Bài 1: Từ cánh đồng hoang
Vùng ĐTM của tỉnh có diện tích 299.000ha, trải dài từ các xã phía Bắc huyện Thủ Thừa đến huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường, huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng và một phần huyện Đức Huệ. Từ giữa những năm 1980, chủ trương giãn dân, khai thác ĐTM của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã tạo nên bước ngoặt lịch sử, biến vùng đất hoang hóa này thành “vựa vàng” trù phú.
Công cuộc khai hoang vùng Đồng Tháp Mười
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An xác định nhiệm vụ trọng tâm phải đẩy mạnh sản xuất và “cứu đói”. Chiến lược này được vạch rõ tại 2 kỳ Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Long An lần thứ II và III. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, đầu tháng 9/1978, Long An bị lụt lớn, làm mất trắng 280.000 tấn lương thực, kết cấu hạ tầng gần như bị phá nát, nhà cửa người dân chìm trong biển nước, nạn đói lại tái diễn,...
Ông Nguyễn Văn Ba (70 tuổi, ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) nhớ lại: “Hồi đó, đất đai phèn chua dữ lắm, người dân chỉ làm được có một vụ lúa thôi, chẳng được bao nhiêu. Cái khổ nó đeo đẳng quanh năm, hết hạn rồi tới mặn, mà nhớ nhất là cái trận lụt năm 1978. Lụt gì mà kinh hoàng, cuốn trôi hết nhà cửa, ruộng vườn, bao nhiêu người mất tích. Nhiều nhà trắng tay phải nhờ Nhà nước cứu trợ gạo ăn từng bữa”.

Lũ về, vùng Đồng Tháp Mười chìm trong biển nước, đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn (Ảnh tư liệu)
Trận lụt lịch sử đi qua, tỉnh tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả và có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong công cuộc kiến thiết quê hương. Điểm nhấn thay đổi vùng ĐTM chính là Nghị quyết 03 Tiến quân về ĐTM; chương trình khai mở tiềm năng ĐTM (lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu). Theo đó, tỉnh bắt đầu mở tuyến đường 49 (nay là Quốc lộ 62), phân bổ lại lao động, đất đai, tổ chức xây dựng 6 đoàn kinh tế Đồng Tháp để khai thác tiềm năng ĐTM.
Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Di dân - Phan Tiến Dũng nhớ lại: Vùng ĐTM đất rộng, người thưa, chính vì thế, nhiệm vụ của Chi cục Di dân là đưa dân về vùng kinh tế mới, giúp dân trụ lại, làm ra sản phẩm, có lúa gạo xuất khẩu. Với nhiệm vụ này, Chi cục tham mưu Tỉnh ủy trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho Long An ký kết với các tỉnh phía Bắc đưa dân vào khai hoang vùng đất mới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa người dân trong tỉnh về khai phá vùng ĐTM. Mỗi hộ di dân với khoảng 2 lao động sẽ được cấp trung bình 2ha đất nông nghiệp, 1 căn nhà bằng cây tràm, lá dừa, 1 chiếc xuồng và gạo đủ để ăn trong 6 tháng.
Theo thống kê, từ khi chính sách di dân được triển khai đến năm 1990, Long An đã đón nhận 26.000 hộ gia đình với 51.000 nhân khẩu đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, phần lớn là người dân trong tỉnh (khoảng 84%, tương đương 22.000 hộ), số còn lại đến từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Nhờ chính sách di dân, vùng ĐTM nhanh chóng được lấp kín. Ghi nhận sự đóng góp của người dân khắp nơi về khai hoang vùng đất mới nên nhiều tên hành chính mới được đặt dựa vào quê quán của người dân như xã Khánh Hưng (ghép từ phường Khánh Hậu, TP.Tân An và Vĩnh Hưng), xã Vĩnh Bình (ghép từ Bình Tịnh, Bình Lãng, huyện Tân Trụ và Vĩnh Hưng), xã Hưng Hà (ghép từ Hà Bắc, Hải Hưng và Vĩnh Hưng).
Cuộc di dân đã mang theo sức sống mới, biến vùng đất chua phèn, hoang vu trở thành những cánh đồng lúa bạt ngàn, những khu dân cư, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Những tên đất, tên làng mang đậm dấu ấn quê hương ấy chính là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia và khát vọng xây dựng cuộc sống mới của những người con đất Việt trên vùng đất ĐTM.

Giờ đây, vùng Đồng Tháp Mười là những cánh đồng lúa trải dài, minh chứng cho sự thay đổi ngoạn mục
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Thu hút người dân đến khai hoang ĐTM đã khó nhưng làm sao để họ “an cư, lạc nghiệp”, gắn bó lâu dài lại càng nan giải bởi đất đai nơi đây vốn nhiễm phèn nặng, quanh năm chỉ làm được một vụ lúa bấp bênh, sản lượng chẳng đáng là bao. Bài toán đặt ra cho chính quyền và người dân lúc bấy giờ là phải tìm ra hướng đi căn cơ để “giữ chân” người mở đất.
Nhận thấy rõ những khó khăn đó, giải pháp khai phá ĐTM bằng cách đầu tư và phát triển hệ thống thủy lợi đã được xác định là hướng đi tối ưu, thậm chí là duy nhất. Bởi lẽ, trước khi nghĩ đến chuyện trồng cây gì, sản xuất ra sao, việc “giải độc” cho đất, cải tạo nguồn nước, bảo đảm đủ nước tưới tiêu cho đồng ruộng là yếu tố tiên quyết.
Ông Phan Tiến Dũng cho biết thêm: “Với sự chỉ đạo của Trung ương, năm 1984, tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng (hay kênh Trung Ương) dài 45km nằm ở khu vực gần biên giới Campuchia của tỉnh Đồng Tháp và Long An được đưa vào sử dụng để dẫn nguồn nước ngọt phù sa từ sông Tiền xuyên qua ĐTM về tận sông Vàm Cỏ Tây “tăng tốc” rửa phèn, cải tạo đất. Còn người dân cũng chung tay đào kênh, xẻ mương dẫn nước ngọt về khắp nơi trong vùng ĐTM”.

Đào kênh, khơi thông dòng chảy để tháo chua, rửa phèn (Ảnh tư liệu)
Đất đai được cải tạo, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp ĐTM (trực thuộc Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) tiến hành nghiên cứu chuyển từ làm lúa 1 vụ lên 2 vụ, khảo nghiệm trồng các giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao thay lúa mùa, giống lúa Thuần Nông,...
Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp ĐTM - Thạc sĩ Nguyễn Viết Cường cho biết: “Trung tâm nghiên cứu, đưa vào sử dụng nhiều giống lúa mới như IR66, IR60A,... Trong đó, giống lúa IR50404 mang lại đột phá về năng suất cho người dân vùng kinh tế mới bởi giống lúa này chịu phèn tốt, ít sâu, bệnh. Nếu trước đây, nông dân trồng giống lúa Thuần Nông 1 chỉ cho năng suất hơn 1 tấn/ha thì giống lúa IR50404 năng suất đạt gần 7 tấn/ha/vụ, cá biệt nhiều vùng đất tốt, năng suất 8-9 tấn/ha/vụ. Năm 1998, theo báo cáo tổng hợp của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Nam Bộ, diện tích giống lúa IR50404 chiếm khoảng 48% tổng diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng từ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức xuôi về xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng lập nghiệp đã mấy chục năm. Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến vùng kinh tế mới, ông Hoàng không khỏi bồi hồi: “Khó khăn trăm bề! Đất đai thì toàn cỏ, lác, phèn, chua không chịu nổi. Cả năm trời dãi dầu mưa nắng mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Nước lũ chụp về coi như mất trắng”.
Thế rồi, nhờ mạnh dạn thay đổi, chuyển từ làm lúa 1 vụ lên 2 vụ, cuộc sống của người dân nơi đây dần đổi khác. Ông Hoàng vui vẻ kể: “Hồi đó, 1ha thu được 50kg lúa là mừng hú vía rồi. Còn bây giờ, 1ha phải đạt 8-9 tấn/vụ mới gọi là được. Ai mà trụ được với ruộng vườn tới bây giờ là giàu hết, nhà cửa khang trang”.
Chỉ sau một thời gian ngắn, đến năm 1991, Chương trình khai hoang ĐTM đã đưa vào sử dụng hiệu quả 50.000ha đất trồng lúa; đồng thời, chuyển đổi 15.000ha đất từ canh tác 1 vụ lên 2 vụ, mở ra một trang mới cho nền nông nghiệp của vùng. Chính sách này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đưa tổng sản lượng lương thực toàn vùng từ 250.000 tấn (năm 1986) lên đến 600.000 tấn vào năm 1990, chiếm tới 60% tổng sản lượng lương thực của cả tỉnh lúc bấy giờ.
Tiếp nối thành quả đó, sau hơn 2 thập kỷ nỗ lực không ngừng, sản lượng lương thực của vùng ĐTM đã có bước nhảy vọt ấn tượng, chạm mốc hơn 2,4 triệu tấn (tính đến năm 2024), đóng góp hơn 80% vào tổng sản lượng lương thực của toàn tỉnh. Đây là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, tinh thần vượt khó và tầm nhìn chiến lược trong công cuộc xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới đầy tiềm năng này. Cũng từ đó, ĐTM hôm nay không chỉ là biểu tượng của sự trù phú mà còn là minh chứng cho khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết và sức mạnh nội tại của con người Việt Nam trên hành trình xây dựng một tương lai tươi sáng./.
(còn tiếp)
Lê Ngọc - Huỳnh Phong
Bài 2: “An cư”