Tiếng Việt | English

26/07/2017 - 10:12

Tượng đài Anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện

Mỗi chuyến sang nước bạn Campuchia làm nhiệm vụ đối ngoại quân sự, ngoại giao quốc phòng, Đoàn cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An đều dừng chân viếng và dâng hương tưởng niệm trước Tượng đài Anh hùng liệt sĩ (AHLS) Nguyễn Văn Ngộ, tưởng nhớ một chiến sĩ quê hương Long An ngã xuống vì đất nước Campuchia, để vun đắp tình hữu nghị giữa 2 nước, 2 dân tộc,...

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An và Tiểu khu Quân sự Svay Rieng thắp hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ

Tượng đài AHLS Nguyễn Văn Ngộ nằm giữa trung tâm thị xã Svay Rieng, Vương quốc Campuchia, 4 mặt là các con đường chính của thị xã tỉnh bạn nên từ xa đã thấy tượng đài vươn lên với hình tượng một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ẵm em bé Campuchia lao về phía trước.

AHLS Nguyễn Văn Ngộ sinh năm 1959, ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, nhập ngũ tháng 8/1978, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 502, Mặt trận 779. Ngày 01/9/1979, tại phum Chot, huyện RumDuol, tỉnh Svay Rieng, Trung đội phó Nguyễn Văn Ngộ được tin báo có 2 người dân Campuchia bị chết trong bãi mìn (do lính Pol Pot gài lại) 2 ngày mà chưa đưa xác ra được. Trung đội phó Ngộ xung phong nhận nhiệm vụ cùng với 1 tổ vào bãi mìn tìm cách đưa xác người dân ra an táng. Khi tiếp cận hiện trường, anh thấy còn có 1 em bé bị thương đang kêu khóc thảm thiết,...

Nhanh chóng đưa em bé ra khỏi bãi mìn bằng cách mở một lối đi an toàn xuyên qua bãi mìn, Nguyễn Văn Ngộ không ngại hiểm nguy, dò gỡ mìn, tìm đường cứu em bé và đưa xác người dân ra ngoài. Sau khi tháo gỡ hơn 10 quả mìn, bất ngờ 1 quả phát nổ làm anh bị thương nặng nhưng anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội tháo gỡ mìn, động viên chiến sĩ nhanh chóng đưa em bé đi cứu chữa. Anh hy sinh vì vết thương quá nặng.

Tiếc thương anh, nhân dân Campuchia và chính quyền địa phương nơi đơn vị làm nhiệm vụ dựng tượng Nguyễn Văn Ngộ để tưởng nhớ người anh hùng. Năm 1983, Nguyễn Văn Ngộ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Kể lại câu chuyện về AHLS Nguyễn Văn Ngộ, một sĩ quan thuộc Tiểu khu Quân sự Svay Rieng - một trong những người cùng bộ đội Việt Nam dùng cáng chuyển thương quân tình nguyện Nguyễn Văn Ngộ đang bị thương nặng ra bên ngoài, kể: Hiện trường lúc ấy, địa hình sình lầy, bị gài đầy mìn chống tăng và mìn chống bộ binh, họ phải đi theo đúng những dấu chân của anh Ngộ đã đi để tránh nguy hiểm. Anh cho biết, với điều kiện cứu thương của ngày nay thì đồng chí Ngộ chỉ mất một chân, nhưng lúc ấy thiếu thốn, khó khăn mọi thứ,... Đó chính là điều làm họ day dứt suốt mấy chục năm qua.

Với họ, AHLS Nguyễn Văn Ngộ vẫn sống mãi với phum sóc, bản làng nước bạn và họ luôn canh cánh trong lòng, có được nguồn kinh phí để xây dựng tượng đài thêm to đẹp nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết