Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh hàng năm của tỉnh đều tăng. (Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Thế Hùng, ấp 1 xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ tỉnh đầu tư). Ảnh: Thanh Mỹ
Qua rồi thời khó khăn
Trước đây, ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới,… nguồn nước người dân sử dụng chủ yếu là nước mặt từ các con sông, kênh, rạch nhưng chất lượng không bảo đảm, thường bị nhiễm phèn, mặn, nhiễm các chất độc hại làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh tại những vùng này rất cấp bách và đặt ra vấn đề lớn đối với tỉnh. Sau khi khảo sát, tỉnh có chủ trương, cho đầu tư xây dựng các trạm cấp nước để phục vụ người dân, đặc biệt ưu tiên những nơi nhu cầu bức bách nhất.
Xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ - một trong những xã khó khăn về nước hợp vệ sinh, người dân ở đây sử dụng nước giếng khoan (tự phát không được hướng dẫn), nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Trước thực tế trên, tỉnh đầu tư xây dựng 5 trạm cấp nước và hướng dẫn khoan giếng (những nơi trạm cấp nước chưa cấp được), lắp đặt hệ thống lọc bảo đảm để người dân sử dụng.
Ông Nguyễn Thế Hùng, ngụ ấp 1, xã Bình Hòa Nam, phấn khởi: “Bây giờ sử dụng nước hợp vệ sinh chúng tôi mừng lắm, chứ trước đây rất khổ, nước nhiễm phèn nặng, ngửi mùi là sợ nhưng phải nhắm mắt sử dụng. Khi tỉnh có chủ trương đầu tư trạm cấp nước cho ấp, tôi xung phong hiến hơn 110m2 đất để đặt trạm, người dân trong ấp cùng nhau kéo đường ống dẫn nước về tận nhà. Trạm cấp nước này được đầu tư năm 2010, kinh phí hơn 700 triệu đồng, khoan sâu tới 300m, hơn 130 hộ dân trong ấp đang sử dụng, nước đảm bảo, nhờ vậy cuộc sống của chúng tôi bớt vất vả”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nam – Nguyễn Đức Uyên, trước đây, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh rất thấp, bây giờ xã đạt khoảng 96,6%. Toàn xã có 5 trạm cấp nước nhưng chưa cấp đủ cho người dân, thời gian tới, xã kiến nghị lên trên để đầu tư thêm 4 trạm cấp nước, để phục vụ người dân.
Tại xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, các trạm cấp nước hợp vệ sinh cũng được xây dựng, phục vụ cho người dân. Bà Nguyễn Thị Êm, ngụ ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng chia sẻ: “Lúc trước, người dân chủ yếu sử dụng nước sông, kênh, rạch. Mỗi lúc nước lên hoặc nước xuống, nguồn nước bị ô nhiễm nặng và dễ xảy ra dịch bệnh tiêu chảy. Từ khi địa phương được đầu tư nhiều trạm cấp nước bảo đảm nguồn nước hợp vệ sinh cho nhân dân sử dụng, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi vì không còn lo lắng về nguồn nước”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Chí Hùng thông tin: “Hàng năm, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đều tăng. Đến thời điểm này, toàn huyện có 98% tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, với 41 trạm cấp nước. 2% còn lại, hầu hết do người dân sống xa các tuyến dân cư hoặc ở xa đường ống dẫn nước. Tuy nhiên, huyện cũng tạo điều kiện cho người dân khoan giếng hoặc dùng xe chuyên chở nước hợp vệ sinh về tận nhà”.
Trạm cấp nước Tân Quy Thượng, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa đầu tư trên 1 tỉ đồng, đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Ảnh: Thanh Mỹ
Năm 2015 toàn tỉnh có 1.626 trạm cấp nước, khu vực nông thôn có 1.410 công trình, cấp nước máy cho người dân nông thôn đạt 68,1%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 94% (tăng 3,5% so với năm 2012) trong đó, xã đạt tỷ lệ cao nhất 100%, xã thấp nhất 22,5% và ước đến cuối năm 2016, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,8%. |
Phấn đấu hoàn thành
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh một số nơi, người dân vẫn thiếu nước hợp vệ sinh để sử dụng, điều đó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Các cấp, các ngành liên quan luôn quan tâm và tìm giải pháp để đưa nước hợp vệ sinh về với người dân. Các dự án cấp nước ở các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc, Cần Đước (một trong những nơi thiếu nước trầm trọng vào mùa khô từ nhiều năm qua) đang được triển khai; tỉnh luôn theo dõi sát việc thực hiện dự án, có kế hoạch, giải pháp để sớm đưa nước hợp vệ sinh phục vụ người dân nơi đây.
Còn tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, một số người dân sử dụng nước bị phèn, cũng đã khảo sát và đầu tư xây dựng trạm cấp nước tại ấp Tân Quy Thượng với kinh phí trên 1 tỉ đồng, công trình hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Tại huyện Đức Huệ - địa bàn được tỉnh đầu tư rất nhiều trạm cấp nước, mỗi năm tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đều tăng. Theo Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, do dân cư ở rải rác theo ruộng nên việc cấp nước tập trung khó khăn, nước ở đây nhiễm phèn, nhiễm sắt, các giếng khoan có độ sâu trung bình từ 280m - 300m, kinh phí để khoan giếng khá lớn nên tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của người dân khá thấp. Hàng năm, huyện tập trung khảo sát, xin chủ trương đầu tư các trạm cấp nước nên hiện nay địa bàn có trên 90% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh.
Năm 2016, tỉnh đầu tư 28 công trình trạm cấp nước hợp vệ sinh nông thôn với kinh phí khoảng 62 tỉ đồng (50 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh và 12 tỉ đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới), hiện khối lượng giá trị thực hiện hơn 33,6 tỉ đồng, đạt 54% kế hoạch đề ra.
Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt & Vệ sinh môi trường nông thôn – Hà Văn Thiệp thông tin: “Những năm qua, tỉnh đầu tư các trạm cấp nước hợp vệ sinh với kinh phí rất lớn, trong đó huyện Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng,… là những địa phương được đầu tư nhiều nhất. Việc đầu tư trạm cấp nước hợp vệ sinh ưu tiên cho các nơi thiếu nước sử dụng, nhu cầu lớn tại các xã nông thôn, xã nông thôn mới. Để đạt chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, dựa vào nguồn lực của tỉnh, trung tâm tham mưu cấp trên xây dựng kế hoạch trung hạn theo từng năm, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch đề ra"./.
Thanh Mỹ - Lê Ngọc