Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thụy Sĩ. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)
Chiều 21/01, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Phiên toàn thể về “Triển vọng Chiến lược ASEAN” - một trong những điểm nhấn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 50 tại Davos, Thụy Sĩ.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nêu bật thông điệp về chủ đề, ưu tiên nghị sự của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam trong năm 2020; nhấn mạnh ASEAN là cộng đồng của 10 quốc gia Đông Nam Á độc lập, đoàn kết, phát triển năng động, trong đó Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trên 6% trong 20 năm qua, nằm trong số nền kinh tế tăng trưởng cao nhất châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới với tốc độ bình quân 7%/năm trong 2 năm qua.
Phó Thủ tướng khẳng định ASEAN là một ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh chủ đề nghị sự của ASEAN trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 đặt trọng tâm vào “Gắn kết và Chủ động thích ứng” đáp ứng yêu cầu, quan tâm chung của các nước ASEAN về xây dựng một Cộng đồng vững mạnh trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh và sâu sắc.
Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh các ưu tiên của ASEAN như đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác trên toàn cầu...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng khẳng định với trọng trách kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác giữa ASEAN và LHQ nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); đồng thời nỗ lực thúc đẩy vai trò, tiếng nói của ASEAN tại các diễn đàn đa phương quan trọng khác nhằm góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Theo cuộc khảo sát các thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-35 tại các nước ASEAN của WEF, giới trẻ ASEAN nhận thức cao về sự gián đoạn tiềm năng và những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể tác động đến triển vọng việc làm trong tương lai. 9,2% thanh niên cho rằng các kỹ năng hiện có của họ đã lỗi thời.
Khoảng 52,4% thanh niên tin rằng họ cần phải liên tục nâng cấp kỹ năng của mình. Điều này cho thấy một cách tiếp cận lành mạnh trong giới trẻ ASEAN để có một tư duy năng động.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ truyền thống là xương sống của thị trường lao động ASEAN, nhưng cuộc khảo sát cho thấy các công ty nhỏ có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc tuyển dụng.
Trong số khoảng 18,3% thanh niên làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, chỉ 7,5% muốn làm việc cho một doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tương lai.
Giới trẻ ASEAN thể hiện khát vọng mạnh mẽ trở thành doanh nhân hoặc làm việc cho các công ty đa quốc gia vì có nhiều khả năng nhận được công việc chính thức và được đào tạo hơn. Họ tin rằng thực tập rất quan trọng, thậm chí còn cần hơn cả việc đào tạo truyền thống ở trường học.
Thanh niên ASEAN thể hiện sự ưa thích đối với các công ty công nghệ, coi trọng kỹ năng mềm như trí tuệ cảm xúc, khả năng phục hồi và khả năng thích ứng. Ba kỹ năng được coi là quan trọng nhất bao gồm sáng tạo và đổi mới; kỹ năng ngôn ngữ; và khả năng sử dụng công nghệ (ví dụ: phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử).
Giới trẻ ASEAN muốn làm việc ở nước ngoài trong ba năm tới, đồng thời cho rằng kinh nghiệm thu được ở một quốc gia khác là một điều đáng chú ý để nâng cấp kỹ năng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sự xuất hiện của các công nghệ mới như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), y học chính xác (precision medicine) và xe tự hành cho thấy chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của những thay đổi sâu sắc và nhanh chóng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) đang thúc đẩy những thay đổi lớn mang tính toàn cầu đối với các nền kinh tế-xã hội và chắc chắn là các thị trường việc làm trên toàn thế giới. Không ai có thể chắc chắn liệu công nghệ sẽ làm tăng hay giảm số lượng công việc.
Cũng khó có thể chắc chắn loại việc nào sẽ chiếm đa số và những kỹ năng nào sẽ được yêu cầu nhiều nhất. Song điều duy nhất có thể tự tin là thị trường việc làm sẽ phải đối mặt với những gián đoạn và thay đổi.
Cuộc khảo sát của WEF thực hiện năm 2019 nhằm hiểu giới trẻ ASEAN đang nghĩ như thế nào về những điều thay đổi sắp tới. WEF đã thu thập phản hồi từ 56.000 công dân trẻ ASEAN từ 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
WEF đã thu hút sự chú ý của thế giới về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ thay đổi chưa từng thấy được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ nhanh chóng.
Tuy nhiên, làm sao có thể tận dụng tối đa làn sóng công nghệ tiếp theo. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu và các nỗ lực bền vững đã trở thành ưu tiên trong các hoạt động kinh doanh.
Ngày nay, một doanh nghiệp thành công được xác định bởi các khả năng để giảm thiểu lượng khí thải carbon.
Một lần nữa, đổi mới công nghệ đóng một vai trò quan trọng khi việc áp dụng mô hình kinh doanh thông minh và kết nối hơn thường mang lại hiệu quả năng lượng.
Các công nghệ kỹ thuật số như 5G và IoT được dự đoán sẽ giảm tới 15% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 - điều này sẽ rất quan trọng trong việc chống lại tình trạng biến đổi khí hậu./.
Theo TTXVN