Các quảng cáo "việc nhẹ lương cao" nhan nhản trên mạng xã hội
Nhiều trường hợp sập bẫy
Công an TP.Hà Nội đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 3,2 tỉ đồng, nạn nhân là chị Nguyễn Thị L. (quận Thanh Xuân). Trước đó, chị L. được mời làm CTV bán hàng hưởng hoa hồng cao. Theo hướng dẫn, chị cài đặt ứng dụng "Lark", tạo tài khoản và bắt đầu làm nhiệm vụ. Sau 2 lần nạp tiền vào tài khoản (366.000 đồng và 375.000 đồng), chị nhận được thông báo được 1 triệu đồng tiền hoa hồng.
Thấy kiếm tiền đơn giản, chị L. tiếp tục thực hiện 4 nhiệm vụ và nạp tổng số tiền 80 triệu đồng nhưng sau đó các đối tượng yêu cầu nạp số tiền lớn hơn mới được rút tiền. Chị L. tiếp tục nạp thêm trên 200 triệu đồng thì các đối tượng báo, chị L. cài sai ID tài khoản. Để chứng minh mình không sai, chị L. nạp thêm trên 300 triệu đồng nữa mới được giải ngân. Sau nhiều lần, chị L. đã chuyển tổng số 3,24 tỉ đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng vẫn không nhận được tiền. Biết mình bị lừa, chị L. đến công an trình báo vụ việc.
Trường hợp khác, chị T. (quận Hoàn Kiếm) cũng bị các đối tượng lừa đảo 2,5 tỉ đồng; chị K. (quận Đống Đa) cũng mất trên 1 tỉ đồng; chị N.T.L. (TP.Tuyên Quang) cũng bị lừa gần 700 triệu đồng từ bẫy “việc nhẹ lương cao”;...
Mới đây, Bộ Công an đã khởi tố 23 đối tượng trong nhóm tội phạm xuyên quốc gia, lừa đảo hàng ngàn tỉ đồng thông qua hình thức tuyển CTV làm việc online trên Internet rồi dụ dỗ họ chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng để đặt mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử giả mạo các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,...
Thủ đoạn tinh vi
Để lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, đầu tiên, các đối tượng gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho “khổ chủ”, tự xưng là CEO marketing của một số sàn thương mại điện tử đang ăn nên làm ra như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,... Với giọng điệu ngọt ngào, họ dụ dỗ nạn nhân làm CTV “chạy đơn hàng” và chi trả hoa hồng “khủng”, “việc nhẹ lương cao” để nạn nhân "chui vào bẫy". Hoặc họ lập trang web, đăng bài chạy quảng cáo trên mạng xã hội với những từ khóa hấp dẫn như “làm việc tại nhà”, “không cần ôm hàng”, “không cần bỏ vốn”, “được phép trả hàng”, hưởng từ 10-20% lợi nhuận sau mỗi đơn hàng.
Khi tuyển được “CTV”, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền đặt cọc mua đơn hàng trước và sau đó trả lại cả gốc lẫn lãi. Nhằm dẫn dụ con mồi, những đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, chúng sẽ nhanh chóng chi trả hết sức sòng phẳng, không thiếu 1 xu cả tiền gốc và “hoa hồng” như thỏa thuận nhằm “thả thính” để dụ “con mồi” thực hiện cấp độ lừa đảo cao hơn, giá trị hơn. Khi “CTV” chuyển tiền thực hiện giao dịch đơn hàng có giá trị cao, chúng bắt đầu “hốt bẫy” với nhiều lý do như mã lệnh sai, thao tác sai, chưa hoàn thành nhiệm vụ, hệ thống bị lỗi, đang bảo trì, nâng cấp,... thậm chí còn yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển tiền nếu muốn nhận lại số tiền đã chuyển trước đó. Nhiều nạn nhân vì muốn lấy lại số tiền mua sản phẩm ban đầu nên cứ làm theo, tiếp tục nạp tiền rồi bị chiếm đoạt. Cuối cùng là bị chặn liên lạc, khóa tài khoản mạng xã hội, chỉ biết “bắc thang lên hỏi ông trời, tiền chuyển cho shop có đòi được không”.
Cảnh giác để tránh mắc bẫy
Với "mồi nhử" hấp dẫn như mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch đến 20% nên nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Trước thực tế tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Internet tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, người dân cần tỉnh táo khi nhận được lời mời chào tham gia “việc làm online”; chủ động phòng, tránh thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để chủ động phòng ngừa và tránh mắc bẫy “việc nhẹ lương cao”, chúng ta nên nhớ rằng “phía sau miếng mồi ngon là cái lưỡi câu sắc bén”, nếu có một khoản chi hoa hồng khủng 20% trên mỗi đơn hàng thì chắc chắn rằng không đến lượt bạn. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác để tránh mắc bẫy.
Người dân cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên để tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Trung Dũng