Tiếng Việt | English

03/05/2017 - 11:04

TP.Tân An

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ven đô

Trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, việc ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất canh tác là nhu cầu mang tính tất yếu và cấp bách. Qua 2 năm thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ven đô trên địa bàn TP.Tân An, tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bước đầu, thành phố đạt hiệu quả khả quan.

Năng suất, chất lượng tăng

Trên cơ sở đề án phát triển nông nghiệp ven đô, thành phố tập trung phát triển 9 nhóm mô hình sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất là mô hình trồng cây ăn trái, chủ yếu là thanh long với 100ha đang cho thu hoạch, năng suất 300 tạ/ha.

Đến nay, toàn thành phố có 242ha thanh long, tăng 184ha so với năm 2014, tập trung nhiều nhất ở xã Bình Tâm, An Vĩnh Ngãi, phường 7.

Trồng thanh long với hệ thống tưới nhỏ giọt giúp gia đình ông Đặng Hữu Minh, ngụ ấp 4, xã Bình Tâm tiết kiệm nhiều chi phí thuê nhân công, góp phần tăng lợi nhuận

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tâm - Huỳnh Văn Sơn, xã hiện có 45ha thanh long, 2 tổ hợp tác sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 13,37ha với 29 thành viên. Tham gia tổ hợp tác, nông dân được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, hệ thống tưới tự động,... Với giá cả hiện nay, 1ha thanh long cho lợi nhuận bình quân từ 300-400 triệu đồng/năm.

Ông Đặng Hữu Minh, ngụ ấp 4, xã Bình Tâm, thành viên tổ hợp tác sản xuất thanh long, phấn khởi: “Gia đình tôi canh tác hơn 1ha thanh long gần 6 năm nay. Trồng thanh long không khó nhưng nguồn vốn đầu tư lớn và tốn nhiều công chăm sóc. Từ khi được Phòng Kinh tế thành phố hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt, việc chăm sóc ngày càng thuận lợi hơn, không chỉ tiết kiệm nước mà còn giảm rất nhiều chi phí thuê nhân công, từ đó lợi nhuận cũng nâng lên”.

Bên cạnh thanh long, mô hình trồng rau thực phẩm được duy trì và phát triển ổn định với diện tích trên 190ha, năng suất 191 tạ/ha. Trong đó, phường Khánh Hậu là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Ông Đồng Tấn Anh, ở khu phố Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu, điển hình nông dân sản xuất rau theo hướng an toàn, cho biết: Với hơn 0,4ha đất, tôi trồng luân phiên mùa nào rau nấy, từ cà chua, dưa leo, khổ qua đến bầu, bí, mướp,... Nhờ được địa phương hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, phân bón, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, thu nhập được cải thiện rõ rệt.

Còn nhiều thách thức

Dù đạt một số kết quả khả quan nhưng tiến độ triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ven đô của thành phố còn chậm từ khâu xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc đến công tác thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện ở cơ sở.

Việc phát triển các mô hình còn tự phát, chưa đạt yêu cầu: Mô hình trồng rau thực phẩm hiện có gần 64ha, đạt 89% kế hoạch năm 2015; mô hình trồng và kinh doanh sinh vật cảnh với 13,7ha, đạt 51,7% so với kế hoạch.

Đặc biệt, mô hình trồng thanh long mang lại lợi nhuận cao so với lúa nên người dân tự phát trồng ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ cũng như quá trình sản xuất do thiếu nước tưới và thiếu điện xông thanh long.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi bò sữa phát triển khá nhanh với 2.550 con, đạt 162,3% so với kế hoạch năm 2015 nhưng do quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, trình độ ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế nên chất lượng sữa không ổn định, giá cả bấp bênh, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Nông dân nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn về đầu ra sản phẩm (trong ảnh: ông Nguyễn Văn Tưởng, ấp 4, xã Hướng Thọ Phú cho bò ăn)

Ông Nguyễn Văn Tưởng, ở ấp 4, xã Hướng Thọ Phú cho biết, gia đình ông nuôi gần 20 con bò, trong đó có 13 con bò sữa. Với giá sữa hiện nay là 14.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập tương đối ổn định.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố chỉ có 2 công ty thu mua sữa, những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ (dưới 5 con) khó ký hợp đồng với những đơn vị này. Ngoài ra, để được công ty chấp nhận tiêu thụ, chất lượng sữa phải bảo đảm rất nhiều quy chuẩn; nếu không đạt, giá sữa có thể giảm chỉ còn một nửa.

Từ thực trạng trên cho thấy, do thiếu thị trường đầu ra, nông dân phải tiêu thụ sản phẩm qua thương lái trung gian nên giá cả không ổn định và thường xuyên bị ép giá; sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP) chưa được nhiều nông dân quan tâm, sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh ngoài thị trường; chưa thành lập được hợp tác xã lĩnh vực trồng trọt nên chưa có sự hợp tác, liên kết, nhất là với các doanh nghiệp trong cung ứng vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm;...

Đây là những thách thức lớn mà các cấp, các ngành, chính quyền TP.Tân An phải tập trung giải quyết để nông nghiệp ven đô phát triển bền vững, góp phần phát triển KT-XH.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống người dân nông thôn, bên cạnh đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ven đô gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND TP.Tân An phát triển vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 với tổng diện tích 100ha tại phường Khánh Hậu, xã Lợi Bình Nhơn và An Vĩnh Ngãi.

Trồng rau màu đem lại thu nhập cao cho nông dân phường Khánh Hậu

Theo kế hoạch, năm 2017, thành phố tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, mục đích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau đến chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và người dân; tập trung xây dựng 2 mô hình điểm trồng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 5ha (Khánh Hậu 3ha, Lợi Bình Nhơn 2ha) sử dụng phân hữu cơ sinh học, hệ thống tưới tiết kiệm.

Đồng thời, phấn đấu thành lập mới 1 hợp tác xã sản xuất rau tại phường Khánh Hậu; hỗ trợ 4 tổ hợp tác vùng sản xuất rau công nghệ cao được chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác rau phường Khánh Hậu tiếp cận các kênh phân phối như siêu thị, chợ đầu mối, các bếp ăn tập thể,...

Trưởng Phòng Kinh tế TP.Tân An - Đỗ Văn Thạch cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp ven đô và ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; mở rộng liên doanh, liên kết với các tỉnh lân cận và TP.HCM để hợp tác, trao đổi về công nghệ sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, giúp nông dân có đầu ra sản phẩm ổn định, nâng cao thu nhập./.

Thực hiện kế hoạch phát triển vùng rau ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, năm 2017, TP.Tân An phấn đấu có 100% tổ hợp tác nằm trong vùng dự án được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 100% hộ nông dân tham gia sản xuất rau được tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất rau an toàn và kỹ thuật sản xuất rau theo quy trình VietGAP; 50% sản lượng rau trong dự án được ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với hợp tác xã và doanh nghiệp; 100% diện tích sản xuất rau trong dự án sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học; 20% diện tích rau công nghệ cao có hệ thống tưới phun tự động, tưới thấm, tưới tiết kiệm,...

An Kỳ

Chia sẻ bài viết