Cả 3 thành viên gia đình bác sĩ Tường Linh, bác sĩ Kim Loan và bác sĩ Quang Bình đều cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Long An
Gia đình bác sĩ (BS) Phạm Tường Linh (SN 1964), hiện là Trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức có 3 người đều công tác tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Vợ BS Tường Linh là BS Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1965), làm việc tại Khoa Nội tổng hợp và con trai là BS Phạm Quang Bình (SN 1992), đang làm việc tại Khoa Ngoại chấn thương. Được biết, BS Tường Linh còn một người em trai là dược sĩ đại học.
Từ khi còn nhỏ, BS Tường Linh từng mơ ước được trở thành thầy thuốc. Với suy nghĩ ấy, anh luôn nỗ lực học tập và thi đậu vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM khóa 1984-1990. Tại ngôi trường này, chàng sinh viên y khoa gặp và cảm mến cô bạn đồng hương Nguyễn Thị Kim Loan - học sau 1 khóa (1985-1991). Sau khi tốt nghiệp, cả hai về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Long An đến nay.
Còn BS Quang Bình được cha mẹ rèn tính tự lập từ nhỏ. Những khi cha trực đêm, mẹ đi học tại TP.HCM, chỉ mới 12, 13 tuổi, Quang Bình phải ở nhà một mình, tự giác học bài không cần đợi nhắc nhở. BS Kim Loan chia sẻ: “Thời gian tôi học Chuyên khoa I tại TP.HCM, nhiều lúc nhớ và lo cho con nhiều lắm mà không thể về nhà chăm sóc. Cháu ý thức được công việc của cha mẹ, biết tự giác học tập, không phụ lòng kỳ vọng của vợ chồng tôi!”.
Cả gia đình theo nghề y, những ngày tết, thay vì được quây quần, sum họp bên nhau thì các thành viên lại tất bật với công việc. BS Tường Linh cho biết: “Dù không có nhiều thời gian bên nhau nhưng hạnh phúc của gia đình tôi là sự cảm thông, chia sẻ và động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Con trai nối nghiệp cha mẹ là niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi. Chúng tôi có thể hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho cháu và luôn hy vọng cháu tiến xa hơn nữa trên con đường mình chọn, tận tâm chăm sóc sức khỏe bệnh nhân”.
Bác sĩ Lưu Khắc Duy chụp ảnh cùng cha mẹ và người thân trong gia đình trong ngày nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ (bác sĩ Lưu Văn Sang – cha của bác sĩ Duy đứng thứ 3, từ phải qua)
Còn với BS Lưu Văn Sang, hiện đang công tác tại Khoa Nội, Trung tâm Y tế huyện Tân Thạnh, có con trai là BS Lưu Khắc Duy (SN 1992), vừa tốt nghiệp Đại học Y Dược Cần Thơ, đang làm việc tại Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Long An. Khi còn là học sinh, thấy công việc của cha bận rộn, ít có thời gian dành cho gia đình nên Duy cũng tự giác học tập và phấn đấu trở thành BS.
“Tôi học được ở cha sự nhiệt tình trong công việc, hết lòng với người bệnh. Đặc biệt, là BS trẻ nên tôi phải học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Tôi cũng được cha chia sẻ một số kiến thức về bệnh nội khoa. Tinh thần, thái độ làm việc của cha và các đồng nghiệp giúp tôi nhận ra rằng, rất nhiều BS vùng sâu, vùng xa tuy điều kiện vật chất, trang thiết bị thiếu thốn nhưng rất giỏi chẩn đoán lâm sàng. Cha cũng thường khuyên tôi rằng, với một BS, quan trọng nhất phải là tinh thần tự học, học qua thầy cô, đồng nghiệp và học kinh nghiệm thực tiễn từ chính những bệnh nhân của mình” - Khắc Duy chia sẻ.
BS Sang cho biết: “Dù không công tác cùng đơn vị, không trực tiếp quan sát, kèm cặp nhưng tôi có thể cho con những lời khuyên, động viên con vượt qua những khó khăn ban đầu để gắn bó với nghề nghiệp. Trong đại gia đình, không chỉ riêng cha con tôi theo nghề y mà trước đây, ông ngoại của cháu cũng là y sĩ quân y trong kháng chiến chống Mỹ. Tôi cũng có một đứa cháu - con của người anh trai đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Y Dược Cần Thơ. Hiện tại, 2 vợ chồng người cậu thứ 7 của Duy đều là dược sĩ, dì 4 của cháu là nữ hộ sinh công tác tại Trạm Y tế xã Tân Thành (huyện Tân Thạnh), dì 5 của cháu có người con trai cũng đang là sinh viên năm thứ 5 - BS đa khoa, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Chúng tôi đều rất vinh dự khi được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, được chung tay xoa dịu nỗi đau, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân”.
Gia đình có nhiều thành viên là BS, chắc chắn thời gian dành cho “tổ ấm” cũng hạn chế vì công việc bận rộn. Thế nhưng, chính vì cùng là thầy thuốc nên họ có sự cảm thông, sẻ chia và gắn bó, cùng hỗ trợ, động viên nhau vượt qua những khó khăn, thử thách trong nghề. Với họ, bên cạnh tình cảm gia đình, tình đồng nghiệp cũng chính là động lực để phấn đấu cùng nhau. Cha mẹ làm gương cho con, các con nỗ lực để không phụ lòng kỳ vọng của đấng sinh thành. Và, với mỗi “tổ ấm” của người thầy thuốc, tuy có lúc phải quên đi những khoảnh khắc riêng, tạm gác lại những chuyến du lịch cuối tuần, những ngày nghỉ lễ,... để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nhưng bù lại, thấy sức khỏe bệnh nhân hồi phục là “món quà” quý giá nhất mà các thành viên của những gia đình đặc biệt ấy nhận được./.
Phạm Ngân