Tiếng Việt | English

08/03/2017 - 10:06

Trước nguy cơ dịch muỗi hành - Bài 2: Muỗi hành có thành dịch?

Tình hình thời tiết bất thường, mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên trên diện rộng gây bất lợi trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại dịch bệnh trên cây lúa bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Đáng lo ngại trong vụ lúa Đông Xuân năm nay, muỗi hành bùng phát mạnh khiến hơn 10.000ha lúa bị ảnh hưởng, nhiều diện tích gần như mất trắng.


Muỗi hành gây hại trên diện rộng trong vụ lúa Đông Xuân 2016-2017

Thời tiết bất lợi, muỗi hành bùng phát nhanh

6 tháng đầu năm 2016, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng trưởng âm do hạn, mặn kéo dài ảnh hưởng đến năng suất cũng như sản lượng lương thực toàn tỉnh. Với sự nỗ lực của ngành, cán cân tăng trưởng của ngành dương trở lại vào cuối năm 2016. Năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, mưa trái mùa thường xuyên, tạo điều kiện cho nhiều loại dịch hại bùng phát, nhất là trên diện tích lúa. Vụ Đông Xuân 2016-2017, muỗi hành đang bùng phát mạnh trên diện rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.

Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An - Nguyễn Minh Đức cho biết: “Nguyên nhân bùng phát muỗi hành là do thời tiết bất lợi, mưa nhiều. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân trong sản xuất vô tình tiêu diệt cả các loại thiên địch như ong Neonastus ký sinh trên nhộng, ong Platygaster oryae ký sinh trên trứng sâu năn cùng một số loài nhện cũng bị tiêu diệt theo, tạo điều kiện cho muỗi hành phát triển mạnh. Muỗi hành là bệnh không mới nhưng rất khó phòng trừ”.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam - Tiến sĩ Lê Quốc Cường, muỗi hành hay còn gọi là sâu năn gây hại tập trung vào giai đoạn sâu non. Một con muỗi hành cái trung bình có thể đẻ được trên 130 trứng với tỷ lệ trứng nở trên 90% trong điều kiện trời mát, ẩm và đạt 60-70% ở điều kiện trời khô. Muỗi hành thường đẻ trứng vào bẹ lá lúa, nhờ nước mưa, sương hoặc nước mặt đọng trên bẹ lá, sâu non di chuyển đục vào thân cây và ăn đỉnh sinh trưởng. Khi nhộng sắp vũ hóa thì di chuyển dần lên ngọn rồi lột vỏ để lại trên đầu ống hành. Thời kỳ gây hại tập trung vào giai đoạn sâu non".

Không chỉ riêng Long An, muỗi hành còn bùng phát mạnh tại các tỉnh: Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và Vĩnh Long, đe dọa trực tiếp đến sản lượng lương thực của từng tỉnh cũng như toàn vùng.


Mẫu phẩm trong các thời kỳ sinh trưởng, phát triển và gây hại của muỗi hành

Chưa chú ý nhiều đến đối tượng muỗi hành

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, lịch gieo sạ lúa hiện nay được xây dựng chủ yếu để né các đối tượng dịch hại chính trên lúa: Rầy nâu, chuột, ốc bươu vàng. Còn với đối tượng muỗi hành, lâu nay vẫn chỉ được xem là thứ yếu, không gây thành dịch trên lúa nên chưa có sự quan tâm đúng mức cho đối tượng dịch hại này.

“Ngay cả cán bộ khuyến nông của một số công ty đang phối hợp thực hiện xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn huyện thường xuyên xuống đồng với người nông dân cũng không chú ý đến đối tượng muỗi hành, chỉ đến khi lúa lên cọng hành thì lúc ấy mới phát hiện. Riêng tại Vĩnh Hưng, ngay sau khi phát hiện muỗi hành bùng phát, các ngành chức năng của huyện khảo sát thực tế tại một số khu vực chịu ảnh hưởng để thống kê cụ thể số diện tích, mức độ ảnh hưởng và có các giải pháp kịp thời khuyến cáo người dân” - ông Hải cho biết.

Dù muỗi hành bùng phát mạnh nhưng ngay tại huyện Tân Hưng hiện nay vẫn chưa thể thống kê được có bao nhiêu diện tích lúa bị ảnh hưởng. Theo Chánh Văn phòng UBND huyện Tân Hưng - Đoàn Thái Ngọc, trước diễn biến của muỗi hành, UBND huyện tổ chức đoàn đi kiểm tra nắm tình hình. Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trong tháng 02/2017, chỉ có 500ha lúa bị muỗi hành gây hại, tập trung tại các xã: Hưng Hà, Hưng Điền B,... Còn số liệu tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng do muỗi hành thì vẫn chưa có con số cụ thể.

Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B - Nguyễn Vũ Linh cho biết: “Riêng tại xã, diện tích ảnh hưởng của muỗi hành lên đến hơn 1.000ha”. Con số hơn 2.000ha lúa chịu ảnh hưởng từ muỗi hành và phần diện tích 1.080ha lúa với mức độ thiệt hại từ 50-80% trong toàn huyện, chúng tôi có được từ thông tin của Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam - Tiến sĩ Lê Quốc Cường. Trong khi đó, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Minh Đức khẳng định, dịch muỗi hành chủ yếu tập trung gây hại đối với diện tích lúa gieo sạ đợt 3 (từ ngày 13 đến 23/12/2016), còn những đợt gieo sạ trước đó rất ít bị ảnh hưởng; giữa 2 huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng có những nét tương đồng trong sản xuất nông nghiệp.

Rõ ràng, muỗi hành dù mới xảy ra lần đầu trên diện rộng nhưng do chưa được quan tâm đúng mức về đối tượng này cộng với sự thiếu sát sao trong chỉ đạo của một số địa phương nên muỗi hành rất dễ bùng phát thành dịch trong vụ mùa tiếp theo. Và nếu không có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các ngành, địa phương, con số sản lượng 2,8 triệu tấn lúa/năm của tỉnh rất khó đạt theo kế hoạch./.

Kiên Định - Văn Đát
(còn tiếp)

Trước việc muỗi hành đang bùng phát mạnh mẽ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa, rất cần những giải pháp kịp thời từ các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học để quản lý đối tượng dịch hại muỗi hành, không để bùng phát thành dịch trong những vụ mùa tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc kỳ cuối: “Quản lý muỗi hành, không để bùng phát thành dịch”.

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích