Công tác vệ sinh phòng bệnh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những việc quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Vì vậy, Bác đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào phong trào “Vệ sinh yêu nước”.
Hưởng ứng ngày “Vệ sinh yêu nước”, hàng năm, ngành Y tế Long An ban hành kế hoạch đến các cơ sở y tế trực thuộc phối hợp các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể địa phương thực hiện các hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân và chuyển thành các hoạt động cụ thể vệ sinh cá nhân, môi trường liên quan đến sức khỏe.
Học sinh vệ sinh lớp học phòng chống dịch bệnhTheo đó, các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm,… bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như truyền thông trực tiếp qua hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ, loa đài. Ngành Y tế còn phối hợp vận động nhân dân xóa bỏ dần các tập quán, hủ tục lạc hậu gây mất vệ sinh không có lợi cho sức khỏe cộng đồng dân cư.
Các địa phương đã phát động phong trào sử dụng nước sạch và giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Các huyện: Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Bến Lức, Tân Trụ và Thạnh Hóa hỗ trợ 220 hộ gia đình ở các xã dự kiến đạt nông thôn mới trong năm 2017 xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Các địa phương vận động các hộ gia đình không phóng uế, vứt rác bừa bãi; thu gom và xử lý chất thải theo quy định nhằm tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.
Phong trào được các cơ sở y tế xem đây là nhiệm vụ quan trọng thực hiện chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kiến Tường - Bác sĩ Chung Văn Kiều cho biết: “Hưởng ứng phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, Trung tâm chỉ đạo 8 Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại các điểm trường, trong đó chọn Trường Mẫu giáo Hướng Dương làm điểm tổ chức Ngày hội rửa tay bằng xà phòng phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, trung tâm phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Qua loa đài, tư vấn trực tiếp người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, chúng tôi còn tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng ở các xã, phường. Vì vậy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn luôn ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Từ đầu năm 2017 đến nay, thị xã chỉ ghi nhận 10 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và 10 ca tay - chân - miệng”.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng, chống dịch bệnh
Nhờ tuyên truyền, vận động nên người dân thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, ngụ xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa chia sẻ: “Việc vệ sinh nhà ở và môi trường xung quanh luôn được gia đình tôi quan tâm. Gia đình tôi thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Zika và nhắc nhở các con thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống bệnh tay - chân - miệng. Đồng thời, tôi còn vận động người dân xung quanh xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không vứt rác thải bừa bãi làm ô nhiễm môi trường”.
Bằng những việc làm thiết thực trong thực hiện phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” đã tác động tích cực đến việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân./.
Việc tổ chức phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe mỗi người dân, mỗi gia đình. Mục tiêu phong trào năm 2017, phấn đấu có 100% các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và triển khai các hoạt động; 100% các hoạt động hưởng ứng phong trào được hướng dẫn và giám sát; 75% hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trạm y tế xã ở nông thôn có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. |
Ngọc Mận