Tiếng Việt | English

09/05/2019 - 04:42

Vùng trồng khóm và khoai mỡ: Cần đầu tư kết cấu hạ tầng và tìm đầu ra cho nông sản

Tại Long An, với những địa phương có diện tích trồng khoai mỡ và khóm nhiều như Bến Lức, Thạnh Hóa, trước đây, UBND tỉnh đã nâng cấp đê bao và xây dựng cống. Tuy nhiên một số hạng mục thủy lợi chính phục vụ cho vùng chuyên canh khóm, khoai mỡ vẫn chưa được đầu tư. Ngoài ra, nhân dân cũng mong muốn sớm được đầu tư hạ tầng giao thông và hệ thống điện phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra cho nông sản còn gặp nhiều khó khăn.

Đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An, năm 2018, diện tích trồng khoai mỡ và cây khóm trên địa bàn tỉnh là 4.056ha (khóm 865ha, khoai mỡ 3.191ha), tập trung tại huyện Bến Lức và Thạnh Hóa. 

Cây khóm ở vùng chuyên canh đang chờ điện về.

Cây khóm ở vùng chuyên canh "chờ" điện về

Theo UBND tỉnh Long An, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi cho vùng chuyên canh cây khóm (phía Nam Kênh 3 - La Khoa) và Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi cho vùng chuyên canh cây khoai mỡ (cũng thuộc phía Nam Kênh 3 -La Khoa) thuộc địa bàn xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa được đầu tư phê duyệt từ năm 2013 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, do chưa cân đối phân bổ được nguồn vốn nên 2 dự án này vẫn chưa được đưa vào kế hoạch.

Để đáp ứng phần nào nhu cầu người dân, UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở NN&PTNT phân bổ vốn từ nguồn cấp bù, lúa nước triển khai thực hiện trước một số hạng mục nạo vét, san sửa mặt đê, thi công các cống đầu kênh.

Đến nay, hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng thoát nước của khu vực thực hiện dự án tương đối hoàn chỉnh, chỉ có hạng mục trạm bơm điện vẫn chưa có vốn đầu tư do không thể sử dụng từ nguồn vốn cấp bù, lúa nước. UBND tỉnh Long An xem xét khả năng cân đối vốn từ các nguồn khác để tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.

UBND huyện Thạnh Hóa đầu tư xây dựng trạm bơm điện bờ Nam kênh 3-La Khoa nhưng vẫn phải chờ đường điện hai pha nên chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất người dân bờ Nam kênh 3-La Khoa

UBND huyện Thạnh Hóa đầu tư xây dựng trạm bơm điện bờ Nam kênh 3 - La Khoa nhưng vẫn phải chờ đường điện hai pha nên chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân

Chủ tịch UBND xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Chẵn cho biết: “Người dân ấp 5 rất mong muốn UBND tỉnh, huyện cho đầu tư hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh và điện sản xuất cho vùng bờ Nam kênh 3 - La Khoa vì đây là vùng được quy hoạch 600ha trồng khóm và khoai mỡ”.

Đường bờ đê Nam kênh 3 - La Khoa xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa

Hiện nay, tuyến đường cặp Kênh 21 nối Quốc lộ 62 và huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được huyện Thạnh Hóa đầu tư, nhằm thúc đẩy phát triển vùng chuyên canh khóm, khoai mỡ của huyện. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông cho vùng bờ Nam kênh 3 - La Khoa còn yếu kém.

Anh Trần Văn Sáng, ngụ ấp 5, xã Tân Tây thông tin: “Do đường đi khó khăn, nông dân chúng tôi cũng chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất lớn. Chúng tôi mong muốn đường bờ đê trải đá xanh để thuận tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa”.

Giải quyết đầu ra cho nông sản

Gần đây, tại vùng đất rốn phèn Thạnh Hóa, nông dân trồng khóm phát triển khá tốt, năng suất và chất lượng cao. Từ đó, dần hình thành vùng nguyên liệu khóm trải dài từ các xã Thạnh Lợi, Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) đến xã Tân Lập, Tân Thành (huyện Thủ Thừa) và xã Thuận Bình, Tân Hiệp, Tân Tây (huyện Thạnh Hóa). Diện tích khóm lên đến 865ha, năng suất bình quân 18,6 tấn/ha. Sản lượng ước khoảng 13.215 tấn/năm.

Ngoài ra, diện tích khoai mỡ chủ yếu tập trung tại xã Tân Tây, Tân Đông, Thạnh An và Thủy Đông của huyện Thạnh Hóa, diện tích 3.191ha, năng suất đạt 13,2 tấn/ha, sản lượng hàng năm ước khoảng 42.122 tấn. Cây khóm cần có đầu ra ổn định, trong ảnh thương lái bán lẻ khóm ven QLN2.

Cây khóm có năng suất cao nhưng chưa có đầu ra ổn định (Trong ảnh: Khóm được bán lẻ ven Quốc lộ N2)

Với sản lượng khá lớn nhưng vấn đề đầu ra của khóm và khoai mỡ còn gặp nhiều khó khăn, giá tiêu thụ bấp bênh. Bên cạnh một số nông dân khu vực xã Tân Tây, Thạnh An có nguồn thu mua khoai mỡ từ Hợp tác xã (HTX) Bến Kè, nông dân tại các xã khác cũng chưa có đầu mối ổn định để tiêu thụ nông sản, chủ yếu bán cho thương lái nên dễ bị "ép giá", không bảo đảm quyền lợi.

Theo Sở NN&PTNT Long An, trong thời gian qua, Sở tích cực phối hợp Sở Công Thương tìm thị trường tiêu thụ khóm và khoai mỡ cả trong và ngoài tỉnh như giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư - tiêu thụ, phát triển nông nghiệp - nông thôn tiểu vùng Đồng Tháp Mười tại Long An, Hội chợ Nông nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức nhiều chuyến đi cho cá nhân, đại diện doanh nghiệp, HTX tìm kiếm thị trường tại các tỉnh và cửa khẩu phía Bắc nhằm tìm kiếm đối tác tiêu thụ tại thị trường lớn Trung Quốc; tổ chức hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm khoai mỡ giữa tổ hợp tác (THT), HTX khoai mỡ Long An với chợ đầu mối TP.HCM;...

Qua các hoạt động trên, khoai mỡ và khóm Long An được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.

HTX Khoai mỡ Bến Kè, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa đầu mối tiêu thụ khoai mỡ cho bà con nông dân.

HTX Khoai mỡ Bến Kè, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa là đầu mối tiêu thụ khoai mỡ ổn định cho nông dân

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Long An tiếp tục chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Công Thương thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ đầu ra cho cây khóm và khoai mỡ.

Cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM xây dựng chuỗi, quảng bá, liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Long An, trong đó có khóm và khoai mỡ; rà soát, thống kê danh sách các chuỗi trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng để kết nối tiêu thụ với các chuỗi của TP.HCM.

Đồng thời, hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tham gia các phiên chợ nông sản an toàn tại TP.HCM.

Đặc biệt, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ các địa phương vùng dự án xây dựng, củng cố, thành lập mới các THT, HTX trong sản xuất khóm, khoai mỡ để làm đầu mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá, trưng bày nông sản chủ lực tại hội chợ trong và ngoài tỉnh; kết nối cung – cầu giữa các THT, HTX với doanh nghiệp, chợ đầu mối tại các thành phố lớn, trung tâm thương mại,.../.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết