Tiếng Việt | English

19/08/2015 - 08:40

Ứng xử khéo với tỉ giá

Mọi người đang hỏi nhau: khi nào tỉ giá tăng thêm? Chẳng ai trả lời chính xác nhưng số đông đều theo thói quen hình thành từ nhiều năm qua rồi tự trả lời: “Khó giữ ổn định được”.

Trước đây, với mục tiêu điều hành tỉ giá “phù hợp với kinh tế vĩ mô, lạm phát, đảm bảo giá trị VND...”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn có cam kết đại loại như tỉ giá tăng không quá 2% (năm 2014 và 2015).

Trong điều hành hằng ngày, NHNN gần như cố định tỉ giá thông qua tỉ giá bình quân liên ngân hàng (như con diều) và cho tỉ giá này biến động trong biên độ (sợi dây diều).

Con diều tỉ giá chỉ bay trong phạm vi của cuộn dây diều và người dân đã quen với sự ổn định này. Sở dĩ NHNN phải cam kết mức biến động tỉ giá vì nền kinh tế nhiều năm chịu lạm phát cao, tỉ giá luôn bị ép phải tăng.

Cam kết và thực hiện đúng cam kết là cách để người dân yên tâm giữ VND thay vì mua USD và vàng, doanh nghiệp lường được biến động của lãi suất, tỉ giá trong làm ăn.

Nhưng cách điều hành “cam kết, ổn định” không còn phù hợp trước những biến động từ bên ngoài. Cam kết cứng là tự làm khó và trói tay mình. NHNN vừa tăng biên độ biến động tỉ giá sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.

Trước đó, tháng 5-2015 nơi này cũng phải tăng tỉ giá sau khi USD trên thế giới tăng và đồng tiền nhiều nước trong khu vực giảm mạnh. Liệu Trung Quốc còn phá giá thêm, rồi Mỹ có tăng lãi suất USD... là những ẩn số tác động lớn đến tỉ giá của các nước, trong đó có VND mà không ai dự báo được.

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Nếu chỉ xét yếu tố ở trong nước thì NHNN khẳng định có đủ lực từ nguồn dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá, từ chỗ vất vả kềm thì nay có thể chủ động điều hành tỉ giá theo hướng “muốn mất bao nhiêu” để có lợi nhất.

Nhưng việc điều hành tỉ giá không chỉ là chuyện trong nhà (kềm lạm phát, tăng lòng tin vào VND) mà còn phải mang “ý nghĩa đối ngoại” để hàng Việt cạnh tranh với các nước. Nhân dân tệ là của Trung Quốc nhưng cũng là vấn đề của nhiều nước.

Trung Quốc phá giá nhân dân tệ như người có thân hình to cao nhảy xuống hồ nước tạo ra sóng lớn, buộc mọi người phải tìm cách tránh sóng. Thậm chí đồng tiền của Thái Lan, Malaysia, Indonesia... biến động cũng có thể chen vào việc điều hành tỉ giá của NHNN.

Tình hình mới, từ “cố định - ổn định” dần chuyển sang “linh hoạt theo thị trường”, tới đây sẽ thiếu vắng những cam kết “chắc nịch” về tỉ giá.

Có thể “sợi dây diều - biên độ biến động tỉ giá” sẽ dài hơn, khi đã theo thị trường, dù được kiểm soát nhưng tỉ giá sẽ tăng - giảm nhiều hơn, số lần người dân và doanh nghiệp “lên ruột” vì tỉ giá cũng tăng theo. Mỗi lần như thế, suy nghĩ “khó giữ ổn định được” lại rộ lên, tác động đến giá vàng, USD.

Do vậy, NHNN cần sớm có kịch bản, cách giải thích mới để người dân hiểu, quen dần và có cách ứng xử phù hợp với sự linh hoạt của tỉ giá. Được thế, người ta an tâm làm ăn, bớt lo lắng, không vội mua ít vàng, gom chút USD dù giá đang nóng, tránh bị thiệt hại...

Vấn đề tỉ giá tuy rất cũ nhưng đang rất cần cách ứng xử mới từ NHNN.

Thanh Tuyền/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết