Tiếng Việt | English

26/01/2017 - 09:45

Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), ngành nông nghiệp quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp bằng giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Lê Văn Hoàng dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc phỏng vấn về lĩnh vực này.

°PV: Ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ông có thể cho biết một số tiềm năng, lợi thế của ngành với việc ƯDCNC?

Giám đốc Lê Văn Hoàng: Phát triển nông nghiệp ƯDCNC là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án này được xây dựng dựa trên nền tảng nội lực là chủ yếu, trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa lý và kinh tế - xã hội, thế mạnh và tiềm năng về đối tượng và vùng sản xuất, kết hợp lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp theo đặc điểm, điều kiện sản xuất của địa phương nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cao và lâu bền.

Thuận lợi của ngành trước hết là tỉnh có những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung (vùng thanh long, vùng chanh, vùng rau,...) phù hợp vùng sinh thái; có Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười; các trung tâm, trại sản xuất, tổ sản xuất giống trong nông dân có thể đảm đương nhiệm vụ trước mắt.

Đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh (bìa trái) dẫn đầu

Tỉnh hiện có Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm; chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật tiến bộ, các công nghệ mới được kết luận và áp dụng thành công, hiệu quả ở một số nơi trong nước và thế giới vào địa phương.

Bên cạnh đó, khoảng 15% gia trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ “chuồng lồng” có trang bị hệ thống phun sương làm mát, núm nước uống và trang bị máng tự động; 15% hộ chăn nuôi bò sữa có trang bị máy vắt sữa; chăn nuôi gà có máng nước uống tự chảy, có quạt thông gió. Có mô hình hộ ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, gà.

Trong trồng trọt, bước đầu sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhà lưới, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất và phòng trừ sâu bệnh hại, một số loại phân bón lá và chế phẩm điều hòa sinh trưởng, ứng dụng tia laser trong san phẳng mặt ruộng, giống hoa phong lan cấy mô; ứng dụng công nghệ thông tin vào ghi chép và kiểm soát quy trình sản xuất VietGAP cho rau và thanh long; ứng dụng công nghệ nano trong xử lý ao nuôi và thức ăn cho tôm thẻ chân trắng.

°PV: Việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Giám đốc Lê Văn Hoàng: Hiện có 2 doanh nghiệp đăng ký thành lập khu nông nghiệp CNC; 3 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp khoa học - công nghệ do tỉnh chứng nhận, thuộc lĩnh vực sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất, thiết bị cơ khí và trồng cây cảnh.

Ngoài ra, còn có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất trồng rau khép kín theo công nghệ Nhật Bản; doanh nghiệp Huy Long An nuôi bò Úc vỗ béo kết hợp trồng trọt (trồng chuối để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản).

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa

Ngành tham mưu tỉnh tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phối hợp nông dân thực hiện các chương trình, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

°PV: Ông có thể giới thiệu một vài mô hình nông nghiệp CNC các địa phương?

Giám đốc Lê Văn Hoàng: Để tập trung thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành ban hành các kế hoạch cụ thể về xây dựng vùng sản xuất lúa ƯDCNC 20.000ha, vùng sản xuất rau ƯDCNC 2.000ha, vùng sản xuất thanh long ƯDCNC 2.000ha, vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp xây dựng doanh nghiệp ƯDCNC.

Trên cây lúa, triển khai được 150ha tại 3 huyện Tân Hưng, Mộc Hóa và Thạnh Hóa. Trong đó, tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng 3 mô hình điểm trên lúa tại Hợp tác xã Gò Gòn (huyện Tân Hưng), Hợp tác xã Tiên Tiến (huyện Mộc Hóa) và Tổ hợp tác Tân Tây (huyện Thạnh Hóa). Thực hiện 7 mô hình trên rau ăn lá, rau gia vị và rau ăn trái tại các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và Đức Hòa.

Theo đánh giá bước đầu, các mô hình này giảm phân bón, tăng lợi nhuận so với đối chứng. Triển khai thực hiện 3 mô hình tưới tiết kiệm trên cây thanh long (0,5ha/mô hình) tại các xã Long Trì, An Lục Long và Hòa Phú. Điều tra chuỗi ngành hàng bò thịt từ khâu sản xuất - tiêu thụ, xác định điểm mạnh, điểm yếu để có kế hoạch triển khai cụ thể.

Công nhân Hợp tác xã Rau sạch Phước Thịnh, huyện Cần Giuộc sơ chế rau

Năm 2017, ngành tập trung củng cố ban chỉ đạo các cấp, đẩy mạnh công tác truyền thông đến người dân trong vùng quy hoạch để nắm biết chủ trương, nội dung đề án; hoàn thành công tác quy hoạch vùng sản xuất ƯDCNC trên cơ sở quy hoạch chi tiết của các huyện; lập kế hoạch đề xuất đầu tư các công trình cần thiết phục vụ vùng đề án năm 2017 và các năm tiếp theo; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện đề án trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

°PV: Xin cảm ơn giám đốc!

Một số kết quả nổi bật trong năm 2016

- Sản lượng lúa trên 2,8 triệu tấn, trên 54% diện tích lúa sử dụng giống xác nhận, 30% sản lượng lúa đạt lúa chất lượng cao.

- Hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung: Vùng lúa nếp Châu Thành - Thủ Thừa; vùng rau thực phẩm Cần Đước - Cần Giuộc, Đức Hòa; vùng chanh Bến Lức - Đức Huệ; vùng thanh long Châu Thành; chăn nuôi gia súc (chủ yếu là bò) Đức Hòa - Đức Huệ, nuôi thủy sản vùng hạ,... Riêng cây thanh long 7.448ha, tập trung ở huyện Châu Thành gần 7.000ha, cho trái khoảng 5.096ha.

- Xây dựng 4 vùng thực hành chăn nuôi tốt trên địa bàn: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc, có trên 85% hộ chăn nuôi trong vùng được chứng nhận chuẩn VietGAHP nông hộ. Bước đầu, hình thành được chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn thông qua chuỗi sản phẩm thịt sạch, giết mổ sạch và buôn bán thịt sạch.

 Mai Hùng Dũng

Chia sẻ bài viết