Đình làng - tinh hoa văn hóa Việt
“Trong những năm qua, UNESCO đã công nhận nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, trong đó có Quan họ, Ca Trù, Hát Xoan…, nhưng ít người biết rằng chính đình làng là cái nôi nuôi dưỡng các hình thức diễn xướng đó trong suốt nhiều thế kỷ. Những đêm hội làng, với nghi lễ hát thờ trang nghiêm thành kính, và những sinh hoạt diễn xướng dân gian phong phú như chiếu chèo sân đình, hát ví, hát ống, … đều diễn ra ở không gian văn hóa đình làng. Bao đời nay, đêm hội làng rộn rã trống chiêng vẫn là những kỷ niệm đẹp đẽ lưu mãi trong ký ức những người dân Việt”, anh Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL – người sáng lập Nhóm Đình làng Việt trên mạng xã hội, cho biết.
Các thành viên Đình làng Việt trong một chuyến điền dã
Đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Việt từ bao đời nay, chứa đựng rất nhiều giá trị như kiến trúc, điêu khắc, giá trị văn hóa, lịch sử của người Việt.
Ngày nay với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, nhiều ngôi đình làng có giá trị đang bị bỏ quên, có nguy cơ biến mất. Thời gian qua, nhiều di tích bị xâm hại, trùng tu sai, biến dạng, kém hiệu quả. Những giá trị truyền thống của di sản đình làng Việt đang dần tan biến.
“Chính vì vậy, nhóm Đình làng Việt đã có ý tưởng tạo ra sự kiện triển lãm “Đình làng Việt, những điều còn – mất” nhằm thu hút dư luận xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đình làng, anh Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
Triển lãm do các thành viên nhóm Đình Làng Việt đóng góp tài chính và tổ chức với sự tài trợ của Heritage Space nhằm giới thiệu với công chúng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể dưới mái đình làng truyền thống của người Việt Nam, đồng thời là cầu nối, gặp gỡ, trao đổi giữa những chuyên gia, nhà nghiên cứu và công chúng yêu mến văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử, sự tài hoa của nhiều thế hệ.
Poster của triển lãm
Khởi động chuỗi sự kiện Đình làng Việt – những điều còn, mất
Khoảng 100 bức ảnh chụp các ngôi đình làng Việt ở nhiều địa phương trong cả nước sẽ được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm “Đình làng Việt: Những điều còn-mất.” Chương trình diễn ra từ ngày 8-22/8 tại Heritage Space (tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Hà Nội).
Nội dung những bức ảnh trưng bày tập trung vào hai vấn đề chính: “Tinh hoa đình làng Việt” và “Biến đổi của đình làng Việt.”
Cụ thể, nhóm ảnh “Tinh hoa đình làng Việt” hướng đến việc tôn vinh những đặc trưng kiến trúc, điêu khắc của đình làng Việt cũng như vẻ đẹp của nhiều ngôi đình nổi tiếng như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Hà Nội), đình Đồng Kỵ (Bắc Ninh), đình Hương Canh (Vĩnh Phúc)...
Sự thay đổi, biến dạng những giá trị truyền thống (do trùng tu sai) cũng như sự xuống cấp và nguy cơ biến mất của những ngôi đình cổ sẽ được phản ánh qua loạt ảnh có chủ đề “Biến đổi của đình làng Việt”.
Chương trình các chuỗi sự kiện của Triển lãm
Khi mối quan tâm chung trở thành sức mạnh
Từ 1/9/2014, Đình Làng Việt bắt đầu hoạt động mở trên mạng xã hội Facebook và nhanh chóng thu hút sự tham gia đông đảo của những người yêu mến văn hóa truyền thống. Đến nay, số lượng thành viên của Đình Làng Việt đã lên tới 4000 người thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau. |
Khởi nguồn từ mối quan tâm đến di sản, 4000 thành viên của Đình làng Việt đã có những hoạt động thiết thực vượt ra khỏi khuôn khổ giao lưu trên mạng ảo để từ đó cùng nhau có những chuyến điền dã đình chùa đầy thiết thực, những phát hiện quan trọng về trùng tu sai sót để kịp thời đưa ra dư luận và giúp các cơ quan văn hóa kịp thời vào cuộc… Các thành viên của nhóm là những chuyên gia về mỹ thuật cổ còn chủ động đi giải thích tuyên truyền với người dân địa phương về việc sử dụng linh vật tại các di tích được xếp hạng thế nào cho đúng, chủ động giúp người dân di dời hiện vật lạ không phù hợp ra khỏi di tích được xếp hạng, các hoạt động từ thiện cũng được tổ chức đầy ý nghĩa…
Ý tưởng tổ chức Triển lãm tưởng như bất khả thi nhưng khi được trình bày trên diễn đàn đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Chị Vũ Mai Thơ- Chuyên viên chính Văn phòng TW Hội Mỹ thuật Việt Nam, là admin của Nhóm Đình làng Việt, được mọi người gọi trìu mến là phu nhân Trưởng Thôn cho biết: “Đình làng Việt là nơi quy tụ “nhân lực” của gần 4000 con người, nên sức mạnh về trí tuệ là rất lớn, có khá nhiều nhân vật giỏi giang trong nhiều lĩnh vực”.
Các thành viên đang tích cực chuẩn bị cho triển lãm
Được giao công tác hậu cần tổ chức tiệc trong lễ khai mạc, chị Thơ cho biết đã kêu gọi mọi người ủng hộ được khoảng gần 20 món đặc sản vùng miền – là “cây nhà lá vườn” đặc sản quê nhà của các thành viên. “Điều đó cho thấy, đó là ý tưởng khá hay, vì như vậy,”thành phần các chị em” ở trong nhóm không có ảnh bày triển lãm đã có thể được giới thiệu đặc sản vùng miền quê hương mình, thể hiện sự khéo léo đảm đang của bản thân, sẽ cảm thấy “đó là việc làng” của mình”, chị Thơ chia sẻ.
“Rút kinh nghiệm, khi cần một việc gì đó, mình sẽ là đăng lên trên FB Đình làng Việt để hỏi và lại tiếp tục nhận được sự gợi ý, đóng góp ý kiến, hỗ trợ của mọi người, chẳng hạn như mượn mẹt bày thức ăn, thì được họa sĩ Anh Đức Nhà sàn cho mượn cả mâm gỗ giả cổ với số lượng thoải mái đủ cho 200 người dự tiệc... Mỗi người góp một ít công sức, việc sẽ nhẹ đi”, chị Thơ cho biết.
Các thành viên đang tích cực chuẩn bị cho triển lãm
Ngoài vấn đề chuyên môn, một điểm mạnh của nhóm Đình làng Việt là qui tụ những tay máy yêu di sản. Ngoài các cuộc điền dã chung, hàng tuần các tay máy đều chia nhau đi điền dã chụp lại những bức ảnh tư liệu quý về các mảng chạm khắc tinh xảo, các công trình kiến trúc tuyệt đẹp mà cha ông đã để lại. Trong đó phải kể đến Kts Trần Hiếu, Kts Nguyễn Giang, Lê Bích, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Trân Thế Hiệp, Phạm Hoài Nam…
Những thành viên tham gia vào nhóm đều bất ngờ vì khi mối quan tâm chung trở thành sức mạnh. Hầu hết các thành viên tham gia với mục đích giao lưu học hỏi, nhưng khi tham gia vào các hoạt động thiết thực đầy thú vị của nhóm đều bất ngờ. Thành viên Ánh Vân thì cho biết: “Điều ấn tượng nhất khi lần đầu tham gia điền dã cùng nhóm là thấy các bạn sinh viên chỉ nhau đọc tên từng cấu kiện, các anh chị họa sĩ tìm cảm hứng từ các đề tài rồng, phượng, hoa, lá lật hay hình các con giống trên đao mái.v..v.., thấy các anh chị bên Hán Nôm thì tìm hiểu lịch sử qua các văn bia, các bức đại tự - câu đối, thấy các anh chị kiến trúc sư quan tâm sâu hơn đến kiến trúc các bộ vì, kèo, các mảng chạm khắc; các nhà nghiên cứu lịch sử thì chú ý đến niên đại; hay như bản thân em là đi để lấy thêm tư liệu và học hỏi .v..v.. ! Và có một điều em thấy rất quý, rằng, hiệu ứng tích cực nhất và thành công nhất của nhóm là đã thổi vào suy nghĩ những người "ngoại đạo" như các anh chị làm ngành nghề ko liên quan đến di tích, kiến trúc cổ hay đặc biệt là các em nhỏ rằng: đình không phải là đình đơn thuần, mà đình là di sản, mà đã là di sản thì cần được giữ gìn, bảo vệ, lưu truyền, phát huy”.
Phòng triển lãm online công nghệ 3D sẽ được đưa lên mạng phục vụ những người yêu di sản không có điều kiện về Hà Nội xem triển lãm Đình làng Việt. Đây là sự đóng góp của thành viên Nguyễn Trí Quang.
“Thấy hay hay và rồi thú vị. Thấy những điều ko thể, tự dưng có thể... Rồi nhiệt huyết tưởng chừng khô cạn, bỗng bùng lên mãnh liệt, tự hào. Những tình yêu lãng đãng nơi đâu bỗng tụ về, cuồn cuộn chảy, như sức sống, như hồn dân tộc.. Cho hôm nay, cho cả mai sau. 'Đình Làng Việt' cái tên mộc mạc, mà hàm bao ý nghĩa lớn lao, tạo nên bao sức mạnh phi thường”, thành viên có nick Yoga Hà Nội chia sẻ.
Trong những ngày tràn lan trên mạng xã hội những thông tin như cô giáo cung Bọ Cạp, quần thể tượng đài dự trù kinh phí lên đến 1.400, ca sĩ cho con đi vệ sinh trên máy bay, hai thiếu nữ thách đánh trên phố nhau tắc nghẽn giao thông… thì thông tin về cuộc Triển lãm Đình làng Việt do những người đam mê di sản, hướng về cội nguồn cùng nhau tổ chức sự kiện triển lãm nhằm đánh thức tình yêu và trách nhiệm với văn hóa cha ông như một cơn gió mát lành về niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống./.
Trà Xanh/VOV.VN