Tiếng Việt | English

20/03/2016 - 10:25

Ứng xử thông minh của cha mẹ khi con mắc lỗi với người lạ

Công khai hành xử thiếu văn hóa của con trên facebook hay bắt con đến tận nhà xin lỗi? Cha mẹ cần hành xử thông minh và khéo léo khi con mắc lỗi với người lạ để không làm tổn thương con.

Người mẹ cảm ơn người đã mắng con mình

Mới đây, một người mẹ tên Kyesha Smith Wood ở bang Alabama, Mỹ đã gửi lời xin lỗi đến người phụ nữ xa lạ bị hai con mình làm phiền tại rạp chiếu phim. Chị Wood nhắn nhủ trên trang cá nhân:

“Tôi muốn tìm gặp người phụ nữ có mặt ở Tannehill Premier trong buổi tối chiếu phim Cinderella lúc 7 giờ. Nếu bạn là người phụ nữ này, xin vui lòng nhắn tin cho tôi biết. Tôi đảm bảo với bạn rằng hai cô con gái đã gây chuyện đang phải chịu những sự trừng phạt đích đáng.

Hành vi thô lỗ và thiếu tôn trọng này là không thể chấp nhận được. Chúng nợ bạn một lời xin lỗi. Chồng tôi và tôi sẽ bắt chúng viết thư xin lỗi vào tối nay. Lần tới, chúng tôi muốn trả tiền vé xem phim và đồ ăn nhẹ cho bạn bằng chính số tiền tiêu vặt của chúng. Hãy báo cho tôi nếu bạn là người đã bị quấy rầy ấy. Tôi xin lỗi vì đã rườm rà nói về sự thiếu tôn trọng của chúng”.


Khi con có lỗi, hãy phân tích để chúng tự giác nhận ra lỗi, và giúp chúng khắc phục hậu quả (Ảnh minh họa)

Chuyện là, chị Rebecca Boyd, người phụ nữ được nhắc đến trong câu chuyện trên, dẫn cô con gái Ashley 12 tuổi tới rạp xem “Cô bé Lọ Lem”. Ngồi ghế sau Boyd là hai cô con gái tuổi teen của chị Wood. Trong suốt buổi chiếu phim, hai cô gái thường xuyên cười lớn và đạp cả vào ghế chị Boyd khiến mẹ con chị Boyd cảm thấy rất khó chịu. Sau giờ chiếu, chị Boyd đã gặp hai cô gái để nhắc nhở về chuyện giữ ý trong rạp chiếu phim, anh trai hai cô gái cũng có mặt lúc đó nên đã về kể lại câu chuyện cho mẹ. Chị Wood nghe xong rất tức giận, quyết định viết lên facebook để gửi lời xin lỗi đến người phụ nữ lạ đã bị hai con mình làm phiền.

Lời xin lỗi của cô Wood cuối cùng cũng đến tai chị Boyd. “Tôi rất xúc động và cảm phục rằng cô ấy đã không hề chỉ trích chút nào về việc tôi từng la mắng các con của cô ấy. Những lời tâm sự của chị ấy khiến tôi rất cảm động”, Boyd nói.

Không chỉ xin lỗi, chị Wood khi nhận được tin nhắn đáp lại của chị Boyd đã gửi lời cám ơn vì đã dạy dỗ hai cô con gái giúp mình. “Xin cảm ơn cô vì đã dạy dỗ hai cháu khi tôi vắng mặt. Nhiều người thường ngại nói những điều như thế với một đứa trẻ xa lạ. Nhưng các bậc phụ huynh cần phải chung tay để dạy dỗ con cái chúng ta”, chị Wood nói.

Lời xin lỗi của chị Wood đã khiến cộng đồng mạng thế giới dậy sóng, nhiều người đồng tình với cách hành xử của chị Wood, rằng có những người mẹ dám thừa nhận thói hư tật xấu của con trước người xa lạ và gửi lời xin lỗi là một hành động văn minh.

Hành xử như thế nào khi con mắc lỗi với người lạ?

Câu chuyện nhận được sự đồng tình của đông đảo phụ huynh nhưng một số ý kiến cho rằng, có nhiều cách dạy con tốt hơn thế trong tình huống này. Chị Trần Bích Hà, Quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết chị không tán thành với cách hành xử như thế này. Nếu sự việc xảy ra với con gái chị (hiện con gái chị 17 tuổi) thì chị sẽ xử lý như sau:

“Tôi sẽ làm mọi cách để tìm ra cô Boyd, nhưng không công khai trên chính facebook của mình. Ở lứa tuổi teen, trẻ rất nhạy cảm. Khi chúng có lỗi, hãy dạy chúng cách sửa chữa lỗi lầm với chính người bị gây hại, nhưng “tuyệt đối tránh” việc bêu riếu và làm nhục trẻ trước công luận. Bà mẹ có thể nhờ một người bạn nào đó thông báo trên facebook của họ, hoặc nhờ một báo địa phương đăng tin tìm người – và yêu cầu hai con gái đến tận nơi xin lỗi và đền tiền. Đó sẽ là cách hay nhất.


Bêu rếu thói hư tật xấu của con trên mạng xã hội có thể khiến con chịu sức ép tâm lý khi bị bạn bè bàn tán, cười cợt.

Chúng ta hãy tưởng tượng: hai cô bé ở lứa tuổi teen, chỉ vì một hành động dại dột, sau 1 đêm ngủ dậy, khi đến trường, bị bạn bè chỉ trỏ bàn tán, cười cợt – liệu chúng có chịu nổi sức ép tâm lý không? Rồi bất cứ khi nào đi ra đường, chúng có thể bị người không quen biết chỉ trỏ, hỏi han, nhận xét...- thật là một hình phạt quá đáng với lỗi lầm chúng gây ra. Vì vây: tôi nghĩ bà mẹ đã quá nóng giận, nên mất khôn ngoan khi tung toàn bộ cậu chuyện lên facebook.

Bài báo không hề nói đến tâm trạng, cảm giác của hai đứa trẻ tội nghiệp, mà chỉ tập trung vào ca ngợi bà mẹ? Sau câu chuyện này, tâm lý chúng ra sao, liệu chúng còn có được cuộc sống bình thường nữa hay không? Tôi sẽ không hề ngạc nhiên, nếu một ngày nào đó biết rằng chúng có thể đã bị vấn đề nặng về tâm lý, hoặc thu mình lại thành dạng “tự kỷ” vì xấu hổ

Cũng hơi lạ cho cái cách thiên hạ “tung hô” cách hành xửa của bà mẹ: ở Mỹ, người ta luôn tôn trọng tự do cá nhân và bí mật riêng tư. Khi học sinh mắc lỗi thì giáo viên đều làm việc riêng với học sinh đó và gia đình, chứ không bao giờ đem ra bêu riếu trước mặt bạn bè hoặc người khác.

Với tôi, khi con mình có lỗi, hãy phân tích để chúng tự giác nhận ra lỗi, và giúp chúng khắc phục hậu quả. Đừng bao giờ kể tội con với người khác, hoặc bạn bè chúng”, chị Hà chia sẻ./.

Nguồn: Kim Minh/VietNamNet

Chia sẻ bài viết