Giá lúa giảm mạnh
Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 221.612ha lúa HT (kế hoạch 221.600ha), trong đó, thu hoạch 44.108ha, năng suất khô ước đạt 45,4 tạ/ha, sản lượng 200.814 tấn. Theo thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá thành sản xuất vụ HT 2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long bình quân 3.826 đồng/kg nhưng hiện nay, giá lúa bán tại ruộng chỉ bằng hoặc cao hơn giá thành sản xuất không nhiều. Với mức giá này, nông dân không có lời.
Giá lúa Hè Thu 2019 liên tục giảm, nông dân vô cùng lo lắng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện giá lúa tươi tại ruộng: IR50404 từ 4.000-4.100 đồng/kg; OM các loại (OM4900, OM6976,...) từ 4.200-4.300 đồng/kg; nếp từ 4.800-5.000 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 4.200-4.300 đồng/kg. Giá lúa giảm mạnh so cùng kỳ năm 2018: Lúa IR50404 từ 5.400-5.600 đồng/kg; lúa OM các loại từ 5.800-6.400 đồng/kg; nếp từ 5.800-5.950 đồng/kg.
Ông Lâm Hữu Vinh (xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) cho biết: “Hiện nông dân ở đây bán lúa IR50404 tại ruộng với giá 3.900 đồng/kg, giảm tới 1.500 đồng/kg so với vụ HT 2018. Gia đình tôi sản xuất giống lúa IR50404, khoảng vài tuần nữa thu hoạch. Với giá này, năm nay không có lời. Hiện nay, giá thành sản xuất lúa vụ HT dao động từ 3.600-4.000 đồng/kg, trong khi giá bán ở mức 3.900-4.000 đồng/kg, người dân đang huề vốn, có người phải chịu lỗ”.
Đang thu hoạch 2ha lúa, ông Lê Văn Duy (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) lo lắng vì giá lúa thấp. Ông Duy cho hay: “Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa kết hợp sâu, bệnh ảnh hưởng đến năng suất. Diện tích lúa của gia đình tôi ít bị đổ ngã, không sâu, bệnh, năng suất đạt 5-6 tấn/ha nhưng chi phí sản xuất tăng so với vụ HT 2018. Với giá bán như hiện nay thì những ruộng năng suất thấp hơn cầm chắc lỗ”. Còn anh Dương Văn Thiệp, ngụ cùng địa phương với ông Duy, vừa thu hoạch 2ha, cho biết: Vụ HT này, thời tiết không thuận lợi, diện tích lúa của gia đình tôi bị sâu, bệnh nhiều, năng suất giảm 20-30% so với vụ HT 2018. Thêm vào đó, giá lúa thấp nên sau khi trừ hết chi phí, chỉ lời 400.000 đồng/1.000m2.
Giá lúa Hè Thu 2019 liên tục giảm, nông dân vô cùng lo lắng
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An - Mai Văn On thông tin: “Vụ HT năm nay, toàn huyện gieo sạ trên 29.480ha. Đến nay, nông dân thu hoạch trên 23.400ha, năng suất trung bình 5-6 tấn/ha. Hiện số còn lại đang trong giai đoạn chín, địa phương cũng khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng, thu hoạch kịp thời, tránh thiệt hại do ảnh hưởng sâu, bệnh, thời tiết”.
Nhằm giúp nông dân tìm đầu ra ổn định cho lúa, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”, vụ HT 2019, toàn tỉnh ký hợp đồng liên kết với 25 doanh nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn bao tiêu sản phẩm với diện tích thực hiện 7.714,4ha, 2.677 hộ đăng ký tham gia. Đồng thời, để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất lúa gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh cho biết: “Bộ Công Thương phối hợp Bộ NN&PTNT đề xuất chính sách lên Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa gạo ngay từ đầu vụ để không xảy ra giá giảm sâu. Đề xuất đó là chính sách cho vay và hỗ trợ lãi suất. Ví dụ ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 7%/năm, Nhà nước cho vay với mức lãi suất 6%/năm. Đây là chính sách được xây dựng dài hơi để mỗi khi đến đầu vụ, các doanh nghiệp tự động được hưởng ưu đãi để mua hết lúa gạo cho dân”.
Đề phòng sâu, bệnh
Bên cạnh giá lúa giảm mạnh thì tình hình sâu, bệnh trên lúa HT cũng diễn biến phức tạp. Hiện nay, lúa HT 2019 có 4.177ha nhiễm bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%, xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng ở các huyện: Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An; 2.326ha nhiễm bệnh cháy bìa lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 10-20%, xuất hiện trên lúa giai đoạn trổ chín ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười; 1.735ha nhiễm rầy nâu, mật độ phổ biến 750-1.500 con/m2, tập trung chủ yếu trên lúa giai đoạn đòng trổ - chín; 785ha nhiễm bệnh lem lép hạt; 400ha nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông;...
Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để đề phòng sâu, bệnh
Trước tình hình sâu, bệnh gây hại trên lúa HT, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện đề nghị: “Các đơn vị chức năng phối hợp địa phương tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu, bệnh trên lúa HT, Thu Đông; tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên thăm đồng, chú ý các đối tượng như sâu năn, ốc bươu vàng, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn lá, ngộ độc phèn, chuột, bọ trĩ, đặc biệt trên các trà lúa HT; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình lũ, ngập úng, hạn, mặn cục bộ,... thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi và có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống phục vụ tốt việc tiêu, thoát nước; có kế hoạch phối hợp địa phương triển khai thi công gia cố cấp bách các tuyến đê bao lửng để bảo vệ an toàn sản xuất. Đồng thời, củng cố và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, ban chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá các cấp. Bên cạnh đó, hiện nay, các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã nên vẫn còn tình trạng một số cửa hàng, cơ sở bán sản phẩm không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến việc đầu tư của nông dân và môi trường sinh thái. Chính vì vậy, ngay từ đầu vụ sản xuất, Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV tại các cửa hàng, đại lý trong tỉnh, kết hợp lấy mẫu phân bón, thuốc BVTV để kiểm nghiệm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở, cửa hàng, đại lý vi phạm, bảo đảm cho nông dân sử dụng phân, thuốc hiệu quả trong sản xuất”./.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3%, với trị giá đạt khoảng 1,18 tỉ USD, giảm 20,4% so cùng kỳ năm 2018.
Theo kế hoạch, vụ Hè Thu 2019, toàn tỉnh gieo sạ 221.600ha, phấn đấu năng suất đạt khoảng 49,7 tạ/ha, sản lượng hơn 1,1 triệu tấn.
|
Huỳnh Phong