Tiếng Việt | English

07/09/2022 - 09:30

'Việc nhẹ, lương cao' tại Campuchia: Thực chất là gì?

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đăng tải các tin, bài tuyển dụng lao động trên mạng xã hội hoặc trực tiếp gặp gỡ, rủ rê, lôi kéo, dẫn dắt người lao động sang Campuchia làm việc với lời hứa “việc nhẹ, lương cao” kèm theo những chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thậm chí còn cho “ứng trước” tiền để lo chi phí xuất cảnh,... 

Tin vào lời “đường mật”, nhiều người lao động trong và ngoài tỉnh đã đồng ý sang Campuchia làm việc. Thực chất làm “việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia là gì?

Theo Bộ Công an, sau khi qua Campuchia, người lao động bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo,... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 giờ/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 - 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã can thiệp, hỗ trợ pháp lý cho gần 2.000 trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khăn, trong đó bảo hộ, đưa về nước khoảng 500 trường hợp bị dụ dỗ sang lao động bất hợp pháp và đang hỗ trợ rất nhiều trường hợp người Việt khác hiện bị giam giữ tại Campuchia trở về nước.

Trước thực trạng người lao động bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng..., các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết được thủ đoạn lừa đảo, rủi ro và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Campuchia; kêu gọi người dân tố giác những đối tượng lôi kéo, môi giới, tổ chức người đi xuất cảnh lao động trái phép, mua bán người để ngăn chặn, xử lý. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin quảng bá, tìm kiếm, lôi kéo, môi giới trái phép. Chủ động phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây xuất cảnh trái phép; xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia để lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến. Bên cạnh đó, cần tổ chức phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, cho cam kết gia đình không có người tham gia hoạt động mua bán người, động viên nạn nhân và gia đình tố giác tội phạm.

Đặc biệt, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, không mất chi phí đi lại,... của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Trước những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”, người lao động hãy nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình để tránh "tiền mất, tật mang"./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết