Nhưng có điều chắc chắn rằng, sự lan tỏa ấy không những do gắn liền với những chiến công mà khởi đầu là trận “Hỏa hồng Nhựt Tảo” của người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực, mà nó còn được chắp cánh từ những vần thơ, khúc nhạc đi cùng năm tháng từ trong lịch sử hào hùng trong hai cuộc kháng chiến của mảnh đất này.
Hiện thực phong phú, giàu chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tấm lòng kiên trung, nồng hậu của nhân dân Long An trong 2 cuộc kháng chiến trở thành một hấp lực kỳ lạ đối với văn nghệ sĩ cách mạng, trong đó có nhà thơ Hoài Vũ. Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Ðình Vọng, sinh ngày 25-8-1935 tại Quảng Ngãi. Từ cuối 1963, lúc phong trào văn nghệ kháng chiến ở Long An chuyển biến và lớn mạnh lên theo phong trao cách mạng cho đến ngày thắng lợi 1975.
, Hoài Vũ khi ấy là Ủy viên thường trực Hội văn nghệ “R”, đã có mặt hầu khắp từ vùng bưng biền Đồng Tháp Mười đến miền hạ “chân trời bát ngát”, từng trải qua những thời điểm gian khổ, ác liệt nhất, đã sống, chiến đấu và những tác phẩm lần lượt ra đời mà như ông thổ lộ là sự kết tinh từ những tấm lòng của chính ông, của đồng đội và của nhân dân trên mảnh đất “trung dũng kiên cường” ác liệt và đầy nghĩa tình này.
Và trong rất nhiều tác phẩm thơ, văn, truyện ký của Hoài Vũ viết về Long An, như 4 tập thơ là Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn; các tập truyện như Tiếng sáo trúc, Rừng dừa xào xạc, Quê chồng, Bông sứ trắng, Vườn ổi...; 10 bút ký Bên Sông Vàm Cỏ…, có lẽ bài thơ Vàm Cỏ Đông để lại ấn tượng sâu sắc nhất.
Một đêm trong lần đầu tiên từ “R” về miền hạ chiến trường Long An năm 1963, Hoài Vũ cùng Giang Nam qua sông Vàm Cỏ Đông trong sự rập rình của tàu địch, về giấu mình trong một chòi vịt ở giữa đồng thuộc xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ. Đêm ấy, Giang Nam viết bài thơ Qua sông Vàm Cỏ, còn Hoài Vũ hoàn thành bài thơ Vàm Cỏ Đông. Bài thơ Vàm Cỏ Đông, một trong những bài thơ tình hay nhất trong nền thơ chống Mỹ, có sức sống mãnh liệt qua thời gian, trở thành một phần biểu tượng hào hùng và lãng mạn của mảnh đất “trung dũng kiên cường” đã ra đời như thế và được gửi ra miền Bắc không lâu sau đó được Đài tiếng nói Việt Nam phát đi trên cả nước.
Năm 1966, giữa lúc Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc, trong một đêm khuya mùa hè, nhạc sỹ Trương Quang Lục (khi ấy đang là kỹ sư hóa chất của Nhà máy Super photphat Lâm Thao) nghe được bài thơ Vàm Cỏ Đông trong chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam. Ông xúc động, miên man suy nghĩ, trước khi ngủ, giở tờ báo Văn Nghệ vừa mới nhận được lúc chiều, lại chợt thấy đăng bài thơ Vàm Cỏ Đông. Ông ngồi bật dậy, đọc đi đọc lại, vừa đồng cảm lại vừa tâm đắc vì ở tận miền Bắc xa xôi lại có người gợi lên một dòng sông xanh mát quanh năm ở tận miền Nam với tất cả tấm lòng tha thiết, thủy chung cùng ý chí kiên cường chống giặc,...
Và ca khúc Vàm Cỏ Đông ra đời chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ ngay trong đêm ấy. Hai người cùng quê Quảng Ngãi khúc ruột miền Trung nhưng chưa từng gặp mặt, một người là nhạc sĩ tập kết ra miền Bắc xa xôi, một người là nhà thơ đang chiến đấu ở miền Nam, lại có cùng đồng cảm sâu xa về hình ảnh con sông quê hương ở một vùng đất để rồi bài thơ Vàm Cỏ Đông sau khi phổ nhạc với giai điệu nồng nàn tha thiết, giàu chất trữ tình và sâu lắng có sức lay động lớn góp phần thôi thúc thanh niên ra trận.
Đã có nhiều câu chuyện hết sức cảm động về những cánh thư gửi về miền Bắc rằng con đang chiến đấu ở nơi mà bố mẹ nghe trên Đài tiếng nói Việt Nam bài hát “Vàm Cỏ Đông” để rồi nay bài hát ấy trở thành một phần không thể thiếu để vơi đi nỗi niềm của bao bà mẹ đã gửi con mình vĩnh viễn nằm lại trên vùng đất đôi dòng Vàm Cỏ.
Sau ngày giải phóng miền Nam, soạn giả Huyền Nhung lấy cảm hứng và ý tưởng từ ca khúc Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục phổ thơ Hoài Vũ, sáng tác bài tân cổ giao duyên Dòng sông quê em, 2 nghệ sĩ đầu tiên trình bày là Thanh Tuấn và Lệ Thủy đem đến những xúc cảm ngọt ngào làm cho bài hát nhanh chóng chiếm trọn cảm tình của giới mộ điệu và ngày nay có một chỗ đứng vững chắc trong đời sống âm nhạc cải lương và đời sống tinh thần nhân dân.
Sông Vàm Cỏ Đông gắn liền với nhều ca khúc nổi tiếng, ngoài bài Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục, phổ thơ Hoài Vũ được sử dụng làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, còn có Lên ngàn (Hoàng Việt), Anh ở đầu sông, em cuối sông (nhạc Phan Huỳnh Điều, phổ thơ Hoài Vũ), Dòng sông và tiếng hát (Nguyễn Nam), Anh lại về bên sông Vàm Cỏ (Lưu Cầu), Vàm Cỏ thương nhớ (Duy Hồ)… Vọng cổ, ngoài Dòng sông quê em (lời Huyền Nhung, nhạc Trương Quang Lục, phổ thơ Hoài Vũ) còn có Bên sông Vàm Cỏ (Trọng Nguyễn), Anh ở đầu sông, em cuối song (lời Mai Thanh Phượng, nhạc Phan Huỳnh Điều, phổ thơ Hoài Vũ)…
Thật khó để thấy hết sự lan tỏa của Vàm Cỏ Đông từ mọi góc nhìn. Xin mượn một câu chuyện bình dị của đời thường để kết thúc bài viết. Một buổi chiều năm 1994 trong chuyến công tác khai quật di chỉ khảo cổ Lộc Giang (Đức Hòa), TS. Ngô Thế Phong (Viện Đông Nam Á, Hà Nội) bảo tôi rằng có dịp, cậu hãy cho anh ấy một lần tắm mát trên sông Vàm Cỏ Đông. Tôi phì cười, chẳng phải anh đang tắm trên sông Vàm Cỏ Đông đó sao. Trên đường về nơi nghỉ ngơi ở nhà một người dân, bỗng giọng ai đó vang lên trong xóm nhỏ: “… Từ buổi quen nhau anh thường kể cho em nghe chuyện màu xanh trên dòng sông Vàm Cỏ …”. Anh hỏi tôi có phải người ta hát bài Vàm Cỏ Đông. Không, bài Dòng sông quê em, cũng là Vàm Cỏ Đông nhưng thể loại vọng cổ anh à. Một nét biểu cảm bất chợt đầy ngạc nhiên và thích thú thật khó tả trên gương mặt anh khiến tôi phải suy ngẫm lẽ nào Vàm Cỏ Đông có sức lan tỏa đến như vậy sao./.
Nguyễn Tấn Quốc