Tiếng Việt | English

02/08/2015 - 20:33

Góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa qua Triển lãm Đình làng Việt

Triển lãm “Đình làng Việt, những điều còn – mất” sẽ diễn ra trong 3 tuần từ 8/8/2015 đến hết ngày 23/8/2015 với nhiều hoạt động thiết thực.

Triển lãm do các thành viên nhóm Đình Làng Việt đóng góp tài chính và tổ chức với sự tài trợ của Heritage Space nhằm giới thiệu với công chúng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể dưới mái đình làng truyền thống của người Việt Nam, đồng thời là cầu nối, gặp gỡ, trao đổi giữa những chuyên gia, nhà nghiên cứu và công chúng yêu mến văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử, sự tài hoa của nhiều thế hệ. Nhân dịp này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn anh Nguyễn Đức Bình cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL, người khởi xướng Nhóm Đình làng Việt trên FB và người điều phối công việc chung của Triển lãm. 

Anh Nguyễn Đức Bình trong một lần điền dã di tích. (Ảnh: Trà Xanh)

PV: Xin anh cho biết ý tưởng của cuộc triển lãm này?

Anh Nguyễn Đức Bình: Hiện nay, trong công tác bảo vệ và tôn tạo di tích nhà nước đã chi ra rất nhiều kinh phí cho hoạt động này, nhưng do số lượng di tích đang xuống cấp quá lớn, kinh phí từ ngân sách không đáp ứng nổi. Các nguồn lực xã hội hóa đều tập trung vào các công trình tôn giáo, các công trình tâm linh lớn được nhiều người biết đến.

Trong khi đó, đình làng chứa đựng rất nhiều giá trị như kiến trúc, điêu khắc, giá trị văn hóa, lịch sử của người Việt lại ít được quan tâm. Nhiều ngôi đình làng có giá trị đang bị bỏ quên, có nguy cơ biến mất. Thời gian qua, nhiều di tích bị xâm hại, trùng tu sai, biến dạng, kém hiệu quả. Những giá trị truyền thống của di sản đình làng Việt đang dần tan biến.

Chính vì vậy, nhóm Đình làng Việt đã có ý tưởng tạo ra sự kiện “Đình làng Việt, những điều còn – mất” nhằm thu hút dư luận xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đình làng.

Chương trình Triển lãm Đình làng Việt, những điều còn - mất

Song song với những giá trị về kiến trúc, điêu khắc cũng như giá trị không gian văn hóa của ngôi đình làng, tại triển lãm “Đình làng Việt, những điều còn – mất” cũng sẽ trưng bầy những hình ảnh về các di tích đang xuống cấp, đang bị hủy hoại bởi thiên nhiên và con người.

Chúng tôi cũng hy vọng, qua những thông tin mà sự kiện mang đến cho công chúng thì Đình làng Việt nói riêng và di sản văn hóa nói chung được cộng đồng quan tâm, đặc biệt chúng tôi mong muốn thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Qua sự kiện này, các di tích đang bị xuống cấp sẽ hy vọng được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các di tích trong công việc trùng tu tôn tạo.

PV: Có những thuận lời và khó khăn gì trong quá trình thực hiện Triển lãm, thưa anh?

Anh Nguyễn Đức Bình: Thuận lợi là nhóm hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội Facebook, chính vì lẽ đó thông tin của nhóm khá nhanh và hiệu quả.

Trong nhóm Đình làng Việt có rất nhiều thành viên với các độ tuổi, ngành nghề, chuyên môn khác nhau, ở các địa phương, chính vì vậy tính cộng đồng rất cao. Sự nhiệt tình và tình yêu di sản đã nhanh chóng gắn kết mọi người. Khi cần chia sẻ thông tin thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống rất thuận lợi.

Đặc biệt, tình yêu di sản đã nhanh chóng lan truyền trong các thành viên. Từ câu chuyện về hình tượng rồng trong tâm thức người Việt mà các thành viên đã yêu thích những mảng chạm khắc trên mái đình. Từ câu chuyện về các hình thức hát cửa đình, các làn điệu chèo… mà nhiều thành viên từ việc hiểu đã nhanh chóng biến thành đam mê nghệ thuật này. Sự đồng cảm, sẻ chia của các thành viên đã gắn kết nhau trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đình làng Việt đã hội tụ được nhiều thành viên trẻ, có nhiệt huyết và tình yêu văn hóa truyền thống. Đặc biệt, nhiều thành viên của Đình làng Việt làm công tác truyền thông, họ là những thành viên tích cực giúp công tác quảng bá rộng rãi về giá trị đình làng nói riêng và di sản nói chung đến cộng đồng, đây là điểm mạnh của nhóm Đình làng Việt.

Khó khăn thì do là hoạt động chủ yếu trên mạng, vì vậy nhiều đối tượng lớn tuổi rất khó khăn trong việc tham gia hoạt động của nhóm, thông tin tới họ lại phải qua người trung gian…

Các thành viên Đình làng Việt trong một chuyến điền dã.

PV: Xin anh cho biết những nội dung chính của triển lãm?

Anh Nguyễn Đức Bình: Triển lãm “Đình làng Việt, những điều còn – mất” chủ yếu giới thiệu tinh hoa văn hóa Đình làng Việt thông qua hơn 100 bức ảnh thực tế do các thành viên Đình làng Việt sưu tầm tại nhiều làng xã trên địa bàn vùng châu thổ Bắc bộ như khu vực Tây - Nam Hà Nội (Hà Tây cũ), các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… Nội dung triển lãm đề cập đến hiện trạng biến đổi của các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của ngôi đình làng truyền thống Việt Nam, những hư hại nghiêm trọng, và các ngôi đình truyền thống có nguy cơ biến mất. Thông qua các hoạt động triển lãm, tọa đàm, chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành về di tích và văn hóa truyền thống xung quanh ngôi đình làng Việt.Trong thời gian diễn ra sự kiện sẽ triển lãm sẽ trưng bày những công trình kiến trúc đình làng, những di tích đang bị xuống cấp, biến dạng có nguy cơ bị hủy hoại nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng tham gia vào công tác trùng tu, tôn tạo và bảo tồn những giá trị đó. Ngoài ra còn các hoạt động tọa đàm, diễn xướng dân gian, trình diễn nghề mộc, sơn, chạm khảm.

Điểm đặc biệt là một trong 3 cuộc tọa đàm trong khuôn khổ cuộc triển lãm này sẽ dành cho đối tượng là các nhà báo, những người yêu di sản nói chung và những người muốn trở thành các công tác viên của các truyền thông. Tọa đàm nhan đề "Bảo tồn di sản và sự tiếp nối của Truyền thông" do KTS Lê Thành Vinh-Viện trưởng Viện Bảo tồn làm diễn giả với những nội dung rất hữu ích như: Phía sau "điểm nóng" của Bảo tồn di sản - những điều Truyền thông chưa nói; Những nỗ lực bảo tồn làm tổn hại di sản; Bảo tồn di sản và những cuộc tranh cãi bất tận; Ai quản lý di sản?; Bảo tồn di sản và Truyền thông - hướng tới một môi trường nhân văn.

Thành viên nhóm Đình làng Việt chụp ảnh tư liệu để phục vụ triển lãm.

PV: Ảnh triển lãm được ban tổ chức lựa chọn ra sao ạ?

Anh Nguyễn Đức Bình: Ảnh được chọn theo 2 nội dung chính:

1. Những giá trị kiên trúc, điêu khắc và không gian văn hóa đình làng Việt.

2. Những di tích đang bị biến dạng, xuống cấp cần kêu cứu, mong đợi được bảo về và trùng tu.

Ảnh triển lãm chủ yếu được huy động từ các thành viên gửi tới. Có những người lăn lộn với di tích để chụp bằng được bức ảnh ưng ý, nhằm lột tả vẻ đẹp và đặc sắc độc đáo của kiến trúc, điêu khắc đình làng. Nhiều thành viên đã phải xuống di tích nhiều lần mới có bức ảnh chất lượng tốt. Khi có thông tin về di tích giá trị, các những thành viên đã nhanh chóng có mặt để thực hiện công việc sưu tầm tư liệu...

PV: Xin cảm ơn anh./.

Trà Xanh/VOV.VN
 

Chia sẻ bài viết