Hết lòng vì người dân biên giới
Thiếu tá, y sĩ Nguyễn Duy Thuần, SN 1975, quê quán xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Quân y 2, TP.HCM, anh được phân công công tác tại Đồn Biên phòng (ĐBP) Bến Phố. Từ năm 2001-2003, anh được luân chuyển đến công tác tại ĐBP Mỹ Thạnh Tây và Long Khốt (tỉnh Long An). Đến năm 2004, anh được điều động về lại ĐBP Bến Phố đến nay, với nhiệm vụ nhân viên quân y, phụ trách Phòng khám quân dân y kết hợp của đơn vị.
Thiếu tá, y sĩ Nguyễn Duy Thuần khám bệnh cho người dân
Với Thiếu tá Nguyễn Duy Thuần, biên giới như một điều thiêng liêng, sâu nặng ngay từ ngày đầu được điều động về nơi đây. Trong quá trình làm việc, bằng năng lực của bản thân, anh luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thiếu tá Thuần chia sẻ: “Là cán bộ quân y, tôi tâm niệm rằng, tất cả cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị hay người dân biên giới, đã là người bệnh đến đây, tôi đều tận tình cứu chữa”.
Với tinh thần xung kích của người chiến sĩ, bằng những việc làm cụ thể, anh luôn được đồng đội và người dân yêu mến, tin tưởng. Trong khám và điều trị bệnh cho người dân, với cái tâm của người thầy thuốc, anh không ngại khó khăn, gian khổ, không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, bất kỳ thời điểm nào trong ngày, khi được tin có người bị đau ốm, anh luôn có mặt kịp thời để thăm khám và điều trị bệnh cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Cán bộ quân y ĐBP Bến Phố đã cấp cứu được nhiều người khỏi cơn nguy kịch. Niềm tin của người dân ngày càng được củng cố. Vì thế, hễ trong ấp có người ốm đau thì thường tìm đến Phòng khám quân dân y kết hợp để được chẩn đoán và điều trị”.
Với những việc làm cụ thể, anh Nguyễn Duy Thuần luôn được đồng đội và người dân yêu mến, tin tưởng
Qua thời gian công tác tại Phòng khám quân dân y kết hợp của ĐBP Bến Phố, hình ảnh Thiếu tá Nguyễn Duy Thuần thăm khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho người dân vùng biên nơi đây trở nên quen thuộc. Hiện trung bình mỗi tháng, phòng khám và chữa bệnh cho hàng chục lượt nguời dân. Trường hợp người dân không thể đến phòng khám, cán bộ quân y đến tận nhà để khám, điều trị bệnh. Cùng với phương thức chữa bệnh bằng Tây y, Thiếu tá Thuần còn trồng, chăm sóc vườn cây thuốc Nam để phục vụ người dân, nhằm giảm chi phí điều trị các bệnh thông thường.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Trí - Chính trị viên ĐBP Bến Phố, cho biết: "Công tác tại đơn vị nhiều năm, đồng chí Nguyễn Duy Thuần luôn nhiệt tình, tâm huyết với nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân biên giới. Ngoài ra, đồng chí Thuần còn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân về phòng, chống dịch bệnh".
Với những thành tích đã đạt, nhiều năm liền, Thiếu tá Nguyễn Duy Thuần được các cấp, các ngành tặng giấy khen. Với anh, không có niềm vui nào khi giờ đây vùng biên giới đã đổi thay, đời sống có nhiều khởi sắc, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.
Gắn kết tình quân - dân
Thiếu tá, y sĩ Kiều Thành Phê - nhân viên quân y, ĐBP Sông Trăng, có 31 năm tuổi quân, 28 năm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng đội và người dân vùng biên giới. Quá trình công tác, không chỉ "chắc tay súng" cùng đồng đội giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, anh còn là thầy thuốc mang quân hàm xanh được người dân biên giới yêu thương.
Thiếu tá, y sĩ Kiều Thành Phê bám địa bàn tuyên truyền người dân phòng, chống các bệnh thông thường
Anh Phê nhớ có lần một bệnh nhân trong quá trình phun thuốc cho lúa bị ngộ độc thuốc trừ sâu được gia đình đưa đến Phòng khám quân dân y kết hợp của đơn vị trong tình trạng nguy kịch (mạch nhanh nhỏ, huyết áp tuột, lơ mơ), sau khi xử lý cấp cứu kịp thời (truyền nước biển, tiêm thuốc), bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Theo anh Phê, đối với thầy thuốc, việc đầu tiên là ý thức nghề nghiệp, y đức trong sáng, gần gũi, chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình. Bản thân phải luôn trau dồi, học tập, nghiên cứu để nắm vững nghiệp vụ chuyên môn, góp phần phục vụ thiết thực trong công việc hàng ngày của một thầy thuốc.
Cùng với việc khám, chữa bệnh, anh Phê còn thường xuyên bám địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp giữ gìn vệ sinh, cách phòng, chống các loại bệnh thông thường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phòng, chống các loại dịch bệnh; chủ động phối hợp các tổ chức, cá nhân tăng cường công tác khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí.
Thiếu tá, y sĩ Kiều Thành Phê khám phúc tra sức khỏe cho tân binh
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo chỉ đạo của cấp trên, anh cùng CBCS đơn vị tích cực tuyên truyền người dân trên địa bàn đơn vị phụ trách hiểu rõ về dịch bệnh; cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn và hướng dẫn người dân phương pháp vệ sinh để phòng, chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, anh cùng CBCS tăng cường công tác phòng, chống xuất, nhập cảnh, phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép, qua test nhanh phát hiện một số trường hợp dương tính với Covid-19, phối hợp địa phương tổ chức cách ly kịp thời.
Thời gian công tác tại đơn vị với vai trò, nhiệm vụ của một quân y, anh luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong đơn vị, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng lưu mẫu thức ăn, quân số khỏe của đơn vị luôn đạt trên 98,5%.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Linh - Chính trị viên ĐBP Sông Trăng, cho biết: “Thiếu tá, y sĩ Kiều Thành Phê luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với trách nhiệm của mình, anh luôn quan tâm đến sức khỏe của đồng đội và được người dân địa bàn đóng quân yêu mến vì sự tận tụy trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân”.
Tâm huyết với công tác chuyên môn, bằng những việc làm thiết thực, Thiếu tá Kiều Thành Phê đã tạo được lòng tin, sự quý mến của người dân, góp phần cùng đơn vị xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới./.
Văn Đát