Vụ lúa Đông Xuân thắng lợi
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa, vụ lúa ĐX 2023-2024, toàn huyện gieo sạ được 21.255/20.870ha, đạt 101,84% kế hoạch, tăng 431ha so với vụ lúa ĐX 2022-2023. Trong đó, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân ưu tiên lựa chọn các loại giống lúa có chất lượng cao như OM18 với diện tích 14.413ha, Đài thơm 8 diện tích 4.700ha, nếp 1.793ha, ST25 với 250ha. Ngoài ra, người dân cũng lựa chọn các loại giống lúa khác như IR50404, OM5451, VD20, Nàng Hoa 9.
Ông Đỗ Văn Dũng (thị trấn Bình Phong Thạnh) cho biết: “So với mọi năm, tình hình sản xuất lúa năm nay tương đối thuận lợi. Gia đình tôi đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa ĐX. Dù giá bán có giảm so với thời điểm trước nhưng trừ chi phí, trung bình mỗi hécta, gia đình tôi có lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng”.
Còn theo ông Nguyễn Minh Triều (xã Bình Hòa Trung), những năm qua, nông dân sản xuất lúa rất thuận lợi khi chủ động được việc gieo sạ với hệ thống bơm điện, hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, nông dân còn được hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Nhờ vậy, những vụ gần đây, sản xuất lúa luôn cho năng suất cao, nông dân luôn có lợi nhuận.
Sản lượng lúa Đông Xuân huyện Mộc Hóa đạt 150.485 tấn, lợi nhuận bình quân của người dân đạt 28,5 triệu đồng/ha
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong toàn huyện đã thu hoạch xong vụ lúa ĐX. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Lê Hùng Nhớ thông tin: “Năm nay, tình hình tiêu thụ lúa tương đối thuận lợi, giá bán lúa có biến động nhưng không xảy ra tình trạng tồn đọng.
Thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá bán lúa dao động từ 9.000-9.500 đồng/kg. Sau tết, bình quân giá bán lúa từ 7.800-8.200 đồng/kg. Với giá bán lúa hiện tại, nông dân có lợi nhuận khoảng 28,5 triệu đồng/ha. Đặc biệt, tại các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, sản xuất lúa theo hướng VietGAP, lợi nhuận của nông dân khoảng 35 triệu đồng/ha”.
Trong vụ lúa ĐX, huyện triển khai, thực hiện 2 mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại ấp Gò Dồ với diện tích 53,3ha/29 hộ dân tham gia và tại ấp Hòa Hiệp, xã Bình Hòa Tây với diện tích 51ha/27 hộ dân tham gia. Qua thu hoạch, năng suất đạt 7,5 tấn/ha, giá bán 8.000 đồng/kg cho giống OM18.
Từ việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, giảm chi phí đầu vào giúp nông dân tham gia mô hình có lợi nhuận 34,5 triệu đồng/ha. Ngành Nông nghiệp huyện còn phối hợp tỉnh triển khai mô hình điểm sản xuất lúa theo hướng VietGAP vụ ĐX tại ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây với diện tích 50ha, lợi nhuận ước đạt 35 triệu đồng/ha.
Hướng đến thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu
Bên cạnh vụ lúa ĐX thắng lợi, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp huyện tập trung hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, diện tích rau màu là 425,6ha với các loại cây trồng chủ yếu như dưa hấu, sen, rau má,... Riêng dưa hấu có diện tích trồng lớn với 363,5ha, năng suất bình quân ước đạt 24 tấn/ha, sản lượng đạt 8.724 tấn. Qua rà soát, các loại rau màu được chuyển đổi trên đất trồng lúa đều cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân trên cùng 1 diện tích sản xuất.
Đối với cây lâu năm, hiện trên địa bàn huyện có 566,89ha. Trong đó, diện tích cây ăn quả lâu năm là 443,5ha với các loại cây như mít 229,46ha, thanh long 63,36ha, sầu riêng 42,7ha, chuối 36,8ha, xoài 29,96ha,... Hiện có khoảng hơn 333ha trồng cây ăn quả lâu năm cho thu hoạch. Ngoài ra, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tiếp tục có những bước phát triển, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Ngành Nông nghiệp huyện Mộc Hóa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu, bệnh trên cây lúa
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa, bên cạnh những thuận lợi, tình hình thời tiết, khí hậu, sâu, bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng, vật nuôi. Riêng đối với sản xuất lúa, các đối tượng bệnh đạo ôn lá, rầy cánh trắng và rầy nâu tăng diện tích nhiễm do thời tiết nắng nóng, ẩm độ cao, có sương mù vào sáng sớm và đa số lúa đang ở giai đoạn đòng, trổ nên tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này phát sinh, phát triển và gây hại.
Đối với diện tích cây hàng năm xuất hiện bọ trĩ trên dưa hấu, bệnh chết cây con trên cây rau má, thối ngó trên sen và một số dịch hại khác. Tuy nhiên, các đối tượng xuất hiện với tỷ lệ và mật độ thấp. Trên diện tích cây lâu năm, các đối tượng như ruồi đục quả, bệnh thán thư trên thanh long, xì mủ trên sầu riêng có xuất hiện nhưng với tỷ lệ và mật độ thấp.
“Từ tình hình trên, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn cử cán bộ thường xuyên thăm đồng để khuyến cáo cho nông dân cách phòng, trị kịp thời cũng như tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc và phòng, trị bệnh trên cây lúa, các loại cây hàng năm và cây ăn quả” - ông Lê Hùng Nhớ thông tin thêm.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND huyện, tập trung tổ chức sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, giữ vững năng suất, chất lượng nông sản gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện chủ động cập nhật thường xuyên, kịp thời diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, lũ, triều cường, hạn, xâm nhập mặn, xây dựng các giải pháp ứng phó trước những diễn biến bất thường của thời tiết nhằm bảo vệ lúa, cây ăn quả khi nước lũ về sớm và nước mặn xâm nhập, bảo đảm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp trong năm 2024./.
Nhật Minh