Tiếng Việt | English

30/06/2015 - 16:40

Ung thư gan phòng ngừa được

Ung thư gan rất đáng sợ, rất khó trị, tỉ lệ tử vong cao, tuy vậy đó là bệnh có thể phòng ngừa được. Hiện nay trên một số báo có quảng cáo thực phẩm chức năng điều trị ung thư gan “mập mờ, mông lung...”.


Bác sĩ khuyến cáo người viêm gan siêu vi B, C nên tầm soát bằng siêu âm bụng mỗi 3-6 tháng/lần - Ảnh: N.C.T. 

Những thông tin nói trên được GS BS Nguyễn Chấn Hùng - chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM và BS Nguyễn Đình Song Huy, phó giám đốc Trung tâm ung bướu, trưởng khoa u gan Bệnh viện Chợ Rẫy, đưa ra trong buổi nói chuyện chuyên đề vừa qua tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM.
Ung thư gan rất đáng sợ vì diễn tiến thầm lặng. Theo GS Chấn Hùng, có bốn nguyên nhân dẫn đến ung thư gan: do virút viêm gan siêu vi B (HBV), C (HCV), nhiễm aflatoxin, rượu.

Ai nên tầm soát phát hiện ung thư gan?

* Người viêm gan HBV hoặc HCV

* Nghiện rượu nặng

* Gia đình có người mắc ung thư gan

BS Nguyễn Đình Song Huy khuyến cáo những người có nguy cơ cao nói trên nên tầm soát bằng siêu âm bụng mỗi 3-6 tháng. Khi phát hiện khối u nên đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác.

HBV, HCV có thể lây từ người này sang người khác qua truyền máu hoặc do quan hệ tình dục. Trẻ sơ sinh cũng có thể bị lây nhiễm từ mẹ. Nhiễm HBV, HCV thời gian dài (15-40 năm) có thể gây xơ gan và mỗi năm 3-5% chuyển sang ung thư gan. Aflatoxin là độc tố do các loại nấm mốc Aspergillus flavus tạo ra, chúng có nhiều trong các loại ngũ cốc như bắp, gạo, đậu phộng, hạt hướng dương... Nhiều người cho rằng loại bỏ mốc, nấu chín thì ăn sẽ không sao, thật ra aflatoxin vẫn còn nguyên, vào cơ thể gây gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan. Đáng lưu ý nếu người nhiễm HBV lại nhiễm aflatoxin thì nguy cơ ung thư gan cao gấp 60 lần người chỉ nhiễm HBV riêng lẻ. Nếu nhiễm HCV mà lại uống rượu như “hũ chìm” thì xơ gan, ung thư gan bùng lên.

Biết rõ nguyên nhân sẽ tự phòng ngừa được bệnh cho mình.

Có thể điều trị được

Cần nhấn mạnh không phải tất cả u ở gan đều là ung thư gan vì có thể đó là u lành (u máu, u tuyến, tăng sinh dạng nốt, ápxe gan, nốt vôi hóa ở gan...).

Ung thư gan nếu ở thời kỳ sớm và phần gan lành còn tốt thì có thể mổ được và trị tốt. Có ba phương pháp chính:

1. Cắt bỏ phần gan có khối u là phương pháp điều trị triệt để nhất hoặc ghép gan.

2. Hủy khối u bằng sóng cao tần (RFA), tiêm chất đông lạnh, cồn (PEI) hay chất phóng xạ.

3. Phương pháp TACE hay TOCE.

Lưu ý là trong ung thư gan, xạ trị, hóa trị đều rất ít hiệu quả.

Thực tế cho thấy có những trường hợp điều trị khá tốt, sống được sau 5-7 năm. Bệnh nhân nên tuân thủ lời khuyên và lịch tái khám của bác sĩ. Tuyệt đối không uống bia, rượu và hạn chế các thức ăn quá béo.

Đừng mắc sai lầm

VN có khoảng 10-20% dân số bị nhiễm HBV, tính ra cả nước có 7-14 triệu người nhiễm HBV mãn tính. Trong khi đó số người nhiễm HCV hiện nay vẫn chưa tính được. Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 100 người bị ung thư tế bào gan thì 80 người do HBV, 20 người do HCV.

VN có khoảng 10-20% dân số bị nhiễm HBV, tính ra cả nước có 7-14 triệu người nhiễm HBV mãn tính. Trong khi đó số người nhiễm HCV hiện nay vẫn chưa tính được. Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 100 người bị ung thư tế bào gan thì 80 người do HBV, 20 người do HCV.

Tại VN, ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất (20,8%) trong 10 ung thư thường gặp, ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên số mắc ở nữ chỉ bằng 1/3-1/4 ở nam.

Tại VN, ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất (20,8%) trong 10 ung thư thường gặp, ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên số mắc ở nữ chỉ bằng 1/3-1/4 ở nam.

Những người tham dự đã đặt ra cho hai bác sĩ hàng loạt câu hỏi như “Có nên nhịn ăn để “bỏ đói “khối u, không ăn thịt bò để khối u không to lên?”, “Nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo hỗ trợ chữa ung thư hiệu quả tới đâu?”, “Trung Quốc có kỹ thuật mới dùng dao đông lạnh chữa ung thư gan khiến nhiều người tìm sang Trung Quốc chữa bệnh?”...
Các bác sĩ cho biết các phương pháp điều trị hiện đại và thuốc tốt đều đã có ở VN. Theo BS Huy, dao đông lạnh thực chất là để phá hủy khối u, chỉ khác cách thực hiện - một bên là tăng nhiệt độ (phương pháp RFA, đang thực hiện tại VN), một bên là hạ nhiệt độ.

BS Chấn Hùng khẳng định: “Gần đây trên các báo quảng cáo thực phẩm chức năng và thức ăn chiết xuất từ rau củ quả, ngừa hoặc trị ung thư tái phát, vừa mập mờ và mông lung vừa không hiệu quả, tốn kém”.

Ông cũng nói thêm về việc có người đồn nọc rắn, sừng tê giác, thậm chí ăn gạo lứt muối mè chữa ung thư. Thật ra không có công trình khoa học nào xác định hiệu quả của những “phương ngoại” này.

Kim Sơn/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết