Tiếng Việt | English

14/10/2016 - 11:02

Truyền thống và khát vọng no ấm

Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi của nông dân ra đời vào ngày 14-10-1930. Hội trải qua chặng đường 86 năm hình thành và phát triển với nhiều gian lao, hy sinh nhưng rất đỗi vinh quang, tự hào.

Giai cấp nông dân luôn được Đảng khẳng định là lực lượng to lớn của cách mạng; đi đầu trong các phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, phá kho thóc của giặc và tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong 2 cuộc kháng chiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc, nông dân tiếp tục là lực lượng quan trọng, to lớn của cách mạng trên cả trận chiến chống kẻ thù xâm lược lẫn mặt trận sản xuất nông nghiệp. Hàng triệu thanh niên nông thôn hăng hái ra tiền tuyến, những nông dân tay súng, tay cày tham gia du kích, nuôi giấu cán bộ cách mạng,... là những hình ảnh quen thuộc nhưng chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bản anh hùng ca về người nông dân, cùng hòa trong bản giao hưởng chung của cả dân tộc bừng bừng hào khí giải phóng quê hương.

Vừa thống nhất nước nhà, biết bao mồ hôi, xương máu của nông dân Long An đổ xuống ruộng đồng, đặc biệt là biến Đồng Tháp Mười bưng biền hoang hóa thành vựa lúa lớn của khu vực, giữ vững đường biên, cột mốc,... như ngày hôm nay. Khí thế đó, truyền thống đó được các hội viên nông dân tiếp tục phát huy trong xây dựng nông thôn mới nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Khắp nơi trong tỉnh, với vai trò nòng cốt của các cấp Hội Nông dân, hàng chục ngàn nông dân ngày đêm vượt khó, hăng say lao động, sáng tạo, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Họ phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều nông dân tự nguyện hiến hàng ngàn, hàng chục ngàn mét vuông đất, đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông, thủy lợi, xây đài nước, nhà văn hóa,...

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra 2 chương trình đột phá, trong đó có Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thông qua chương trình này, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu no ấm, hạnh phúc, môi trường sống an toàn, trong lành cho nông dân. Đồng thời đặt ra yêu cầu với hội viên, nông dân phải tiếp tục thực hiện tinh thần: “Đoàn kết - Đổi mới - Chủ động - Hội nhập - Phát triển bền vững” mà Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018 đề ra.

Với chương trình đột phá mới, với yêu cầu và quyết tâm mới, hy vọng những người nông dân sẽ gặt hái những mùa vàng!

Kim Quy

Chia sẻ bài viết