Cân bằng việc cơ quan, giữ hạnh phúc gia đình
Là cán bộ Đoàn và cũng là người chồng, người cha trong gia đình, Phó Bí thư Huyện Đoàn Tân Thạnh (tỉnh Long An) - Võ Tiền Phong luôn mẫu mực, có trách nhiệm dù ở vai trò nào.
Gia đình nhỏ của anh Võ Tiền Phong (Phó Bí thư Huyện Đoàn Tân Thạnh) thắt chặt tình cảm hơn qua các buổi tiệc nhỏ của gia đình
Hơn 10 năm kết hôn, tình yêu với “người bạn lớn” - Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh và gia đình nhỏ ngày càng được vun đắp, sâu sắc hơn. Với anh Phong, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh không chỉ là một tổ chức mà còn là “đại gia đình” - nơi giúp anh có được nhiều niềm vui, kỷ niệm đẹp, tinh thần đoàn kết, đặc biệt là thực hiện các hoạt động về thanh thiếu nhi, công tác an sinh xã hội và tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Với tính chất công việc phải thực hiện nhiệm vụ liên tục, anh xây dựng kế hoạch riêng để chủ động thời gian và chu toàn việc cơ quan, gia đình. “Sau giờ làm, tôi dành nhiều thời gian bên gia đình, cùng vợ làm việc nhà, dạy con học và trò chuyện với con. Có những ngày công việc tồn đọng, tôi tranh thủ hoàn thành vào buổi tối sau khi các con ngủ. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ, ủng hộ của vợ cùng sự yêu thương, tin tưởng của các con. Những ngày phải đi làm sớm, về trễ, vợ tôi sẵn sàng choàng gánh việc gia đình để tôi an tâm hoàn thành nhiệm vụ cơ quan” - anh Phong chia sẻ.
Để có được sự thấu hiểu đó, anh và vợ thường xuyên tâm sự, chia sẻ mọi việc, nhờ vậy, tạo sự gắn kết, hiểu hơn về suy nghĩ, mong muốn của nhau để có sự quan tâm, chia sẻ kịp thời. Đặc biệt, anh và vợ luôn tôn trọng nhau và vun đắp tình cảm bằng những cuộc hẹn ăn tối, mua sắm, đi du lịch,…
Anh Phong thổ lộ: “Là gia đình của nhau, vợ chồng tôi không cho phép mình hời hợt, vô tâm với đối phương. Chúng tôi vẫn giữ những hành động lãng mạn như lúc mới yêu hoặc thỉnh thoảng nhắn tin trêu đùa để tạo niềm vui cho nhau”.
Riêng những lúc xảy ra bất đồng quan điểm, anh Phong vẫn tôn trọng vợ, nhất là không ngắt lời khi vợ đang nói hay có những lời nói chỉ trích vợ. Thay vào đó, anh cố gắng tạm ngưng tranh luận để cả hai bình tĩnh, suy ngẫm lại sự việc, sau đó ngồi lại giải quyết ổn thỏa vấn đề.
Ngoài ra, gia đình anh luôn giữ thói quen ăn cơm cùng nhau. Với anh, bữa cơm gia đình là “chìa khóa” của hạnh phúc. “Bữa cơm giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, xua tan những mệt mỏi, bỏ qua những giận hờn. Bữa cơm còn giúp gia đình lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc, các con khắc sâu những điều hay, lẽ phải mà cha mẹ dạy dỗ,...” - anh Phong bộc bạch.
Trong nuôi dạy con, anh Phong tâm niệm: “Di sản quý nhất cha mẹ để lại cho con không phải là của cải, tài sản mà là niềm tin vào bản thân, sức mạnh để đứng vững trong đời sống với tình thương vô bờ bến”. Do vậy, anh và vợ nỗ lực giáo dục con trở thành người độc lập, trưởng thành, có nhân cách tốt, đủ bản lĩnh để đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Hết lòng với công việc, chu toàn cho gia đình
Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức - Dương Thúy Phượng được biết đến không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn chu toàn việc nhà, cùng chồng gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Sau giờ làm, chị Dương Thúy Phượng (Bí thư Đoàn xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) dành thời gian trò chuyện với chồng và con để thấu hiểu, gắn kết nhau
Ấp ủ hoài bão giúp đỡ đoàn viên (ĐV), thanh thiếu nhi trên địa bàn xã lan tỏa những điều tốt đẹp, có định hướng đúng đắn trong cuộc sống, chị Phượng hết lòng với công việc, không nề hà khó khăn, vất vả.
Chị Phượng cho biết: “Tôi quan tâm việc chăm lo cho thanh thiếu nhi của xã; đồng thời, định hướng TN của địa phương chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung tuyên truyền TN tránh xa các tệ nạn xã hội, phấn đấu không ngừng để cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước”.
Trong công việc, chị Phượng cố gắng gắn kết, gần gũi với TN, nắm bắt tư tưởng của ĐVTN, nhằm thu hút, tập hợp TN; đồng thời, đổi mới phương pháp làm việc theo hướng sáng tạo, không theo lối mòn. Khi làm việc ngoài giờ hành chính, chị Phượng đều được gia đình ủng hộ, chia sẻ bởi chồng và cha mẹ chồng hiểu rõ tính chất công việc của chị. Ngược lại, chị cũng hiểu rõ tính chất công việc của chồng, là công an nên phải thường xuyên trực đêm. Những lúc như vậy, chị chu toàn việc nhà để chồng an tâm làm nhiệm vụ.
Công việc nhiều lúc bận rộn, vất vả nhưng chị Phượng không nản lòng và sắp xếp thời gian hợp lý để cân bằng việc cơ quan và việc nhà. “Tôi quan điểm không mang tâm trạng mệt mỏi và những khó khăn trong công việc về nhà để tránh gây ảnh hưởng đến gia đình. Về đến nhà, tôi dành thời gian vun đắp hạnh phúc gia đình, chăm lo cho con. Vợ chồng tôi dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ về những niềm vui, nỗi buồn của nhau để thấu hiểu và cảm thông cho nhau nhiều hơn. Có được sự tin tưởng, an ủi của đối phương, mọi khó khăn, vất vả của chúng tôi đều vơi dần. Thỉnh thoảng, gia đình tôi tổ chức buổi tiệc nhỏ để tạo không khí gần gũi, ấm cúng và gắn kết các thành viên trong gia đình” - chị Phượng chia sẻ.
Sống chung với cha mẹ chồng, chị Phượng tâm lý và khéo léo trong ứng xử, nhất là tôn trọng, quan tâm cảm xúc của cha mẹ, xem cha mẹ chồng như cha mẹ ruột. Khi cha mẹ chồng góp ý, chị tiếp thu và cố gắng phụ giúp mọi việc trong gia đình.
Còn khi vợ chồng bất đồng quan điểm, chị và chồng thường chọn cách im lặng để suy nghĩ lại sự việc, tránh lời qua tiếng lại lúc nóng giận. Khi cả hai “nguội” thì cùng trò chuyện, giải quyết vấn đề và bỏ qua mọi việc để vui vẻ trở lại.
Về nuôi dạy con, anh chị chọn phương pháp thay phiên nhau một người nghiêm khắc, một người thấu hiểu. Đặc biệt, anh chị làm gương cho con mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong hành động, lời nói; đồng thời, dành nhiều thời gian chơi, trò chuyện, lắng nghe con để hiểu và có những thay đổi trong giáo dục con.
Nhờ sự cố gắng, không ngừng học hỏi, nỗ lực hoàn thiện bản thân, các cán bộ Đoàn không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần dẫn dắt hoạt động, phong trào Đoàn của đơn vị ngày càng đi lên mà còn xây dựng gia đình hạnh phúc. Họ xứng đáng trở thành tấm gương sáng trong ĐVTN./.
An Nhiên