyện Châu Thành hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước thay đổi về cảnh quan môi trường. Đường xóm, ấp trước đây đi lại rất khó khăn, nay từng ngày đổi thay rõ rệt, sáng, xanh, sạch và đẹp hơn. Đến nay, Hòa Phú trồng trên 8.500 cây xanh dọc theo các tuyến đường giao thông nông thôn; gắn 370 bóng đèn trên các tuyến đường; xây dựng 100 bồn hoa trên các tuyến đường kênh nổi trạm bơm, đường An Thạnh với kinh phí 300 triệu đồng; bổ sung 16.000 giỏ cây chiều tím, 400 cây hoàng yến và 400 cây sao trên các tuyến đường kênh nổi trạm bơm với kinh phí hơn 113 triệu đồng,... Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận, chung tay, góp sức của người dân, bộ mặt nông thôn Hòa Phú dần “khoác” lên mình một diện mạo mới.
Cây thanh long góp phần đổi thay diện mạo nông thôn Châu Thành
Ông Nguyễn Văn Đúng (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Nhờ XDNTM mà thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Từ đó, người dân có điều kiện đóng góp để chung tay cùng Nhà nước XDNTM”.
Anh Lê Thanh Bình, ngụ cùng địa phương, nói: “Những năm gần đây, đời sống người dân có nhiều thay đổi nhờ Nhà nước vận động chuyển đổi cây trồng và thường xuyên có các chương trình hỗ trợ về cây, con giống… Từ đó, người dân mạnh dạn chuyển đổi, sản xuất hiệu quả. Nhờ vậy mà người dân nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia XDNTM bằng việc tình nguyện hiến đất, đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần giúp quê hương ngày càng đổi mới hơn”.
Quê hương sau chặng đường XDNTM thật sự đổi thay, bừng lên một sức sống mới!
Huỳnh Phong