Các đối tượng và người bị hại giao dịch chuyển khoản
Tôi đã bị lừa như thế nào?
Sinh viên mới ra trường, người lao động thường gửi thông tin, CV (sơ yếu lý lịch) qua các trang mạng để tìm việc làm. Lợi dụng điều này, các đối tượng đăng ký tài khoản và tạo các thông tin tuyển dụng cho những vị trí tốt phù hợp với ngành học của người tìm việc với mức lương khá cao (từ 10-15 triệu đồng) và không yêu cầu kinh nghiệm hoặc kinh nghiệm dưới 1 năm, kèm theo nhiều phúc lợi hấp dẫn, nhất là làm việc online (trực tuyến). Đánh vào tâm lý cần tìm việc làm, các đối tượng tiếp cận người xin việc và bắt đầu dụ "con mồi".
Từ hồ sơ đã tạo sẵn trước đây trên trang vieclam***.com, chúng tôi được một tài khoản tự xưng là nhân sự Công ty (Cty) TNHH An Phát Financial giới thiệu về công việc bán thời gian với mức thu nhập từ 8-12 triệu đồng/tháng. Theo giới thiệu, đây là Cty hợp tác với các kênh YouTube lớn, nhiệm vụ của người làm chỉ là xem và like các video của kênh; sau đó, chụp màn hình gửi cho phía Cty để được nhận thù lao 15.000 đồng cho mỗi lần xem và like. Tiếp theo, các đối tượng gửi cho chúng tôi lần lượt 3 đường dẫn đến kênh YouTube khác để thực hiện 3 nhiệm vụ và xác nhận hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn tạo tài khoản Telegram, kết bạn với kế toán, cung cấp số tài khoản ngân hàng để nhận tiền thù lao. Hoàn thành 3 nhiệm vụ này, chúng tôi nhận được 45.000 đồng từ số tài khoản NGUYEN VAN VUI. Khi tham gia vào một nhóm trò chuyện trên ứng dụng Telegram, có rất nhiều thành viên liên tục gửi ảnh hoàn thành nhiệm vụ và xác nhận đã nhận được tiền thù lao. Điều này đã "củng cố niềm tin" cho những người mới gia nhập đội ngũ.
Nhiệm vụ các đối tượng giao
Chúng tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ đánh giá 5 sao cho các địa điểm trên ứng dụng Google Maps và nhận được thù lao 45.000 đồng. Khi thấy "cá đã cắn câu", các đối tượng giao cho chúng tôi các nhiệm vụ khác. Để tăng số tiền thù lao nhận được sau mỗi lượt đánh giá, like, đối tượng yêu cầu người làm "cọc" từ 100.000-1 triệu đồng để được hưởng mức hoa hồng 30% và được tặng thêm 50.000 đồng. Sau khi chuyển 100.000 đồng vào tài khoản ngân hàng tên chủ thẻ là TUOT SA PHI, chúng tôi được phân công tạo một tài khoản thông qua đường dẫn được các đối tượng gửi qua (gọi là NAMU); đồng thời, làm theo hướng dẫn của tài khoản giám đốc tên LY DAI THANG thì thù lao nhận được là 180.000 đồng. Sau khi nhận được số tiền này, nhiều người sẽ mất cảnh giác. Đánh vào tâm lý đó, các đối tượng tiếp tục giao thêm 3 nhiệm vụ đánh giá 5 sao các địa điểm trên Google Maps và thanh toán thêm 45.000 đồng sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ. Xen kẽ nhiệm vụ đánh giá 5 sao là nhiệm vụ Task Google và với mức hoa hồng như cũ, tuy nhiên, số tiền người làm phải nạp vào sẽ tăng lên từ 250.000-8,5 triệu đồng. Tiền thù lao sau những lần thực hiện nhiệm vụ sẽ là 220.000 đồng.
Đến đây, nhiều người chọn phương án "cọc" số tiền lớn để được hưởng mức hoa hồng và thù lao cao. Đến thời điểm nhất định, đối tượng sẽ xóa tài khoản Zalo, Telegram đã liên hệ và chiếm đoạt toàn bộ số tiền "cọc" của người làm. Nếu người làm dừng lại giữa chừng, các đối tượng gọi điện thoại dụ dỗ, đưa ra nhiều bằng chứng "người thật, việc thật" đã kiếm được vài chục triệu đồng từ hình thức này. Chúng tạo ra một mạng lưới, có nhiều tài khoản vào nhóm chat xác nhận đã kiếm nhiều tiền từ việc làm này nhằm tạo lòng tin và dụ "con mồi" vào tròng.
Cẩn thận trước chiêu lừa tinh vi
Chị V.T.H. (23 tuổi, ngụ TP.HCM) bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt trên 7 triệu đồng với hình thức đánh giá, like rồi "cọc" tiền như thế. Không chỉ chị T.H. mà còn nhiều người khác cũng "sập bẫy" với hình thức "việc nhẹ, lương cao". Đánh vào tâm lý cần việc làm, các đối tượng đã dẫn dắt người tìm việc vào "ma trận" việc làm online rồi lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Lướt mạng xã hội hoặc vào những trang tìm việc online, nếu thiếu cảnh giác sẽ rất dễ bị lừa. Thậm chí, các đối tượng còn trà trộn vào trong những hội, nhóm trao đổi kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn để dụ dỗ những người tìm việc.
Vấn đề đặt ra là ai quản lý những tài khoản này và làm thế nào để tránh bị lừa? Thật ra, rất khó để quản lý các tài khoản này, bởi đa số các đối tượng dùng tài khoản ảo và sau khi đã lừa, chiếm đoạt được tiền của người làm, chúng xóa tài khoản cũng như những thông tin, giao dịch trước đó giữa 2 bên.
Sự phát triển của mạng xã hội mở ra cơ hội nghề nghiệp cho nhiều người, nhất là những người làm nội dung, bán hàng online nhưng hoàn toàn không có "việc nhẹ, lương cao" như việc xem clip có tiền, đánh giá 5 sao cho shop để nhận tiền,... tất cả chỉ là những chiêu lừa với hình thức "thả con tép bắt con tôm". Khi nhận được lời mời làm việc online dưới hình thức đánh giá sản phẩm, website, like kênh YouTube, mọi người cần nâng cao cảnh giác, nhất là khi được yêu cầu tham gia nhóm Telegram, Zalo,... chuyển tiền "cọc" để nhận việc làm. Khi tham gia làm cộng tác viên cho Cty, đơn vị nào đó, người làm cần kiểm tra tính xác thực từ nhiều nguồn. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật./.
Chí Đang