Tiếng Việt | English

29/07/2023 - 08:50

Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có mấy loại?

Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây ra do vector truyền qua vết đốt từ muỗi vằn mang mầm bệnh.

Sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever, DHF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus gây bệnh (giống muỗi Aedes aegypti). Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, chủ yếu tập trung tại những khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của muỗi. Trước đây, trẻ em là đối tượng chủ yếu mắc sốt xuất huyết Dengue, nhưng hiện tại rất nhiều trường hợp người lớn cũng mắc bệnh và nguy cơ tử vong khá cao. Cho đến nay, chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết Dengue. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi sau khoảng một tuần. Đối với những trường hợp nặng, việc điều trị bệnh chủ yếu là hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.

Những triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue tương tự như cúm, thường kéo dài khoảng từ 2 - 7 ngày. Sau khi bị đốt bởi muỗi mang mầm bệnh, các triệu chứng thường chưa xuất hiện ngay mà theo sau bởi một thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày. Sốt cao (40°C) là biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết, kèm theo ít nhất hai trong số những triệu chứng sau, bao gồm:

- Phát ban da

- Nhức đầu

- Đau hốc mắt

- Buồn nôn, nôn

- Sưng hạch bạch huyết

- Đau mỏi các cơ, xương và khớp.

Giai đoạn biến chứng nghiêm trọng thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 7 sau khi khởi phát triệu chứng. Vào lúc này, thân nhiệt giảm, song điều đó không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngược lại, bệnh nhân cần được tích cực theo dõi, vì bệnh có nguy cơ tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue thể nặng, đặc biệt với những dấu hiệu cảnh báo như sau:

- Cơn đau bụng cấp

- Nôn ói dai dẳng

- Chảy máu chân răng

- Nôn ra máu

- Thở gấp, thở ngắn

- Mệt mỏi, bứt rứt, suy kiệt.

Khi nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết Dengue tiến triển nặng, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời, bởi vì: Tình trạng thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc, ứ dịch, suy hô hấp; xuất huyết nặng; suy tạng nặng. Những triệu chứng này có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị đúng cách và kịp thời.

Virus gây bệnh sốt xuất huyết có mấy loại?

Sốt xuất huyết Dengue gây ra bởi 1 trong 4 loại huyết thanh virus gần gũi nhưng khác nhau về mặt kháng nguyên, được ký hiệu là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Loại virus này thuộc chi Flavivirus. Bệnh nhân nhiễm một loại virus sẽ tạo nên miễn dịch suốt đời với loại virus đó, tuy nhiên cơ thể chỉ có thể chống lại chính loại huyết thanh virus đó mà thôi. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể mắc sốt xuất huyết Dengue nhiều hơn một lần trong đời do mắc phải các loại huyết thanh virus khác nhau, nhất là những người sống trong vùng lưu hành dịch Dengue.

Sự lây lan về mặt địa lý của vector truyền bệnh là muỗi và cả virus gây bệnh dẫn đến sự tăng cao tỷ lệ bệnh trong hàng chục năm qua cũng như khả năng bùng phát dịch và diễn biến ngày càng phức tạp do nhiều loại huyết thanh virus Dengue khác nhau ở những đô thị trong vùng nhiệt đới.

Muỗi vằn được xem là trung gian truyền bệnh chủ yếu. Loại muỗi này thường tập trung ở những nơi bùn lầy, nước đọng xung quanh nhà, những vùng ẩm thấp, tối tăm trong nhà./.

CTV Vũ Gia/VOV.VN (Biên dịch)

Chia sẻ bài viết