Vào các dịp lễ, tết, Đoàn xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa tổ chức cho đoàn viên, học sinh đến thắp hương, ôn lại truyền thống tại Khu lưu niệm Tiểu đoàn 261 - Giron
Người cựu chiến binh gần 70 tuổi vui vẻ kể: “Đi đâu tôi cũng hay để ý tìm giống hoa, cây cảnh đẹp đem về trồng trong KLN, một phần vì tôi yêu thích cây cảnh, một phần vì muốn giữ cho KLN luôn sạch, đẹp để khách tham quan dù có đến bất ngờ cũng thấy nơi lưu niệm một tiểu đoàn anh hùng luôn tươm tất”. Ông A chăm sóc KLN Tiểu đoàn 261 - Giron với sự tận tụy của người lính và tình cảm của những người đồng đội dành cho nhau.
Tiểu đoàn chủ lực Khu 8
Khu vực được chọn làm KLN Tiểu đoàn 261 - Giron trước đây chỉ là khoảng đất trống, có phần cằn cỗi do nắng gió vùng biên giới. KLN thuộc khu vực Trấp Tre, nơi năm xưa Tiểu đoàn chủ lực của Khu 8 chính thức được thành lập và dần trở thành nỗi ám ảnh với quân thù.
Sau chiến thắng của phong trào Đồng Khởi, quân Mỹ điên cuồng càn quét, đánh phá vùng giải phóng với ý định tiêu diệt lực lượng vũ trang còn non yếu của ta. Điều đó đòi hỏi Quân khu 8 (hoạt động ở 7 tỉnh: Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong, An Giang) phải có lực lượng chủ lực đủ mạnh để đẩy lùi bọn địch trong tình hình mới. Ngày 02/01/1961, Tiểu đoàn 261 chính thức thành lập tại Trấp Tre, tỉnh Kiến Tường (nay là xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa).
Biên chế ban đầu của Tiểu đoàn chỉ có 2 đại đội và 1 trung đội trợ chiến, vũ khí chủ yếu là chiến lợi phẩm thu được của địch, đạn dược và quân trang hạn hẹp. Tuy nhiên, tinh thần chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ đều rất cao. Vừa chiến đấu, vừa huấn luyện và bổ sung lực lượng, Tiểu đoàn 261 đã làm nên nhiều chiến công vang dội.
Trận Ấp Bắc ghi dấu Tiểu đoàn 261 - Giron
Một trong những trận đánh ghi đậm dấu ấn của Tiểu đoàn là trận Ấp Bắc oai hùng. Năm 1961, Mỹ thực hiện “chiến tranh đặc biệt” với tham vọng “bình định miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng”. Chúng càn quét, gom dân, cô lập nhân dân và cách mạng. Lực lượng địch được bổ sung trực thăng vũ trang, xe tăng lội nước,...
Thời điểm đó, ta bị đánh phá nhiều, chủ yếu do bị tấn công bằng trực thăng. Để phá thế kìm kẹp của địch, Tiểu đoàn 261 phân tán về các địa phương, hỗ trợ đồng bào phá ấp chiến lược. Nhiều lần ta phá được chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận” của địch, làm tiền đề cho chiến thắng Ấp Bắc lịch sử.
Bức tranh Chiến thắng Ấp Bắc được trưng bày tại nhà tưởng niệm Khu lưu niệm Tiểu đoàn 261 - Giron
Sáng ngày 02/01/1963, biết một số lực lượng của ta về đóng tại Ấp Bắc, địch huy động thủy, lục, không quân đánh ta với máy bay trực thăng, xe tăng lội nước, lính dù,... Theo Nhật ký của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Minh Nhuận (Bảy Đen), trong trận Ấp Bắc, địch sử dụng 2 trung đoàn bộ binh với 27 đại đội, 35 máy bay, 13 xe tăng lội nước, 13 tàu chiến, pháo, cối và trên 30 tấn bom đạn, bom napalm.
Phía ta chỉ có Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261 được chia thành 3 trung đội với súng ngắn, đại liên, súng trường, 1 súng cối có 9 trái đạn,... và một số lực lượng phối hợp. Với lực lượng áp đảo và vũ khí tối tân, quân Mỹ nghĩ chắc chắn sẽ giành chiến thắng trên chiến trường Ấp Bắc. Sách Tiểu đoàn 261 - Giron Quân khu 8 (1961-1975) có đoạn chép: “Tưởng ngon ăn, chúng còn mời rất nhiều nhà báo, phóng viên đến trận địa nhằm ghi lại “những hình ảnh, những chiến công,...” mà chúng tin là sẽ đạt được”.
Tuy nhiên, Tiểu đoàn 261 cùng các đơn vị địa phương, du kích đẩy lùi nhiều đợt tấn công trên không, trên bộ, đường thủy của địch, gây tổn thất nặng nề cho chúng: Phá hủy 3 xe tăng và bắn rơi 8 trực thăng.
Chiến thắng Ấp Bắc báo hiệu sự thất bại chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận” của địch. Chiến thắng Ấp Bắc nhanh chóng vang danh khắp miền Nam và cả trên thế giới. Chính phủ và nhân dân Cuba đã tặng Tiểu đoàn lá cờ Giron (cờ chiến thắng khi nhân dân và quân đội Cuba đánh tan quân Mỹ tại bãi biển Giron) và khẩu cối 12 ly thu được trong trận đánh ấy. Từ đó, Tiểu đoàn 261 chính thức có tên Tiểu đoàn 261 - Giron.
Sau trận Ấp Bắc, địch rơi vào thế bị động, ta giải phóng từng vùng rộng lớn, tổ chức nhiều trận công đồn thành công. Lực lượng Tiểu đoàn 261 - Giron được bổ sung, hoàn thiện, tổ chức nhiều trận công đồn ở khắp các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Hầu như các trận công đồn, ta đều tiêu diệt gọn quân thù, thu được nhiều chiến lợi phẩm: Vũ khí, đạn dược, máy thông tin liên lạc,... để trang bị cho đơn vị. Tinh thần và khí thế chiến đấu của Tiểu đoàn lên cao. Cuối năm 1967, do yêu cầu tác chiến, quân khu quyết định thành lập chiến đoàn rồi phát triển thành trung đoàn, sư đoàn. Tiểu đoàn 261 - Giron trở thành đơn vị của Sư đoàn 8, sau đó là Sư đoàn 330. Tiểu đoàn vẫn là đơn vị chủ công của trung đoàn, sư đoàn và luôn duy trì khẩu hiệu “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm” cho đến ngày hòa bình, thống nhất.
Trấp Tre ngày ấy - bây giờ
Sau bao năm hòa bình, thống nhất, quê hương có nhiều đổi mới. Vùng Trấp Tre xưa dân cư thưa thớt, đồng không mông quạnh đã trở thành vùng quê trù phú, no ấm. Những tuyến đường trải nhựa, nền đường 8m chạy dọc các dòng kênh bao quanh cánh đồng lúa, ruộng dưa, đem lại sự ấm no cho người dân. KLN Tiểu đoàn được xây dựng gồm bia và nhà tưởng niệm với tổng diện tích trên 3.000m2. Bên trong nhà lưu niệm, ngoài bàn thờ Bác còn có khu vực trưng bày một số tranh, ảnh về tình cảm hữu nghị Việt Nam - Cuba. Khuôn viên KLN rực rỡ sắc hoa, cây râm bóng mát suốt quanh năm.
Từ cổng vào đến bia và nhà lưu niệm đều được quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp. Không gian xinh đẹp, yên tĩnh bên những cánh đồng trải dài trù phú tạo nên bức tranh hoàn hảo về một góc vùng biên yên bình. Đó là kết quả mà lớp lớp cha anh nói chung và Tiểu đoàn 261 - Giron nói riêng đã góp phần xây dựng. KLN Tiểu đoàn 261 - Giron như lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của nền hòa bình, độc lập. Đó còn là bằng chứng cho tinh thần đoàn kết quân - dân Nam bộ, toát lên tinh thần yêu nước của quân và dân ta.
Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn vệ sinh tại khu lưu niệm Tiểu đoàn 261-Giron
Để ghi nhớ công ơn của người đi trước, hàng năm, Lễ kỷ niệm ngày thành lập Tiểu đoàn 261 - Giron được UBND xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa tổ chức trang nghiêm, ấm cúng với sự tham gia của các cựu chiến binh Tiểu đoàn xưa, cán bộ, người dân địa phương. Lịch sử hào hùng được nhắc lại để thế hệ sau ghi nhớ và tiếp nối.
Phó Bí thư Đoàn xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa - Võ Trung Nghĩa cho biết: “Trong Lễ kỷ niệm thành lập Tiểu đoàn, lực lượng Đoàn Thanh niên tham gia công tác chuẩn bị. Qua đó, đoàn viên, học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử địa phương. Ngoài ra, hàng năm, vào các dịp lễ, tết, Đoàn xã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh đến dọn dẹp KLN, thắp hương và ôn lại truyền thống”.
Giờ đây, về Tân Hiệp, hỏi KLN Tiểu đoàn 261- Giron hầu như ai cũng biết. Địa danh ấy đã trở nên phổ biến, gần gũi, là một phần không thể thiếu của người dân vùng biên giới./.
Quế Lâm