Xác định sản phẩm, không gian du lịch
“Khách tham quan đi 1 tỉnh là biết hết du lịch vùng ĐBSCL” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang - Phạm Thế Triều bày tỏ ý kiến khi nói về sự phát triển du lịch ĐBSCL thời gian qua. Chính sự tương đồng về đặc thù sinh thái, cảnh quan thiên nhiên nên du lịch ĐBSCL chưa phát triển mạnh so với các vùng khác trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Phong cảnh thiên nhiên hữu tình với đặc trưng miệt vườn, sông nước là một trong những tài nguyên du lịch hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Nhắc đến du lịch ĐBSCL, nhiều du khách cứ nghĩ đó là sản phẩm du lịch miệt vườn, đi xuồng trên sông hoặc tham quan các cù lao, thăm vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử mà quên rằng, đất chín rồng còn có rừng ngập mặn, biển, đảo, núi và các di tích lịch sử - văn hóa,... Những tài nguyên này sẽ đưa du lịch ĐBSCL "cất cánh" nếu xác định đúng sản phẩm du lịch phù hợp với không gian du lịch của các tỉnh, thành phố để tránh khai thác trùng lắp như hiện nay.
Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố và bắt đầu triển khai thực hiện xác định rõ, định hướng phát triển sản phẩm du lịch, khai thác các tiềm năng và lợi thế của vùng để hình thành các dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, bao gồm: Du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa; củng cố các sản phẩm chính: Nghỉ dưỡng biển, đảo và vui chơi, giải trí. Ngoài ra, đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các sản phẩm bổ trợ: Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử - cách mạng, du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện (MICE).
Đề án cũng xác định việc phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và thị trường khách du lịch quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế, chú trọng thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á đối với các sản phẩm du lịch đặc thù: Trải nghiệm đời sống sông nước, sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa và các sản phẩm du lịch chính của vùng. Còn thị trường du lịch nội vùng sẽ phát triển thị trường khách đến từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng với mục đích tìm hiểu đời sống sông nước, miệt vườn, lễ hội, văn hóa - tâm linh, nghỉ dưỡng biển, đảo; đồng thời, khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường khách du lịch theo chuyên đề và du lịch vui chơi, giải trí.
Khách tham quan tại Khu Du lịch Vinh Sang, tỉnh Vĩnh Long
Đối với khu du lịch, điểm du lịch trong vùng, sẽ tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia gồm: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen (Đồng Tháp - Long An), núi Sam (An Giang) và 7 điểm du lịch quốc gia:
Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Happyland, Long An), cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh miếu (Vĩnh Long), ao Bà Om (Trà Vinh). Ngoài ra, TP.Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ phát triển thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng; phát triển TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) thành trung tâm du lịch của Không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của vùng.
Các sản phẩm, khu, điểm du lịch ấy sẽ được khai thác phù hợp với các không gian du lịch. Không gian du lịch phía Tây gồm TP.Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng: Tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển, đảo; sinh thái; trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội. Không gian du lịch phía Đông bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh khai thác sản phẩm du lịch nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử - cách mạng; lưu trú tại nhà dân (homestay).
Khách tham quan tại Khu Du lịch Vinh Sang, tỉnh Vĩnh Long
Phát triển du lịch phải "Chung một mái nhà"
Mỗi tỉnh có đặc trưng riêng nhưng du lịch ĐBSCL sẽ không phát triển tương xứng tiềm năng nếu không liên kết cùng nhau trong một mái nhà. Điều này thực hiện dựa trên các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng theo đường bộ, đường thủy và đường không, kết nối đến các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên; duyên hải miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế dựa trên việc mở rộng các tuyến du lịch liên vùng gắn với TP.HCM, TP.Cần Thơ, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Rạch Giá - Cà Mau theo đường R10) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển qua các cảng biển (Cần Thơ, Phú Quốc) và tuyến đường sông trên sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnom Penh, Seam Reap (Campuchia). Tăng cường phát triển các tuyến du lịch đường không quốc tế trên cơ sở nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc.
Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp - Nơi đầy tiềm năng để phát triển du lịchDu lịch ĐBSCL sẽ không nhàm chán nếu có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng. Chẳng hạn, du khách đến Phú Quốc tắm biển sẽ thú vị, hấp dẫn hơn khi có thêm nhiều điểm du lịch liên kết với đất liền của một số tỉnh, thành phố lân cận. Trong liên kết, mỗi tỉnh cũng cần “nhường nhịn” nhau để phát huy thế mạnh từng nơi như ý kiến của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu: “Đờn ca tài tử là tài nguyên du lịch và phát triển rộng khắp trong vùng ĐBSCL. Nhưng, khi phát triển du lịch nên ưu tiên khai thác đờn ca tài tử ở tỉnh Bạc Liêu, còn các tỉnh, thành phố khác khai thác những tài nguyên đặc trưng nhất để đa dạng các điểm đến trong vùng”.
Khi liên kết trong một mái nhà cùng làm du lịch cũng cần có người điều phối. Vai trò “nhạc trưởng” rất quan trọng trong việc định hướng, liên kết các tỉnh, thành phố trong vùng hiệu quả. Theo gợi ý của đại diện các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, có thể lấy TP.Cần Thơ làm trung tâm điều phối nhằm tạo động lực phát triển cho các tỉnh còn lại. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL - Lê Thanh Phong cho rằng: “Cần thành lập ban điều phối du lịch để đề xuất cơ chế, chính sách phát triển du lịch vùng; điều phối các địa phương thống nhất đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của vùng và có định hướng liên kết trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá thương mại, du lịch của các tỉnh, thành phố”.
Cũng theo ông Lê Thanh Phong, để du lịch ĐBSCL "cất cánh", ngoài xác định sản phẩm du lịch, không gian du lịch và có “nhạc trưởng” thì cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách đầu tư cho vùng, nhất là hệ thống giao thông như các tuyến đường, cảng, sân bay nhằm phục vụ khai thác du lịch thuận lợi.
Bức tranh du lịch vùng ĐBSCL trong cách nhìn của du khách sẽ không còn na ná nhau, đơn điệu và nhàm chán khi Đề án Quy hoạch tổng thể du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đi vào đời sống, được các tỉnh, thành phố thật sự vào cuộc triển khai thực hiện theo những định hướng rõ ràng về sản phẩm, không gian và các điểm, tuyến du lịch./.
Thùy Hương