Ông Nguyễn Doãn Tú-Tổng Cục trưởng Tổng cục dân số-kế hoạch hoá gia đình phát biểu tại hội thảo ngày 25/9. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại Việt Nam, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.
Ông Nguyễn Doãn Tú-Tổng Cục trưởng Tổng cục dân số-kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9, do Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tổ chức trực tuyến ngày 25/9.
Ông Tú cho hay theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng và nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.
Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình gần đây nhất của Tổng cục Thống kê thì cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.
Xuất phát từ thực tế trên, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hoá gia đình tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai...
Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác dân số kế hoạch hoá gia đình. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giảm từ 1,7% giai đoạn 1989-1999 xuống còn 1,14% giai đoạn 2009-2019. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) năm 2019 là 14 phần nghìn, giảm hơn một nửa so với năm 1999. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2018 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 65%.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng từ 65.2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019; trong đó tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi.
Trên thế giới, hiện nay có tới 1/3 trong số các trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25...
Trước tình hình trên, liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học và y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày tránh thai thế giới và phát động lần đầu tiên vào ngày 26/9/2007 tại Châu Âu.
Các đại biểu ký kết hợp tác. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày tránh thai Thế giới 26/9 có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Nhân ngày Tránh thai Thế giới (26/9), Bộ Y tế tổ chức hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai… cũng như kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Tiếp nối thành công của “Chương trình Truyền thông kế hoạch hoá gia đình vì sức khỏe cộng đồng” trong giai đoạn 1, tại hội thảo, Tổng Cục dân số kế hoạch hoá gia đình và Công ty Bayer Việt Nam thực hiện Lễ ký kết giữa 2 bên về kế hoạch 5 năm (2021-2025) cho giai đoạn 2 của Chương trình./.
Theo TTXVN