Viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cần Giuộc
1. Ngày cuối tuần, nhiều bạn trẻ thường chọn cách nghỉ ngơi sau một tuần học tập nhưng Nguyễn Thị Kiều Trang - học sinh lớp 11A3, Trường THPT Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lại tận dụng khoảng thời gian này làm những việc có ích cho cộng đồng khi theo chân Đoàn trường THPT Cần Giuộc, các ĐVTN tham gia Ngày Chủ nhật xanh, trưng bày các sản phẩm tái chế từ chất thải nhựa, dọn vệ sinh một số tuyến đường giao thông nông thôn; quét vôi gốc cây xanh, trồng hoa, quét vôi tường rào ở nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ,... Đặc biệt, Kiều Trang còn vinh dự được chọn là MC của một số chương trình do Đoàn phát động hay làm hướng dẫn viên giới thiệu về Di tích lịch sử Ngã Năm Mũi Tàu cho một số đơn vị đến tham quan. “Từ cuộc thi “Em là hướng dẫn viên quê em” do Đoàn trường và Huyện đoàn phát động, em và những bạn khác biết nhiều đến các bài học lịch sử, những khu di tích, nhà truyền thống của huyện cũng như các địa phương khác. Em nghĩ đây là cách tuyên truyền, giáo dục khá hay, thu hút các bạn tham gia”.
Đó cũng là cách làm mới trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ của Huyện đoàn Cần Giuộc qua những mô hình cụ thể, cách làm sáng tạo. Theo Phó Bí thư Huyện đoàn - Đỗ Thị Thảo Phương, trên địa bàn huyện có khoảng 20 khu di tích lớn, vì vậy, Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn quan tâm giáo dục truyền thống lịch sử. Hàng năm, các tổ chức Đoàn đều ra quân vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà bia ghi danh liệt sĩ, các khu di tích lịch sử; tổ chức dã ngoại, về nguồn,... Đặc biệt, 2 năm nay, Huyện đoàn tổ chức lễ kết nạp đoàn viên tại một số khu di tích trong huyện, không chỉ giúp các em tự hào khi đứng chân vào hàng ngũ Đoàn mà còn hiểu thêm về truyền thống quê hương.
Qua các hội thi, bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ
Không những vậy, Huyện đoàn còn tổ chức lễ hội Nguyễn Đình Chiểu (ngày 02/7) kỷ niệm ngày sinh của cụ Đồ Chiểu và ngày mất của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thái Bình. Tại đây, các bạn cùng làm lễ tưởng niệm, dâng hương, ôn lại truyền thống lịch sử, viết thư pháp,... Qua đó, ĐVTN ý thức hơn, hiểu biết về lịch sử dân tộc, những khu di tích, anh hùng liệt sĩ trên địa bàn,... rèn luyện bản thân, trở thành công dân tốt.
2. Huyện đoàn Đức Hòa là một trong những đơn vị có nhiều mô hình hay trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho các bạn trẻ. Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa - Trần Tiến Quí thông tin, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, các tổ chức Đoàn trong huyện có nhiều việc làm ý nghĩa hướng đến cộng đồng. Hiện tại, các xã, thị trấn đều có nhà bia, vì vậy, các cơ sở Đoàn đều nhận trách nhiệm sơn sửa, chăm chút khu vực này. Hầu hết các bạn đều tham gia các mô hình giữ gìn cảnh quan môi trường; nhiều nơi còn kết hợp tổ chức các hội thi thuyết trình về “địa chỉ đỏ”, thi kể chuyện về Bác;... Vào những dịp lễ 30/4, 2/9, 22/12, 3/2, Tết Cổ truyền của dân tộc, các Đoàn cơ sở tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà, trò chuyện cùng Mẹ Việt Nam Anh hùng, những gia đình chính sách,...
Với mục tiêu giáo dục hiệu quả về đạo đức, lối sống cho học sinh, Trường THPT Đức Hòa có phương pháp khá đặc biệt. Đó là các mô hình: Hành lang danh nhân, Hành lang danh ngôn, Hành lang xanh,...
Có dịp đến với ngôi trường này, chúng tôi ấn tượng với đồng phục ngoài giờ của học sinh. Đó là những chiếc áo in hình ngôi sao vàng 5 cánh và bản đồ Việt Nam có 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đây là mô hình do Đoàn trường phối hợp Ban Giám hiệu thiết kế mẫu mã. Việc làm nhỏ nhưng đủ để học sinh thêm yêu biển, đảo, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Em Thu Huyền - học sinh lớp 12 Trường THPT Đức Hòa, chia sẻ: Ngôi trường em học tập có cả “một hành lang hiểu biết” khi khắc họa ngắn gọn về tiểu sử của những anh hùng dân tộc hay các danh nhân. Từ đó, giúp em hiểu hơn về lịch sử, biết thêm về các vị tướng tài ba và các nhà bác học nổi tiếng. Tự hào về lịch sử Việt Nam, em càng tự hứa với lòng, phải sống xứng đáng với những người đi trước.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh cho biết, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh, thiếu nhi, Đoàn TN các cấp xây dựng, triển khai thông qua nhiều hình thức tuyên truyền: Tổ chức các chuyến du khảo về nguồn, giao lưu với nhân chứng lịch sử, hành trình về với “địa chỉ đỏ”, các cuộc thi tìm hiểu về các anh hùng dân tộc, diễn đàn: Tôi yêu Tổ quốc tôi, Tự hào thế hệ Hồ Chí Minh, Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn, Em yêu lịch sử Việt Nam, Đảng với TN, TN với Đảng,... Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, sức phấn đấu, rèn luyện, tiếp nối truyền thống cách mạng của tuổi trẻ, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tri ân những gia đình có công với nước, một trong những việc làm thường xuyên, ý nghĩa của các bạn trẻ
Ngoài ra, Đoàn còn tổ chức các hoạt động giáo dục đạo lý Uống nước nhớ nguồn như chăm sóc các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;...
Thời gian tới, các tổ chức Đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống qua những mô hình cụ thể, chú trọng nêu gương, biểu dương những nhân tố điển hình; thực hiện các công trình, phần việc TN, hướng đến những hoạt động tình nguyện, sống có ích cho cộng động, xã hội,... góp phần cụ thể hóa Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”./.
Thanh Nga