Vụ lúa ĐX 2023-2024, nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng gieo sạ được 29.368ha (đạt 103,8% kế hoạch). Năng suất bình quân đạt 71,6 tạ/ha (lúa khô, đạt 101,3% kế hoạch), sản lượng đạt hơn 210.000 tấn (đạt 105,1% kế hoạch).
Chi phí sản xuất lúa bình quân 24,5 triệu đồng/ha (cao hơn 1,1 triệu đồng/ha so với cùng kỳ). Giá bán bình quân từ 7.700 (cao hơn 1.300 đồng/kg so với cùng kỳ). Lợi nhuận bình quân ước đạt 30,6 triệu đồng/ha (cao hơn 7,3 triệu đồng/ha so với cùng kỳ).
Tình hình dịch bệnh trên cây lúa (chuột, đạo ôn cổ bông, rầy phấn trắng, rầy nâu,...) xuất hiện tỷ lệ, mật độ thấp, gây hại cục bộ không đáng kể. Riêng đối tượng sâu năn phát triển mạnh trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, với diện tích nhiễm khoảng 1.000ha, tỷ lệ nhiễm từ 15% - 40%. Ngành chuyên môn đã kịp thời hướng dẫn, cùng với kinh nghiệm của nông dân nên phòng, trị đạt hiệu quả cao, các trà lúa nhiễm bệnh đều hồi phục, phát triển tốt, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.
Thị trường tiêu thụ lúa tuy có nhiều biến động, nhưng nông dân tiêu thụ lúa tương đối thuận lợi, không xảy ra thương lái chèn ép giá, bỏ cọc. Giá bán dao động từ 7.200 - 8.400 đồng/kg (tùy theo giống), có thời điểm nông dân bán được giá từ 8.500 - 9.400 đồng/kg.
Toàn huyện có hơn 26.000ha lúa được hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản, chiếm 89% diện tích gieo trồng. Trong đó, liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp có gần 3.400ha, chiếm 11,7%; liên kết giữa nông dân với thương lái có gần 23.000ha, chiếm 77,3% diện tích toàn huyện.
Huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và các địa phương triển khai thực hiện 450ha lúa ứng dụng công nghệ cao, nâng luỹ kế diện tích ứng dụng công nghệ cao từ năm 2017 đến nay là 10.573ha, đạt 89,6% kế hoạch, giai đoạn 2020-2025.
Trong vụ ĐX 2023-2024 ngành chuyên môn đã tổ chức 77 cuộc hội thảo, 25 cuộc tập huấn chuyển giao kha học kỹ thuật cho nông dân; triển khai 1 mô hình thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (diện tích 1ha) và 1 mô hình canh tác lúa thông minh chống biến đổi khí hậu (diện tích 2ha)…
Tập trung cho sản xuất Hè Thu 2024
Theo nhận định của huyện Vĩnh Hưng, sản xuất lúa vụ Hè Thu (HT) 2024 trên địa bàn huyện khả năng đối mặt với những khó khăn như tình hình khí hậu, thủy văn diễn biến thất thường, đặc biệt là khô hạn, nắng nóng kéo dài; dịch bệnh có nguy cơ bùng phát; thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định,... sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất.
Nông dân huyện Vĩnh Hưng vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xuống giống lúa vụ Hè Thu 2024
Vụ lúa HT 2024, huyện có kế hoạch xuống giống diện tích 28.300ha, năng suất đạt 53 tạ/ha, sản lượng đạt 150.000 tấn. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng, để bảo đảm lúa vụ HT 2024 đạt thắng lợi, UBND huyện chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo và Bảo vệ sản xuất huyện, UBND các xã , thị trấn và các đơn vị có liên quan tập trung củng cố và duy trì hoạt động, thường xuyên bám sát địa bàn giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng để hạn chế cỏ dại, lúa chét, cày vùi rơm rạ tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu bệnh lây lan; tuyên truyền nông dân thực hiện nghiêm túc việc gieo sạ tập trung, đúng lịch thời vụ.
Theo đó, lịch thời vụ lúa vụ HT 2024, đợt 1 từ 24/4 - 04/5/2024 dương lịch (16/3 - 26/3/2024 âm lịch), do giai đoạn này ảnh hưởng khô hạn, nắng nóng lúa sẽ cho năng suất không cao nên chỉ khuyến cáo xuống giống tại các vùng trũng thấp không có đê bao; đợt 2 từ 22/5 - 01/6/2024 dương lịch (15/4 - 25/4/2024 âm lịch), tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; đợt 3 từ 20/6-30/6/2024 dương lịch (15/5-25/5/2024 âm lịch) tại các vùng có đê bao an toàn.
Về cơ cấu giống, ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, đề xuất của doanh nghiệp, thương lái thu mua, trong vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập hạn, mặn, phèn.
Các giống lúa chủ lực: Nhóm lúa thơm, đặc sản, chiếm 15% - 25% (Nàng Hoa 9, RVT, ST 24, ST 25,VD 20,...); nhóm nếp, chiếm 25 - 35%; nhóm lúa chất lượng cao, chiếm 40% (Đài thơm 8, OM 5451, OM 4900, OM 18, OM 6976,...); nhóm chất lượng trung bình, chiếm 5% (IR 50404, OM 1352,...). Khuyến cáo người dân sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha để giảm chi phí sản xuất./.
Văn Đát