Bác sỹ tại Bệnh viện Xanh Pôn khám cho một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nặng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nắng nóng kéo dài, cộng thêm diễn biến thời tiết bất thường do hiện tượng El Nino (thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều) là nguyên nhân chủ yếu của nhiều dịch bệnh lây lan, đặc biệt là các bệnh liên quan đến sốt xuất huyết.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Đáng lưu ý, qua điều trị thực tế, các bác sỹ gặp tình trạng bệnh diễn biến nặng của người bệnh sốt xuất huyết như ho ra máu, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, màng bụng, tụt huyết áp…
Kê thêm giường vì quá nhiều bệnh nhân
Những ngày gần đây, số lượng người mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị gia tăng đột biến tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E).
Từ tháng 7/2023, mỗi ngày phòng khám Khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận khoảng 20 người bệnh mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5-10 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị trong đó có không ít phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền.
Chị N.N.H. (ở phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mang thai 6 tuần mắc sốt xuất huyết. Sản phụ nhập viện với triệu chứng sốt ngày thứ 2, sốt cao liên tục, mệt nhiều, tức bụng, buồn nôn, ra máu âm đạo bất thường.
Lúc đầu, bệnh nhân H. lầm tưởng bị mắc bệnh cúm và một số bệnh khác nên không điều trị, chỉ đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng như li bì, lạnh đầu chi mới vào viện điều trị trong tình trạng mạch nhanh, hạ huyết áp.
Bệnh nhân N.K.T (41 tuổi, ở phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang điều trị sốt xuất huyết ngày thứ 3 tại Khoa Bệnh nhiệt đới cho hay trong gia đình chị có 2 người mắc sốt xuất huyết. Chị chủ quan vì bản thân đã mắc sốt xuất huyết vài lần nên đến ngày thứ 6 với các triệu chứng trong tình trạng nặng như sốt cao, đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng nhiều… không thấy đỡ nên đi khám và các bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị.
Bác sỹ Đào Văn Cao - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) cho hay phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết thường có nguy cơ diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng. Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết có thể sinh non, con nhẹ cân, xuất huyết khi sinh và sau sinh. Sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai giai đoạn đầu nguy hiểm. Virus sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của mẹ, gây ra rối loạn đông máu, giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu. Dễ dẫn đến sảy thai, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu. Ngoài ra, sốt xuất huyết vào giai đoạn chuyển dạ có thể gây băng huyết sau sinh do bệnh làm giảm tiểu cầu. Nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho sản phụ và thai nhi.
“Hiện không có vaccine dự phòng sốt xuất huyết cho phụ nữ mang thai và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên các sản phụ mắc sốt xuất huyết nên đến bệnh viện đa khoa để có sự kết hợp chuyên môn giữa khoa: sản, bệnh nhiệt đới để theo dõi, điều trị kịp thờ, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra,” bác sỹ Cao nhấn mạnh.
Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo bác sỹ Đào Văn Cao, tính đến nay, tại Khoa Bệnh nhiệt đới đang theo dõi và điều trị cho gần 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Cách đây 3 tháng đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện, nhưng mấy ngày gần đây, cao điểm số người mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới lên đến 30-40 người, chiếm hơn 50% số người bệnh đang điều trị tại khoa này. Đối với những người bệnh đã được điều trị ổn định, các bác sỹ ở khoa Bệnh Nhiệt đới đã cho gần 200 người bệnh xuất ra viện.
Bác sỹ Đào Văn Cao cho rằng, những cảnh báo của ngành y tế về dịch sốt xuất huyết đã khiến người dân có ý thức hơn trong việc đi khám và điều trị sớm khi mắc căn bệnh này. Do đó, số lượng người bệnh đến khám đã tăng lên đáng kể. Mặc dù số lượng bệnh nhân đông nhưng do chủ động phòng chống dịch, kê thêm giường xếp cho bệnh nhân tại các phòng bệnh đã hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép.
Cả nước ghi nhận gần 47.000 ca mắc bệnh
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận gần 47.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 11 trường hợp tử vong.
11 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Nai (4 ca), Phú Yên (2 ca), Khánh Hòa (1 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (1 ca), Bình Phước (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Gia Lai (1 ca). So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc giảm 60,4% và số ca tử vong giảm 58 trường hợp.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.556 ca mắc (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 320/579 xã, phường, thị trấn. Cũng trong tuần qua, Hà Nội có thêm 19 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh có 8.519 ca bệnh sốt xuất huyết, thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh dự báo theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm tại thành phố, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao trong tháng 7 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 16/7 vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận 750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp tử vong.
Qua điều trị thực tế, các bác sỹ ở Khoa Bệnh nhiệt đới gặp các tình trạng bệnh diễn biến nặng của người bệnh sốt xuất huyết như ho ra máu, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, màng bụng, tụt huyết áp… Vì thế, trước những diễn biến khó lường của bệnh sốt xuất huyết, bác sỹ Đào Văn Cao khuyến cáo, mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột cần vào viện khám ngay, vì bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus do muỗi truyền gây ra, triệu chứng mệt mỏi như mắc cúm mùa nặng và đôi khi gây ra một biến chứng có khả năng gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết nặng. Muỗi vằn là vector truyền bệnh chính của bệnh sốt xuất huyết. Có 4 type huyết thanh của virus gây bệnh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4.
Ở Việt Nam có cả 4 type huyết thanh này, bệnh nhân nhiễm chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy, những người sống trong vùng lưu hành bệnh sốt xuất huyết có thể mắc bệnh lại do các chủng khác gây nên./.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
|
Thùy Giang (Vietnam+)