Trúng mùa, được giá
“Gia đình tôi có 4ha lúa vừa thu hoạch xong, năng suất đạt gần 7tấn/ha, bán liền cho thương lái tại ruộng với giá 5.200 đồng/kg. Mừng lắm, vì giá này cao hơn so với đầu vụ gần 300 đồng/kg” - ông Nguyễn Anh Tuấn, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, vui mừng nói. Cũng như ông Tuấn, anh Nguyễn Văn Tâm, ngụ cùng địa phương, cho biết anh vừa thu hoạch xong hơn 5ha lúa ĐX với giống OM. Thương lái vào tận ruộng mua lúa tươi với giá 5.500 đồng/kg, cao hơn 500 đồng/kg so cùng kỳ năm 2019. Năm nay, thời tiết thuận lợi, lúa ít sâu, bệnh, năng suất cao và giá bán như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, anh có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, nông dân trúng mùa, được giá
Theo ông Nguyễn Văn Út, ngụ xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, vụ ĐX này, nông dân sản xuất lúa được nhiều thuận lợi. Cụ thể, so với năm trước, thời tiết từ đầu vụ đến lúc thu hoạch rất thuận lợi cho cây lúa phát triển, đặc biệt là dịch hại ít xuất hiện, nhờ vậy, giảm công chăm sóc và thuốc bảo vệ thực vật. Ước tính chi phí đầu vào cho vụ ĐX này giảm khoảng 800.000 đồng/ha.
Lúa đạt năng suất cao, bình quân 7-8 tấn/ha, trong khi năm rồi, ruộng trúng lắm chỉ đạt khoảng 6,5 tấn/ha. Cùng chung tâm trạng phấn khởi như ông Út, ông Trần Văn Bảng, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Bên cạnh thời tiết thuận lợi, hầu hết người trồng lúa ở đây đều xuống giống theo lịch thời vụ nên né được rầy. Ngành nông nghiệp, địa phương quan tâm, thường xuyên thăm đồng, kịp thời cảnh báo dịch, bệnh hại lúa để người dân phòng trừ. Không chỉ vậy, đường sá thuận lợi, việc thu mua lúa thuận tiện cả đường bộ lẫn đường thủy. Có thể nói, vụ lúa ĐX năm nay thắng lợi, lúa được mùa, bán được giá nên người trồng lúa ai nấy đều phấn khởi, có động lực tích cực chuẩn bị bước vào vụ sản xuất Hè Thu sắp tới”.
Vụ lúa ĐX 2019-2020, huyện Vĩnh Hưng xuống giống hơn 28.300ha. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết: “Xác định vụ ĐX là vụ sản xuất quan trọng trong năm, bởi điều kiện thời tiết thuận lợi cho đầu tư thâm canh tăng năng suất và sản lượng lúa cao nhất, ngành nông nghiệp cùng với nông dân tích cực làm tốt công tác chuẩn bị cho vụ lúa. Để vụ ĐX sản xuất hiệu quả, trước mùa vụ, phòng đã xây dựng và khuyến cáo nông dân xuống giống theo lịch thời vụ, tổ chức đồng loạt ra quân phòng trừ chuột và sâu, bệnh trước khi bước vào vụ sản xuất. Đồng thời, quan tâm hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất lúa. Bên cạnh đó, phòng còn phân công cán bộ thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình sản xuất, sâu, bệnh trên lúa, kịp thời hỗ trợ nông dân. Đến nay, nông dân trên địa bàn thu hoạch được hơn 17.400ha, năng suất bình quân từ 6-8 tấn/ha, cá biệt có một số diện tích năng suất đạt hơn 8 tấn/ha. Với giá bán hiện tại từ 4.900-6.300 đồng/kg (tùy từng loại giống), nông dân cho lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/ha”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, hiện trong tuần, giá lúa bán tại ruộng ổn định so với tuần trước, cụ thể: Lúa IR 50404 từ 4.400-4.600 đồng/kg; OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 5.000-6.000 đồng/kg; Đài thơm từ 5.000-5.200 đồng/kg; Nàng Hoa, RVT từ 5.000-5.500 đồng/kg; ST 24 từ 6.200-6.800 đồng/kg. Giá nếp từ 5.800-6.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với tuần trước. Điều phấn khởi hơn là năng suất lúa cũng tăng. Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch được khoảng 116.524ha, năng suất khô ước đạt 61,7 tạ/ha, sản lượng 718.775 tấn. Dù một số địa phương bị thiệt hại ít, nhiều do hạn, mặn gây ra nhưng tỉnh chủ động triển khai nhiều biện pháp nên đã hạn chế rất lớn thiệt hại. Trong đó, việc nông dân tranh thủ xuống giống đầu vụ sớm để né hạn, tránh mặn đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, việc các địa phương hoàn thành sớm nhiều dự án ngăn mặn trọng điểm và hoạt động kịp thời đã bảo vệ được diện tích sản xuất lúa”.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, nông dân trúng mùa, được giá
Không nên gieo sạ lúa Hè Thu sớm
Nhận thấy vụ ĐX 2019-2020 trúng mùa, được giá nên ngay sau khi thu hoạch xong, nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười liền ồ ạt xuống giống vụ Hè Thu, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Nhiều nông dân đang tranh thủ làm đất, vệ sinh đồng ruộng, tiến hành xuống giống Hè Thu sớm hơn lịch thời vụ. Hiện tỉnh có hơn 23.000ha lúa Hè Thu sớm, tập trung ở các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường.
Theo dự báo của ngành nông nghiệp, tiến độ cày ải vụ lúa Hè Thu năm nay sẽ chậm hơn so với mùa vụ năm trước. Để chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ lúa Hè Thu, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Hiện khu vực Đồng Tháp Mười đang vào vụ thu hoạch rộ nên rầy di trú với mật số cao. Vì vậy, việc người dân xuống giống ngay sau khi thu hoạch vụ lúa ĐX sẽ dẫn đến mầm bệnh từ vụ mùa trước có điều kiện sinh sôi, phát triển trong vụ mùa kế tiếp. Bên cạnh đó, xuống giống liên tục, không cho đất có thời gian nghỉ ngơi còn làm giảm độ phì nhiêu, dẫn đến tăng chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, giảm lợi nhuận của người dân. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, các hộ dân sau khi thu hoạch lúa ĐX không gieo sạ ngay lúa Hè Thu 2020 mà nên cày ải, làm đất, vệ sinh đồng ruộng,… để tiêu diệt mầm bệnh. Theo đó, phải tuân thủ theo đúng lịch thời vụ được khuyến cáo, gieo sạ tập trung trong tháng 4, 5 và 6/2020.
Bên cạnh đó, cày sớm, thời gian phơi đất càng lâu, các vi sinh vật có lợi càng có thời gian hoạt động làm mục gốc rạ vùi trong đất cung cấp dinh dưỡng sau này cho cây lúa hấp thụ. Bên cạnh việc tranh thủ cày ải sớm, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cơ cấu giống lúa theo hướng dẫn của ngành. Đối với địa phương cần tập trung nâng cấp hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, hướng dẫn nông dân chọn giống, vật tư nông nghiệp để khi có mưa xuống gieo sạ kịp thời vụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng từ thời tiết”./.
Huỳnh Phong