Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và kiểm tra tại siêu thị Coopmart, quận 11. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ngày 03/10, sản phẩm thuộc Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm của TP.HCM đã chính thức được bán ra thị trường thông qua hai kênh phân phối, bán lẻ truyền thống và hiện đại.
Cụ thể, tại TP.HCM đã có gần 1.750 điểm bán thịt và trứng gia cầm.
Như vậy, sau một tháng áp dụng thử nghiệm truy xuất sản phẩm trứng gà, kể từ nay, TP.HCM sẽ chính thức thực hiện truy xuất các sản phẩm thịt và trứng gà ở cả kênh bán lẻ và kênh kinh doanh hiện đại; đồng thời, bổ sung thêm mặt hàng trứng vịt có truy xuất nguồn gốc được phân phối tại hệ thống siêu thị.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ kiểm soát nguồn thịt và trứng gia cầm cung ứng cho thị trường phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định của đề án.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm của TP.HCM có sự tham gia của 35 trang trại gà giống, với quy mô 2,8 triệu con giống; 431 trang trại gà lấy thịt (15 triệu con xuất trại/lứa); 61 trang trại gà, vịt lấy trứng (80.000 quả trứng/tháng); 17 cơ sở giết mổ đóng gói gia cầm (6,3 triệu con/tháng); 9 cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm (75 triệu quả/tháng).
Với quy trình của đề án sẽ triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ mã QR code, vòng niêm phong, điện toán đám mây, tem truy xuất và hệ thống phần mềm quản lý… để nhận diện, truy xuất nguồn gốc, quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Đây được xem là giải pháp cho phép người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra, thu thập đầy đủ thông tin về loại thịt, trứng gia cầm đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn (sinh ra, chăn nuôi, xuất trại, giết mổ, xử lý, đóng gói và phân phối).
Nuôi gà ta Gò Công theo mô hình chuỗi giá trị. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thịt và trứng gia cầm là những mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng rất phổ biến trong các hộ gia đình, nên với đề án này không nằm ngoài mục tiêu tạo điều kiện cung cấp đầy đủ thông tin một cách minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc của sản phẩm đến người tiêu dùng thành phố.
Đặc biệt, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc trứng và thịt gia cầm kết nối chặt chẽ giữa ba chủ thể từ nhà máy ấp trứng đến trạng trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ; trong đó, các chủ thể ký hợp đồng trực tiếp, nhận hàng trực tiếp, giao dịch trực tiếp mà không xuất hiện khâu trung gian nên việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được đảm bảo.
Bên cạnh đó, tất cả các chủ thể này đều là trang trại có quy mô tập trung và là những thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường và luôn cam kết cung cấp sản phẩm đạt chuẩn ra thị trường.
Ghi nhận tại chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM, người tiêu dùng rất phấn khởi khi sau thời gian chờ đợi thì sản phẩm thịt và trứng gà có truy xuất nguồn gốc đã được giới thiệu ra thị trường và người dân có thể tiếp cận dễ dàng qua những kênh phân phối đa dạng trên địa bàn thành phố.
Một số người tiêu dùng còn cho rằng, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, bây giờ là đến thịt và trứng gia cầm thì rất ủng hộ, vì đây là một chủ trương đúng đắn của TP.HCM, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, sức khỏe cho cộng đồng và giúp cho người dân có sự an tâm khi mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đồng thời, người dân thành phố cũng mong muốn sắp tới có thêm nhiều sản phẩm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Với mục tiêu kiểm soát tốt tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành cho hay, Ban quản lý và tiểu thương hoạt động, kinh doanh tại chợ này đã cam kết tích cực hưởng ứng và triển khai đề án.
Ngoài ra, chợ cũng đảm bảo các quy định kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, không buôn bán hàng hóa kém chất lượng; thực hiện công khai việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Còn theo ông Danh Quý, Giám đốc, Hệ thống siêu thị Co.opmart khu vực TP.HCM, sản phẩm nông nghiệp là một trong những mặt hàng quan trọng và có sức tiêu thụ lớn trên địa bàn thành phố.
Vì vậy, Co.opmart luôn ưu tiên phân phối và kinh doanh các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chọn lựa những thương hiệu uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng.
"Hiện nay, với 95% sản phẩm tại hệ thống Co.opmart đều đảm bảo đạt an toàn và tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap… và truy xuất được nguồn gốc; trong đó, các sản phẩm thuộc Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm của thành phố đều đã có mặt tại hệ thống siêu thị Co.opmart.
Các đề án này, mang lại lợi ích kép cho người dân là tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, còn người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm an toàn thực phẩm," ông Danh Quý cho biết.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, các sở ngành thành phố sẽ tiếp tục mở rộng triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc với các mặt hàng thực phẩm khác như thịt bò, rau củ quả…
Thông qua đó, khuyến khích người nông dân sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc./.
Theo TTXVN