Bia giới thiệu về di tích
Đường vào Khu di tích Vườn nhà ông Bộ Thỏ giờ đây đã nhựa hóa, rộng mở chào đón thế hệ hôm nay tìm về cội nguồn cách mạng. Dù cảnh vật đổi thay nhưng cây khế, cái ao ngày nào vẫn còn đó như một “chứng nhân” cho thời khắc lịch sử thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên. Nơi đây, vào ngày 6-3-1930, đồng chí Võ Văn Tần đã chủ trì cuộc họp bí mật gồm 7 đảng viên tham dự. Trong buổi họp, 7 đảng viên đã thống nhất tuyên bố chuyển Chi bộ An Nam cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Đức Hòa. Chi bộ mới do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Sậy là Phó Bí thư.
Sau khi thành lập, chi bộ ra Nghị quyết đầu tiên lấy Cách mạng tháng Mười Nga làm nội dung tuyên truyền và phương hướng hoạt động của Đảng ở địa phương. Dù phong trào cách mạng ở Đức Hòa đã có từ rất lâu nhưng khi thành lập Chi bộ Đảng, phong trào yêu nước của nhân dân ở đây đã bước sang thời kỳ mới, thời kỳ có Đảng lãnh đạo. Điều này thể hiện qua cuộc biểu tình kéo dài cả ngày lẫn đêm của hơn 5.000 nông dân đấu tranh chống áp bức, chống thuế. Dù cuộc biểu tình bị đàn áp nhưng địch cũng phải xuống lệnh giảm thuế.
Với ý nghĩa đó, năm 1994, UBND huyện Đức Hòa đã xây dựng tại Vườn Nhà ông Bộ Thỏ một bia tưởng niệm sự kiện này. Khu Di tích đã được UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích lịch sử tại Quyết định số 518 ngày 1-2-2000. Hiện khu di tích đang được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 6 tỉ đồng. Còn nhớ, khi khởi công công trình này trong năm 2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi đó là ông Trần Minh Hùng đã chỉ đạo các đơn vị, ngành liên quan triển khai dự án đúng tiến độ. Đồng thời, yêu cầu xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa quan tâm tuyên truyền trong thế hệ trẻ về khu di tích.
Ngày 18-8, Phó Giám đốc Ban quản lý Di tích Lịch sử - Văn hóa tỉnh – Nguyễn Văn Thiện cho biết: “Các hạng mục như khu Nhà chính bia di tích đã hoàn thành. Hiện một số hạng mục khác như hầm và hình tượng 7 đảng viên tham dự cuộc họp bí mật ngày 6-3-1930 vẫn đang được thi công và sắp hoàn thành. Về phía Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ kết hợp những điểm như nhà cổ Phước Lộc Thọ với các di tích Ngã tư Đức Hòa, Bình Tả và Vườn nhà ông Bộ Thỏ thành một tuyến tham quan cho du khách”.
Theo Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa – Lê Thị Cẩm Tú, vào các dịp lễ tết, Huyện đoàn thường tổ chức cho đoàn viên, thanh niên về đây dọn dẹp, thắp nén tâm hương lên bia tưởng niệm để tỏ lòng tri ân. Ngoài ra, Huyện đoàn cũng phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Ban Tuyên giáo để giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng của khu di tích cho đoàn viên, thanh niên. Hằng năm, Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện với các hình thức thuyết trình, viết, có nhiều câu hỏi đề cập đến các khu di tích, trong đó có Nhà vườn ông Bộ Thỏ./.
Lê Đức