Bên cạnh việc tiêm ngừa, ngành Y tế cũng kêu gọi cộng đồng tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng theo thông điệp “Vắc-xin + 5K”
♦ PV: Xin BS cho biết một số thông tin về vắc-xin AstraZeneca được sử dụng tại Việt Nam?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 08/3/2021, sử dụng 117.600 liều vắc-xin AstraZeneca. Đây là loại vắc-xin phòng SARS-CoV-2, được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược nổi tiếng thế giới - AstraZeneca (Vương quốc Anh) do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc. Vắc-xin phòng
Covid-19 của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ con người trước tác nhân gây bệnh Covid-19 lên đến hơn 90%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng; có dạng dung dịch, đóng 10 liều/lọ, mỗi lọ 0,5ml. Lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 12 tuần; chỉ định người từ 18 tuổi trở lên. Vắc-xin này đã được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
♦ PV: Những đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19, thưa BS?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP, ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19, đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí, gồm:
- Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên,...); quân đội; công an.
- Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất, nhập cảnh.
- Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước,...
- Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
- Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.
- Người sinh sống tại các vùng có dịch.
- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
- Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
- Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch.
Về địa bàn, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch. Theo Bộ Y tế, 13 tỉnh, thành phố hiện có dịch sẽ được triển khai tiêm, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang.
♦ PV: Những người nào được tiêm và không nên tiêm vắc-xin Covid-19, thưa BS?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Những người được chỉ định tiêm gồm những người từ 18 tuổi trở lên. Với các đối tượng được tiêm, liều khuyến cáo là 2 liều tiêm bắp, cách nhau 8-12 tuần với 0,5ml/liều.
Phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng vắc-xin nếu lợi ích của việc tiêm phòng vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi. Phụ nữ cho con bú cũng được tiêm nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm.
Người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch sẽ được tiêm nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc có nguy cơ mắc bệnh nặng; không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm.
Người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó cũng được chỉ định tiêm dù có hay không có triệu chứng.
Người đang mắc Covid-19 sẽ tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.
Người có tiền sử điều trị trước đó bằng kháng thể kháng Covid-19 được tiêm sau 90 ngày.
Người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền cần tiêm vắc-xin vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Bên cạnh đó, những người có tiền sử có phản ứng dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin thì không nên tiêm. Ngoài ra, vắc-xin này hiện không khuyến cáo dùng cho người dưới 18 tuổi.
♦ PV: Vắc-xin này có hiệu quả như thế nào trong phòng, chống Covid-19 và có những tác dụng phụ nào không?
BS Huỳnh Hữu Dũng: Theo thông tin của nhà sản xuất, hiệu quả vắc-xin AstraZeneca là 76% mũi 1 và 90% mũi 2. Như bất kỳ loại vắc-xin nào khác, AstraZeneca cũng sẽ có một tỷ lệ rất nhỏ những phản ứng phụ. Các phản ứng sau tiêm là rất ít, có thể kiểm soát nếu phát hiện sớm và xử trí đúng cách, kịp thời. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì trước, trong và sau khi tiêm chủng, ngành chuyên môn được tập huấn và thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, tổ chức tư vấn, khám sàng lọc và theo dõi sức khỏe, phản ứng sau tiêm.
Sau thời gian triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bị đông máu sau tiêm. Hiện một số địa phương có vài trường hợp phản ứng sau tiêm. Đa số những người này đều gặp phản ứng thông thường sau tiêm đã được khuyến cáo như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn, sau đó sức khỏe đã ổn định.
Tại Long An, từ ngày 11/3 đến nay, với số lượng vắc-xin được phân bổ tiêm cho đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, hiện đã tiêm được 205/227 người, đạt trên 90%. Hiện chưa ghi nhận trường hợp phản ứng sau tiêm. Thời gian tới, dự kiến tỉnh sẽ tiêm cho 9 đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, sau đó triển khai tiêm cho toàn dân trong tỉnh theo tiêu chuẩn quy định về độ tuổi cũng như đối tượng tiêm theo quy định của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
♦ PV: Xin cảm ơn BS!./.
Phạm Ngân (thực hiện)