Tiếng Việt | English

03/06/2018 - 08:25

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Nhiều lợi ích nhưng cũng lắm khó khăn

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Ở những đơn vị tiên phong, bước đầu cho hiệu quả về năng suất, lợi nhuận nhưng khó khăn cũng không ít, nhất là về đầu ra sản phẩm.

Nhiều lợi ích

Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là 1 trong 3 HTX điểm ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống nhà lưới, tưới tự động của HTX được đầu tư bài bản, chi phí phù hợp với nông dân. HTX có 25 xã viên, sản xuất khoảng 10 loại rau ăn lá với diện tích 8,1ha. Hầu hết xã viên đều trồng rau trong nhà lưới, thực hiện quy trình bán hữu cơ, sử dụng phân sinh học.

Giám đốc HTX - Lê Văn Giấy cho biết: “Sau những lần tham quan thực tế ở một số nơi, tôi đầu tư hệ thống nhà lưới cải tiến cho HTX. Chi phí khoảng 25 triệu đồng/1.000m2. Từ khi sản xuất theo quy trình bán hữu cơ, sử dụng phân sinh học và nhà lưới, cây rau chắc khỏe, dịch bệnh giảm, chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp”.

“Trồng rau trong nhà lưới, nông dân an tâm hơn nhiều” - ông Lê Phước Tồn vừa thu hoạch cải,  vừa nói 

Vừa nhổ những luống cải ngọt xanh tốt, ông Lê Phước Tồn - thành viên HTX, vừa nói: “Nếu không có hệ thống nhà lưới thì sau những cơn mưa lớn vừa qua, cải giập hết. Trồng rau trong nhà lưới, nông dân an tâm hơn nhiều. Bình quân 1 vụ cải khoảng 30 ngày, thu hoạch 2 tấn/1.000m2. Với giá bán 13.000 đồng/kg tại ruộng, nông dân lãi 12 triệu đồng, tăng 30% lợi nhuận so với trồng theo quy trình cũ”.

Ông Lê Văn Giấy cho biết thêm: “Từ khi sản xuất theo quy trình ƯDCNC, HTX đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, trong đó có không ít doanh nghiệp đến tìm hiểu để đặt hàng. Nhiều nông dân thấy trồng theo quy trình này có lợi nhuận cao nên học cách làm nhà lưới, xin tham gia HTX”.

Mấy năm gần đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi, ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, sản xuất theo quy trình ƯDCNC, thực hiện được 9 lĩnh vực, 15 dịch vụ (bơm tưới, cung cấp cây giống, phân bón,...). Giám đốc HTX - Lê Văn Mà thông tin:“HTX chuyên sản xuất chanh không hạt với diện tích 33ha, có ký kết hợp đồng về đầu tư và bao tiêu nông sản dài hạn. Thuận lợi lớn của HTX là được đội ngũ kỹ sư từ doanh nghiệp thu mua theo dõi, nắm được diễn biến thời tiết, dịch bệnh trên cây chanh để kịp thời xử lý. Qua thực hiện các dịch vụ, HTX góp phần nâng cao đời sống thành viên, xây dựng nông thôn mới”.

HTX Thạnh Lợi được doanh nghiệp đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp theo hướng canh tác hữu cơ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá hợp lý, cao hơn thị trường. Vì vậy, nông dân không bị thương lái ép giá, an tâm đầu tư sản xuất.

Đầu ra nông sản còn gặp khó

Theo ông Lê Văn Giấy, với diện tích sản xuất 8,1ha, bình quân mỗi ngày, HTX thu hoạch 4-5 tấn rau các loại. Trong đó, chỉ có 1 tấn rau được tiêu thụ tại siêu thị ở TP.HCM nhưng phải thông qua trung gian. Số còn lại bán cho thương lái. HTX nhiều lần liên hệ với doanh nghiệp đầu mối tại TP.HCM, kể cả bếp ăn tập thể ở trường học, nhà trẻ nhưng tất cả đều phải qua trung gian với chi phí khá cao. Ông Giấy cũng nhiều lần đề nghị DN trung gian ký hợp đồng trực tiếp với HTX, thu mua với giá cố định trong năm nhưng bị từ chối.

Ông Lê Văn Mà chăm sóc vườn chanh

Ông Lê Văn Mà chăm sóc vườn chanh

Trong khi HTX Rau an toàn Mười Hai khó khăn về đầu ra nông sản thì HTX Thạnh Lợi gặp khó về vốn. Theo ông Lê Văn Mà và các xã viên, vùng đất Thạnh Lợi nhiễm phèn nặng, hệ thống tưới, tiêu còn khó khăn nên mất nhiều chi phí sản xuất như bón phân, thuê nhân công. Ông Trần Văn Hồng - xã viên HTX Thạnh Lợi, nói: “Tôi đi tham quan và rất thích các mô hình trồng chanh đầu tư hệ thống tưới phun tự động. Nhưng chi phí sản xuất hiện còn quá cao nên tôi chưa dám đầu tư. Nếu làm được theo mô hình này, nông dân không phải thuê nhân công tưới chanh”.

Ông Lê Văn Giấy chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động cho 8,1ha rau. Khi tham quan, ngành chức năng, chính quyền địa phương rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm rau sạch vào hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể còn nhiều khó khăn khiến nông dân cảm thấy buồn. Bởi, sản xuất rau sạch nhưng khi bán, giá cả, chất lượng bị đánh đồng như rau bình thường”.

HTX Nông nghiệp Phước Thịnh (xã Phước Hậu, Cần Giuộc) có 6 năm cung ứng rau cho thị trường. Giám đốc HTX - Đặng Duy Dũng nói: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX vẫn là đầu ra. Nguồn rau của HTX cung ứng cho hệ thống siêu thị rất hạn chế và phải qua trung gian. Chính vì vậy, nông dân không lãi nhiều”.

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: “Vừa qua, sở khảo sát tại nhiều HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh và ghi nhận những khó khăn về đầu ra. Sở đang tập trung xúc tiến, kết nối với các trường học bán trú, bệnh viện, bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp. Bởi, đây là những nguồn tiêu thụ lớn, có thể giải quyết được đầu ra rau sạch cho HTX. Tiêu thụ sản phẩm tốt thì việc ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới có thể nhân rộng và phát triển”./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết