Tiếng Việt | English

28/02/2017 - 11:02

Sản xuất rau công nghệ cao góp phần tăng giá trị nông sản

Hiện nay, tốc độ phát triển nông nghiệp diễn ra khá nhanh, góp phần tăng giá trị nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường. Long An là tỉnh sớm đưa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh triển khai thực hiện đề án xây dựng vùng rau ƯDCNC khoảng 2.000ha tại 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An.


Từng bước thay đổi ý thức của người dân trong sản xuất rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Tăng giá trị nông sản

Cần Giuộc là huyện có diện tích rau lớn với hơn 1.800ha rau màu, năng suất bình quân 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng 130.000 tấn/năm. Các vùng chuyên canh rau trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung ở các xã: Phước Hậu, Phước Lâm, Mỹ Lộc, Thuận Thành,... trong đó, rau ăn lá chiếm 65%; rau gia vị chiếm 25%; rau ăn quả chiếm 10%. Phấn đấu đến năm 2020, Cần Giuộc có 1.000ha rau ƯDCNC, trong đó, năm 2017 phải có 300ha.

Ông Lê Phước Hưng (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) có hơn 1.000m2 đất trồng rau theo kỹ thuật nhà lưới, mang lại hiệu quả cao. Ông chia sẻ: “Tôi trồng cải và hành lá, khi áp dụng kỹ thuật canh tác nhà lưới, hiệu quả cao hơn, rau phát triển tốt, ít sâu bệnh, ít cỏ dại. Đầu tư nhà lưới tốn khoảng 20 triệu đồng/1.000m2, có thể sử dụng từ 6-7 năm”.

Huyện Cần Đước hiện có gần 700ha rau màu tập trung ở 6 xã: Long Hòa, Long Khê, Long Trạch, Tân Trạch, Long Cang và Phước Vân, chủ yếu là rau ăn lá, chiếm trên 80% diện tích, còn lại là rau ăn trái và rau gia vị. Trong đó, có trên 200ha, nông dân trồng rau theo hướng an toàn sinh học. Đa số những diện tích này là của xã viên các tổ hợp tác và hợp tác xã.

TP.Tân An là 1 trong 4 địa phương nằm trong quy hoạch đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây rau của tỉnh. Hiện nay, kế hoạch phát triển nông nghiệp ƯDCNC bước đầu tập trung phát triển vùng chuyên canh rau giai đoạn 2016-2020 với quy mô 65ha tại xã Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi, phường Khánh Hậu. Đến năm 2020, TP.Tân An xây dựng thêm 35ha rau.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng, sản xuất rau ƯDCNC mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nông dân còn lúng túng không biết ƯDCNC là như thế nào. Tôi mong rằng, thời gian tới, ngành, địa phương cần tổ chức nhiều mô hình thí điểm, các lớp tập huấn trồng rau ƯDCNC để hướng đến sản phẩm sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Song song đó, cũng cần quan tâm đầu ra sản phẩm, để khi nông dân sản xuất ra có nơi tiêu thụ”.


Từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tập trung thực hiện

Sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên cây rau đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Bởi đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, nạo vét kênh, mương, liên kết các huyện lân cận để điều tiết nước hợp lý, xây dựng các trạm bơm điện, nâng cấp các hệ thống điện; tiếp tục tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật như trồng rau nhà màng với công nghệ phun tưới tự đông, phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng hợp tác xã đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... Phấn đấu năm 2017, toàn huyện có 300ha sản xuất rau bằng phân hữu cơ sinh học; 5% diện tích trồng rau trong nhà lưới, nhà màng sản xuất rau có hệ thống tưới phun tiết kiệm nước; 2 nhà màng để ươm cây con; 30% nông dân được tập huấn theo tiêu chuẩn GAP, 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận VietGAP”.

Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh, nông dân còn gặp một số khó khăn do thiếu vốn đầu tư hệ thống ƯDCNC, diện tích trồng rau còn manh mún, nhỏ, lẻ, chưa có doanh nghiệp liên kết hợp đồng với nông dân để đầu tư trang thiết bị, máy móc, bao tiêu sản phẩm. Năm 2017, thành phố tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết; tổ chức các ngành chuyên môn liên quan, đơn vị xã, phường tham quan học tập các mô hình đạt hiệu quả; xây dựng mô hình điểm vùng sản xuất rau ƯDCNC và nhân rộng trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho rằng, hiện nay, nhu cầu sử dụng rau an toàn là rất cần thiết. Vì vậy, các địa phương cần tập trung thực hiện nông nghiệp ƯDCNC trên cây rau: Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, kỹ thuật cho các tổ hợp tác, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, từng bước thay đổi ý thức của người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sạch; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rau theo hướng CNC, đầu tư xây dựng thương hiệu rau an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ rau để nông dân trồng rau có đầu ra; các địa phương phải rà soát lại vùng quy hoạch thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ƯDCNC, phối hợp các sở, ngành liên quan đánh giá thực trạng, xác định quy mô thực hiện cụ thể./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết