Tiếng Việt | English

11/11/2015 - 10:51

Võ Công Tồn - "Núi Hai Vì của phương Nam"

Nhà yêu nước Võ Công Tồn, nhân sĩ nổi tiếng trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Ông tên chính là Võ Văn Tồn (sau đổi chữ lót là Công), SN 1891, quê ở làng Long Hiệp, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An); thân sinh là Võ Văn Suốt và Nguyễn Thị Hâm - gia đình từ Phan Thiết với nghề truyền thống hát bộ sớm vào Nam lập nghiệp.

Võ Công Tồn lúc trẻ tính tình hào hiệp, khẳng khái, có khí chất của cụ Hương cả Suốt. Gia đình khá giả (nhà có 2 lò gạch, 2 trại cưa, vài trăm mẫu đất) lại là người con duy nhất, 24 tuổi, ông ra làm hương hào, xã trưởng, rồi hương cả. Năm 1935, nhờ dân chúng tín nhiệm, ông đắc cử vào Hội đồng địa hạt tỉnh Chợ Lớn.
Mấy thập niên đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng của các trào lưu yêu nước chống Pháp, ông sớm tham gia tổ chức Thiên Địa hội, đi phá Khám Lớn - Sài Gòn (1916). Đến khi quen biết Nguyễn An Ninh, ông ủng hộ tài chính cho tờ báo tiến bộ La Cloche Fêleé, và gia nhập Thanh niên cao vọng đảng; là thành viên Ban Lễ tang nhà ái quốc Phan Chu Trinh.

Năm 1927, ông mở chi nhánh Khuyến học hội Nam kỳ ở Gò Đen nhằm giúp đồng bào nâng cao dân trí, đồng thời đem tài sản hỗ trợ các hoạt động yêu nước. Theo tài liệu của gia đình, năm 1928, lẫm lúa nhà Võ Công Tồn chính là nơi Tôn Đức Thắng và thầy đồ Nam (Phạm Văn Đồng) về mở lớp truyền bá tư tưởng chống Pháp.

Sau chuyến đi Pháp cuối năm 1928, Võ Công Tồn cùng Nguyễn Phương Thảo (sau này là Trung tướng Nguyễn Bình), Trần Huy Liệu, Hà Thuận Hồng,... đứng ra thành lập Việt Nam quốc dân đảng ở Nam kỳ, cơ sở nhà ông ở ấp Cá Trê, làng Long Hiệp còn thiết thực giúp đỡ tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên của Nguyễn Ái Quốc(1), thường xuyên nuôi chứa, che chở Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng (bí danh Nam), Nguyễn Xuân Luyện (Cử Luyện).

Vì hoạt động yêu nước, ngày 19-7-1930, ông bị thực dân Pháp bắt giam vào Khám Lớn, rồi đày đi lao động khổ sai ở Hà Tiên 18 tháng. Tại đây, ông được các đồng chí tù cộng sản giác ngộ, từ đó chuyển biến về nhận thức và cộng tác đắc lực với Đảng Cộng sản(2).

Từ năm 1931 đến cuối năm 1939, khu lò gạch và nhà Võ Công Tồn luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng và các nhà hoạt động yêu nước. Ông bí mật cộng tác, nuôi chứa, bảo vệ Nguyễn An Ninh và nhiều đảng viên Cộng sản từ cấp Trung ương, Xứ ủy đến Tỉnh ủy, như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Tây (Nguyễn Thanh Sơn), Phạm Hữu Lầu, Lê Văn Kiệt, Nguyễn Văn Kỉnh, Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Trấn,...

Giai đoạn 1936-1939, khu lò gạch có chi bộ Đảng (do đồng chí Chác làm Bí thư), có trên 300 công nhân sản xuất - kinh doanh; với vị thế của một ông Hội đồng(3), Võ Công Tồn đắc lực cung cấp mọi nguồn tài chính giúp Đảng Cộng sản. Thực hiện kế hoạch của Trung ương Đảng, đầu năm 1937, ông cùng Nguyễn Văn Lộc (Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn) tổ chức in 40.000 tờ truyền đơn để đưa yêu sách đến phái viên J.Godart và toàn quyền Brêvié.

Là Hội trưởng Khuyến học ở địa phương, thành viên của Lâm ủy Đại hội Đông Dương ở miền Nam cùng một số đảng viên cộng sản, năm 1937, Võ Công Tồn được Đảng xem là “cán bộ công khai” cử ra làm Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ nạn đói Bắc kỳ và đứng chân trong “Ủy ban cứu tế dân đói Cà Mau”.

Khi Đảng chủ trương ra tờ báo tiếng Pháp đầu tiên - tờ L'Avant garde (Tiên phong), ông tích cực ủng hộ Đảng về tài chính và giúp nhiều tờ báo công khai khác của phong trào Mặt trận dân chủ. Ông tỏ rõ lập trường đứng hẳn về Đảng Cộng sản khi nổ ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa nhóm Tơ-rốt-xkít – trong tranh luận quan điểm giữa Đệ Tam và Đệ Tứ.

Năm 1939, ông là một trong các sáng lập viên nhà in bí mật của Trung ương Đảng mang tên “Văn hóa thư cuộc” ở Sài Gòn (nhà in thành lập theo chỉ thị mật của đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Đảng lúc bấy giờ), đồng thời giúp Đảng giải quyết khó khăn lớn nhất khi đó là tiền mua giấy in báo Dân Chúng tiếng Việt. Nhà báo Nguyễn Văn Trấn viết về đóng góp của Võ Công Tồn: “Ơn ấy như núi nặng ngàn cân”(4).

Cuối năm 1939, Võ Công Tồn bị mật thám Pháp bắt sau khi ứng cử tiếp vào Hội đồng quản hạt. Ông bị địch đem giam ở Căng Tà Lài (Biên Hòa) cùng với những người cộng sản như: Dương Quang Đông, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Tô Ký, Nguyễn Văn Nguyễn,... và ngày 8-6-1940, bị đày ra Côn Đảo. Do chế độ khắc nghiệt của nhà tù thực dân, ông mất tại Côn Đảo ngày 16-6-1942 trong niềm tiếc thương của nhiều đồng chí cộng sản và bạn hữu đương thời.

Võ Công Tồn là một nhà yêu nước chưa bao giờ sờn lòng. Giáo sư Trần Văn Giàu lúc sinh thời từng nhắc: “Nếu miền Bắc có có núi Ba Vì, thì phương Nam có núi Hai Vì - ấy là Nguyễn An Ninh và Võ Công Tồn. Ông được Đảng xem như ân nhân và đồng bào rất kính trọng”.

Ngày nay, tên tuổi Võ Công Tồn được ghi nhận trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (của Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế, Nhà xuất bản KHXH, 1992) và trong tập “Côn Đảo - Ký sự và tư liệu” - một bộ sách dày 1.103 trang rất có giá trị, xuất bản tại TP.HCM, năm 1996.

Tên của Võ Công Tồn từ năm 1997 được UBND tỉnh Long An ra quyết định đặt ở trung tâm phường 1, TP.Tân An ngày nay. Di tích lịch sử “Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn” được UBND tỉnh Long An ra quyết định bảo vệ từ năm 2000, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia./.

Long Thái

--------------------------------------------
(1) - Theo nhà cách mạng Dương Quang Đông (trong bài phát biểu tại gia đình Võ Công Tồn, ngày 19-6-1994): Năm 1927, Võ Công Tồn đã dùng tài sản riêng mua chiếc tàu “Đại Phúc Kinh” của Hoa Kỳ về sửa chữa, làm phương tiện chở một số hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Nam Bộ vượt biển sang Quảng Châu – Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc; trong số đi có Tôn Đức Thắng, sau trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
(2) - Theo “Giấy chứng nhận” của Nguyễn Chánh Nhì, nguyên Bí thư chi bộ nhà từ Hà Tiên, đề ngày 10-10-1997.
(3) - Năm 1939, ông trúng cử tiếp vào Hội đồng quản hạt Sài Gòn – Chợ Lớn.
(4) - Sách “Chúng tôi làm báo”, Nhà XB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh,1981,tr.177.

Chia sẻ bài viết