Ngăn ngừa dịch bệnh
Sau khi có kế hoạch VSTĐKT trên địa bàn tỉnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chủ động triển khai thực hiện. Từ đầu năm 2018, huyện lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát tất cả đàn GSGC tại địa phương nhằm phát hiện và có hướng xử lý kịp thời nếu nghi ngờ có dịch bệnh.
Tiêu độc, khử trùng góp phần ngăn ngừa các bệnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành liên quan, các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc Tháng VSTĐKT đạt kế hoạch. |
Xã Hưng Điền hiện có hơn 4.000 con GS, trên 52.000 con GC. Xã luôn quan tâm, thực hiện nghiêm túc VSTĐKT nhằm bảo vệ đàn GSGC. Ngoài những hộ được hỗ trợ miễn phí thuốc sát trùng, những hộ không nằm trong diện này cũng được ngành chức năng hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi của gia đình để tiêu trừ mầm mống dịch bệnh. Mặt khác, cán bộ Chăn nuôi và Thú y xã, huyện phối hợp các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển GSGC từ Campuchia sang.
“Tôi nuôi 15 con trâu vỗ béo để phát triển kinh tế gia đình. Được cán bộ Chăn nuôi và Thú y xã, huyện hướng dẫn vệ sinh chuồng trại thật kỹ, di dời các vật dụng xung quanh trước khi phun thuốc sát trùng, gia đình tôi ý thức cao, năm nào cũng thực hiện tốt. Bởi, điều này giúp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi cũng như sức khỏe gia đình” - ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Hưng Điền, chia sẻ.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: “Huyện luôn thực hiện nghiêm túc VSTĐKT ở những khu vực chăn nuôi trên địa bàn, góp phần tiêu diệt các mầm bệnh, ngăn ngừa bệnh dịch phát sinh. Đợt 1/2018, huyện có kế hoạch phun 260 lít thuốc sát trùng tại 2.384 hộ chăn nuôi và 14 khu vực công cộng. Phòng tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí để sớm hoàn thành theo kế hoạch của tỉnh”.
Tại huyện Tân Trụ, các ngành chức năng phối hợp thực hiện tốt VSTĐKT. Người dân ý thức cao, những hộ nằm ngoài chương trình tự giác đăng ký hoặc mua thuốc sát trùng về phun xịt tại khu vực chăn nuôi của gia đình. Ông Nguyễn Hữu Dự, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng, nói: “Gia đình tôi chăn nuôi heo từ nhiều năm nay, tổng đàn hơn 70 con. Nhờ ngành chức năng hướng dẫn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và phun thuốc sát trùng, tiêu diệt mầm mống dịch bệnh nên tôi chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn heo. Ngoài ra, gia đình tôi còn đăng ký với địa phương để được phun xịt thuốc sát trùng cho đàn GS theo đợt mỗi khi ngành khuyến cáo”.
Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Trụ - Trần Văn Ngộ thông tin: Những năm qua, huyện làm tốt VSTĐKT nên việc chăn nuôi của người dân trên địa bàn thuận lợi, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Đợt 1/2018, huyện dự kiến phun gần 200 lít thuốc sát trùng tại 1.941 hộ chăn nuôi. Hiện, trạm triển khai kế hoạch, chuẩn bị thực hiện.
An tâm chăn nuôi
Tiêu diệt, ngăn ngừa, hạn chế lây lan dịch bệnh nhờ thực hiện tốt VSTĐKT giúp người chăn nuôi an tâm phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình. Bà Trần Thị Hiền, ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, vui vẻ: “Gia đình tôi nuôi khoảng 1.000 con gà thịt. Chúng tôi chủ động phối hợp cán bộ Chăn nuôi và Thú y huyện, xã để được phun thuốc sát trùng xung quanh chuồng trại của gia đình. Việc làm này được duy trì tốt từ nhiều năm qua. Từ đó, người chăn nuôi an tâm hơn”.
Ngoài những hộ chăn nuôi GSGC, người nuôi tôm cũng quan tâm vệ sinh, xử lý ao nuôi của gia đình và chủ động phối hợp tốt ngành chức năng trong việc phòng, chống dịch bệnh. “Gia đình tôi được cán bộ chuyên môn của huyện, tỉnh hướng dẫn tận tình trong việc này. Bất kỳ thắc mắc, khó khăn liên quan đều được hỗ trợ, giải đáp. Vì vậy, người nuôi tôm không phải lo lắng nhiều. Khi vệ sinh, xử lý ao nuôi bảo đảm đúng quy trình, người nuôi nắm chắc 50% thành công trong vụ mới. Gia đình tôi hiện nuôi 1ha tôm (tính luôn ao lắng)” - ông Phan Văn Kiếu, ngụ xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, cho biết.
Được sự hướng dẫn, người dân chủ động phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi của gia đình
Theo Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cần Đước - Nguyễn Minh Công, tại địa phương, ngoài chăn nuôi GSGC, người dân còn nuôi tôm để phát triển kinh tế. Những năm qua, việc VSTĐKT cho các hộ chăn nuôi được thực hiện tốt, hạn chế các dịch bệnh, nông dân an tâm sản xuất. Riêng đối với người nuôi tôm, trước mỗi vụ, cán bộ của trạm phối hợp tỉnh hướng dẫn cách vệ sinh, xử lý ao nuôi theo tiêu chuẩn và kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi thả nuôi. Trạm đang trình kế hoạch, tham mưu huyện bố trí kinh phí thực hiện Tháng VSTĐKT. Đợt 1/2018, dự kiến phun 370 lít thuốc sát trùng tại 3.609 hộ chăn nuôi và 5 khu vực công cộng”.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - Phan Ngọc Châu đánh giá: “Những năm qua, nhờ làm tốt VSTĐKT góp phần ngăn ngừa dịch bệnh trên GSGC, giúp người dân an tâm chăn nuôi. Thông thường, mỗi năm tiến hành 2 đợt. Riêng năm 2018, đợt 1 triển khai còn gặp khó khăn do nhiều địa phương chưa kịp bố trí kinh phí để thực hiện (những năm trước, kinh phí từ tỉnh; năm nay, tỉnh chỉ hỗ trợ thuốc sát trùng). Chi cục báo cáo, tham mưu để cấp trên hướng dẫn và sớm hoàn thành kế hoạch Tháng VSTĐKT trên địa bàn”./.
Tháng VSTĐKT đợt 1/2018 trên địa bàn tỉnh thực hiện từ ngày 15/3 đến 15/4, phun xịt khoảng 4.500 lít thuốc sát trùng. Những hộ có quy mô chăn nuôi gia cầm dưới 2.000 con; heo từ 50 con trở xuống; trâu, bò dưới 20 con; chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn; nơi công cộng; khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu; hố sát trùng khu vực đường mòn, lối mở nơi biên giới; các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu; Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh sẽ hỗ trợ thuốc sát trùng theo quy định. |
Thanh Mỹ