Tiếng Việt | English

18/07/2015 - 16:08

Từ bức tranh Gạc Ma đến đại lễ cầu siêu đầu tiên: Lòng yêu nước được khơi dậy cháy bỏng

Có thể nói, chưa bao giờ có một cuộc đấu giá bức tranh sôi nổi và lan rộng khắp cả nước như cuộc đấu giá bức tranh “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử”. Bởi vì đó đã trở thành câu chuyện của lòng yêu nước trọn vẹn. Lòng yêu nước ấy thức tỉnh nhiều người góp chút lòng thành, với mục đích giúp đỡ các gia đình liệt sĩ Gạc Ma, để xã hội không quên đóng góp của các liệt sĩ và là để tri ân kịp thời những người đã ngã xuống.

Lễ cầu siêu đầu tiên cho liệt sĩ Gạc Ma

Cho đến nay, đã có nhiều tấm lòng chung tay góp sức cũng như bày tỏ lòng cảm phục của mình đối với những người lính đã anh dũng hy sinh vào ngày 14.3.1988. Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định chính thức tổ chức Đại lễ Tưởng niệm - Cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ mang tên “Hạt giống tâm hồn - Gạc Ma - Việt Nam - Vòng tròn bất tử” vào lúc 17h ngày 22.7 tại chánh điện chùa Vĩnh Nghiêm và lấy ngày 22.7 hằng năm để tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma.

Theo ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News - Trí Việt, người có sáng kiến bán đấu giá bức tranh - trong chương trình đại lễ, ngoài các vị khách mời - Thiếu tướng Lê Mã Lương và Bộ Tư lệnh Hải Quân - còn có cô Trần Thị Thủy là con gái và bà Mai Thị Hoa là vợ của liệt sĩ Trần Văn Phương (người giữ lá cờ) cùng đại diện các gia đình liệt sĩ và 7 chiến sĩ Gạc Ma từng bị Trung Quốc bắt giam trong 3 năm sẽ vào tham dự. Hiện tại, trên 500 thư mời đã được gửi đi và số người đang ký thăm dự lên đến hàng nghìn người từ khắp các tỉnh, thành cả nước. Nhiều người rất cảm động và mong muốn được đến dự, xem đại lễ này như một “Hội nghị Diên Hồng” của Việt Nam ở thế kỷ 21.

Ngoài số tiền đấu giá bức tranh tặng các gia đình liệt sĩ Gạc Ma, BTC sẽ dành tặng cảnh sát biển 300 triệu đồng, và 100 triệu đồng dành tặng 5 gia đình tử sĩ trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.


Hai cụ già đấu giá bức tranh bằng tất cả số tiền dành dụm của mình.

Nói về đại lễ đầu tiên này, Thượng tọa Thích Thanh Phong cho biết: “Tôi nghĩ, đã là những người lính Việt Nam ngã xuống để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương hải đảo của tổ quốc thiêng liêng thì dù ở bất kỳ giai đoạn nào, thể chế nào cũng cần được tri ân và tôn vinh. Đã lâu lắm rồi, những liệt sĩ, tấm gương anh hùng Việt Nam như Lê Đình Chinh, Nguyễn Bá Lại, Hoàng Thị Hồng Chiêm… cũng ít được nhắc đến vào những ngày thương binh - liệt sĩ. Trong tất cả các nghĩa trang liệt sĩ từ ngày lập quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bia khắc ghi câu: “Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì nền độc lập và tự do của dân tộc”.

Khơi dậy lòng yêu nước

Như vậy, sau 42 ngày, cuộc đấu giá bức tranh “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” đã trải qua một hành trình đấu giá rất ý nghĩa, bất ngờ và thú vị chưa từng có ở Việt Nam và đã nhận được rất nhiều tình cảm, sự đồng cảm và ủng hộ từ nhiều thành phần xã hội, đồng hành với họa sĩ Bùi Lệ Trang và First News để cùng bày tỏ lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương và tri ân 64 liệt sĩ đã hy sinh nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ sắp tới.

Đặc biệt, vào ngày 17.7, bức tâm thư 3 trang viết tay gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình của cụ già 88 tuổi lăn tay bằng máu được anh Dương Văn Sơn - Tổng Giám đốc Cty Mỹ Sơn - đấu giá mua 300 triệu đồng. Ban tổ chức sẽ trao tặng số tiền trên cho Cảnh sát Biển Việt Nam.

Anh Sơn xúc động phát biểu: “Tôi chưa từng được đọc lá thư nào tạo cảm xúc nhiều và chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc như lá thư của bác Nguyễn Công Nghệ. Lá thư đã giúp tôi hiểu biết hơn rất nhiều và tin tưởng quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Tôi sẽ giữ lá thư viết tay này và khi có dịp, sẽ tìm mọi cách để chuyển lá thư đến tận tay Chủ tịch - Tổng Bí thư Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình”.

Số tiền đấu giá sẽ trao cho thân nhân liệt sĩ Gạc Ma

Trao đổi với Báo Lao Động, Hòa thượng Thích Đức Thiện - Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Chánh Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết: Sự hy sinh của những chiến sĩ hải quân Việt Nam đã biến những địa danh này trở nên bất tử. Hằng năm, tại chùa Vĩnh Nghiêm (ảnh) nói riêng và các địa phương trên cả nước đều tổ chức lễ cầu siêu cho các chiến sĩ Gạc Ma. Lễ cầu siêu là một nghi lễ Phật giáo để cầu nguyện cho vong linh của các anh hùng liệt sĩ được an lạc, giải thoát. Hiện công tác tổ chức chuẩn bị cho buổi lễ đã được sẵn sàng.

Bức tranh “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” đang trưng bày ở Phòng Quốc tế, chùa Vĩnh Nghiêm (339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TPHCM) để chuẩn bị cho cuộc đấu giá chính thức vào 17h ngày 22.7 trong chương trình Đại lễ Tưởng niệm - Cầu siêu anh linh các anh hùng, liệt sĩ với tên gọi: “Hạt giống tâm hồn - Gạc Ma - Việt Nam - Vòng tròn bất tử” . Toàn bộ số tiền đấu giá thu được và tiền, quà ủng hộ vào ngày 22.7 sẽ được công bố trên các báo và được BTC trao cho chùa Vĩnh Nghiêm để trực tiếp gửi đến thân nhân gia đình liệt sĩ và chiến sĩ Gạc Ma bị Trung Quốc bắt ngày 14.3.1988.

L.Hà

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết