Mỗi lần nhắc đến các con trai đã hy sinh, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Tạo vẫn không kìm được sự xúc động |
Ghi nhớ công ơn của các mẹ, từ nhiều năm nay, việc chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân quan tâm thực hiện.
5 lần tiễn con đi, 5 lần khóc thầm lặng lẽ...
Mẹ Đoàn Thị Tạo có 10 người con (7 trai, 3 gái), trong đó, 5 người con trai tham gia kháng chiến chống Mỹ và cả 5 người đều hy sinh. Hiện nay, mẹ sống cùng gia đình người con trai út là Phan Văn Mai trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng khang trang tại ấp Cả Nổ, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Ở tuổi 101, tuy trí nhớ giảm nhiều nhưng ký ức về những đứa con thương yêu dường như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng mẹ. Đó chính là niềm tin, nghị lực sống giúp mẹ vượt qua những năm tháng “mưa bom, bão đạn”, nuôi dạy con cháu khôn lớn, trở thành người có ích cho xã hội.
Mẹ Tạo kể, ngày ấy, người con trai thứ 6 là liệt sĩ Phan Văn Ẩn xin mẹ cho đi chiến đấu khi mới vừa 14 tuổi. Thấy con còn quá nhỏ, mẹ không tránh khỏi băn khoăn. Nhưng trước sự kiên quyết của anh “dù đi chiến đấu một ngày rồi chết, con cũng muốn đi”. Nghe vậy, mẹ chỉ biết khuyên con “ráng nghe lời các chú, các anh, cố gắng rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao”.
Ở quê nhà, người con trai thứ 3 Phan Văn Huế, thứ 4 Phan Văn Khâu, thứ 5 Phan Văn Chẩn tham gia lực lượng du kích xã và anh dũng hy sinh trên chính mảnh đất quê hương. Tiếp bước các anh, người con thứ 8 của mẹ là liệt sĩ Phan Văn Nù cũng hăng hái lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
5 lần tiễn con đi, rồi 5 lần mẹ đau đớn ngất lịm khi nhận được tin báo tử. Năm 1968, cùng 1 năm mà mẹ mất đi đến 2 đứa con thương yêu (liệt sĩ Phan Văn Nù và Phan Văn Ẩn). Trước những nỗi đau liên tiếp tưởng chừng như vượt khỏi sức chịu đựng, thế nhưng, mẹ vẫn kiên cường đứng lên. Cũng như bao người mẹ khác, nơi hậu phương, mẹ Tạo luôn chịu thương, chịu khó, chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai, tiếp tế lương thực cho bộ đội, mong ngày đất nước được thanh bình.
Mỗi lần nhắc đến các con, dù rất đỗi tự hào nhưng mẹ cũng không giấu được nỗi đau. Ngồi trò chuyện bên mẹ, không ít lần, chúng tôi chứng kiến đôi mắt mẹ rưng rưng, giọng nói như lạc đi vì xúc động. Cầm chiếc khăn tay lau những giọt nước mắt, mẹ nghẹn ngào: “Tụi nó ra đi lúc còn quá trẻ, có đứa chưa tròn 20 tuổi. Đau lắm! Nhưng vì độc lập, tự do, ai cũng góp sức, mình đâu thể chỉ biết hưởng thụ mà thôi”.
Hòa bình lập lại, mẹ Tạo được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Dù nỗi đau mất đi người thân không gì có thể bù đắp được nhưng mẹ Tạo cũng được an ủi phần nào vì những cống hiến của các con được đất nước và nhân dân ghi nhận. Gần 20 năm qua, bên cạnh chế độ, chính sách dành cho người có công, mẹ Tạo còn được Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 TP.HCM thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, nhận phụng dưỡng đến cuối đời.
Niềm vui của mẹ
Ngược về huyện Thạnh Hóa, phải mất thêm gần 15 phút đi xe máy từ UBND xã Thạnh Phước, men theo con đường mòn nhỏ quanh co dọc bờ kênh, chúng tôi đến ấp Ông Quới để gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Song (còn gọi là Nguyễn Thị Mười). Mẹ Song năm nay 85 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều. Dù không thể nhớ rõ những sự kiện trước đây nhưng những kỷ niệm về chồng và các con, mẹ không thể nào quên được.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Song vui vầy bên con cháu (Trong ảnh: Con gái út và cháu cố của mẹ Song đang bên mẹ)Mẹ Song sinh được 9 người con. Chồng của mẹ là liệt sĩ Hồ Văn Tiền thoát ly theo cách mạng từ những năm 1950, một mình mẹ tảo tần hôm sớm bên ruộng lúa, bờ ao, nuôi lớn đàn con thơ dại. Trong những ngày ở chiến trường, thỉnh thoảng, ông Tiền có gởi thư về thăm hỏi gia đình. Nhưng rồi cuộc chiến ngày càng ác liệt, những chuyến về thăm của ông thưa dần, những lá thư cũng không còn nhận được nữa.
Năm 1970, trong một trận càn của địch, ông Tiền bị máy bay bắn và hy sinh. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, 3 năm sau, tin dữ lại ập đến với mẹ một lần nữa, người con trai đầu của mẹ, Hồ Thành Châu lúc này đang là bộ đội đặc công, tham gia chiến đấu tại địa phương, hy sinh khi vừa tròn 24 tuổi. Mất chồng, con nhưng thi thể cũng không tìm thấy được khiến nỗi đau càng thêm khắc sâu trong lòng mẹ. Sau đó, vì cuộc sống khó khăn, gia đình mẹ phải tha phương khắp nơi, từ Đồng Nai cho đến Đồng Tháp, hết làm gạch rồi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày.
Khi kinh tế dần ổn định, gia đình quay trở về căn nhà cũ, tiếp tục tìm kiếm hài cốt người thân nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Sau ngần ấy thời gian tưởng chừng như vô vọng, cách đây 6 năm, niềm vui lớn đến với mẹ khi đón nhận hài cốt chồng và con về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện.
Chiến tranh là vậy, mất mát, đau thương vô vàn. Để chúng ta có được cuộc sống ấm no hôm nay phải đánh đổi biết bao xương máu của thế hệ cha anh đi trước và sự hy sinh thầm lặng nhưng rất đỗi vinh quang của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, từ năm 2016, Công an huyện Thạnh Hóa nhận chăm sóc, phụng dưỡng, giúp mẹ có thêm niềm vui trong cuộc sống và luôn khỏe mạnh. Chiến tranh cướp đi của mẹ người chồng và một người con trai yêu quý, nhưng giờ đây, mẹ có cuộc sống hạnh phúc, vui vầy bên con cháu, cùng với đó là sự quan tâm thường xuyên của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân, cũng khiến mẹ ấm lòng.
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi! Xin cảm ơn các mẹ sinh ra và nuôi dưỡng nên những người con ưu tú cho quê hương, đất nước. Những cống hiến, sự hy sinh cao cả của các mẹ góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam. Chúng con luôn tự hào vì có mẹ - Mẹ Việt Nam Anh hùng!
An Kỳ