Thầy Đức, Phúc và Sỹ bên những chai nước rửa tay khô - sản phẩm được tạo ra từ đề tài nghiên cứu của nhóm
Từ tháng 7/2019, nhóm khoa học - kỹ thuật do thầy Lê Trọng Đức - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Hậu Nghĩa, hướng dẫn bắt tay vào thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoạt tính sinh học in vitro và in vivo - thử nghiệm bào chế một số sản phẩm từ cao chiết ethanol của lá và quả cây đủng đỉnh”. Hai học trò cũng là thành viên của nhóm luôn đồng hành trong nhóm nghiên cứu cùng thầy Đức là Nguyễn Nguyễn Cường Phát (học sinh lớp 11A1) và Huỳnh Tiến Sỹ (học sinh lớp 11D5). Qua gần 5 tháng thực hiện, các sản phẩm từ đề tài nghiên cứu dần hình thành với 4 sản phẩm gồm nước rửa tay, gel kháng viêm, thực phẩm chức năng và trà túi lọc.
Ý tưởng ban đầu của đề tài này xuất phát từ Tiến Sỹ. Do gia đình làm về đông y, em quan sát thấy nhiều người mắc bệnh đau nhức xương khớp nhưng lại không chịu được mùi rượu xoa bóp, vì vậy em mong muốn làm ra một loại gel kháng viêm. Ý tưởng này được chia sẻ và các thành viên trong nhóm tán đồng. Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay nhiều người ưa chuộng các sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên. Quan sát thấy người dân thường hái trái đủng đỉnh ngâm rượu để uống hoặc xoa bóp khi đau nhức nên nhóm đã quyết định chọn cây đủng đỉnh để nghiên cứu.
Cái khó của nhóm là có 2 thành viên là học sinh, chịu áp lực việc học nên khó cho việc phân bổ thời gian thực hiện việc nghiên cứu, phát triển đề tài. Vì vậy, thầy Đức tận dụng các buổi sau giờ học để hướng dẫn các em. Thầy Đức cho biết: “Sau giờ học, thầy, trò gặp nhau để bàn về kế hoạch cụ thể. Trường cũng tạo điều kiện về thời gian cho Phát và Sỹ tham gia nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề tài thử nghiệm trên in vivo, vì thử nghiệm trên động vật kinh phí khá cao. Phòng thí nghiệm của trường không đủ dụng cụ, thiết bị để thử, do đó tất cả những hoạt tính sinh học đều được thử tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và Viện Tế bào gốc”.
Trường THPT Hậu Nghĩa ứng dụng đề tài nghiên cứu thực hiện nước rửa tay khô kháng khuẩn
Việc nghiên cứu các đặc tính từ cây đủng đỉnh là việc không đơn giản nhưng lại khá thú vị với nhóm nghiên cứu vì cả 3 thầy trò đều đam mê khoa học. Từ khởi điểm ban đầu chỉ muốn làm gel xoa bóp, song khi thực hiện, nhóm đã thử tất cả các hoạt tính liên quan đến cây đủng đỉnh như hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm, hoạt tính ức chế enzyme alpha glucosidase - là loại enzyme thủy phân tinh bột thành đường glucose. Nếu đường trong máu quá cao mà không vào được tế bào thì sẽ gây ra bệnh tiểu đường. Từ hoạt tính này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra những sản phẩm tương ứng.
Đề tài nghiên cứu này đã được công nhận và đoạt giải II cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh (không có giải nhất) và chuẩn bị thi cấp quốc gia. Hiện nay, Trường THPT Hậu Nghĩa đã ứng dụng 1 trong 4 sản phẩm của nhóm nghiên cứu là nước rửa tay khô kháng khuẩn để sản xuất, sử dụng tại trường, chuẩn bị cho học sinh của trường sử dụng khi đi học lại.
Những sản phẩm nghiên cứu của nhóm khoa học - kỹ thuật của Trường THPT Hậu Nghĩa là minh chứng cho việc dám nghĩ, dám sáng tạo và dám thực hiện của tuổi trẻ. Dù thành công hay thất bại nhưng khi nỗ lực hết mình, bạn là người chiến thắng./.
Nhã Phương